Sau sự việc 3 nữ sinh ĐH Ngoại thương Hà Nội thiệt mạng khi đi tình nguyện tại Quảng Ninh, Trung ương Đoàn đã ra công văn khẩn yêu cầu các cơ sở đoàn cần kiểm tra, rút kinh nghiệm hoạt động đoàn tại địa phương.
"Các đơn vị đoàn cơ sở cần báo cáo cấp ủy, chính quyền về các hoạt động tình nguyện; chỉ đạo Đoàn Thanh niên địa phương phối hợp với tổ chức Đoàn nơi cử các đội hình đi tình nguyện, giữ mối liên hệ chặt chẽ với người phụ trách, quán triệt các tình nguyện viên nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật trong quá trình tình nguyện để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho các đội hình tình nguyện, trong đó tập trung: an toàn giao thông khi đi lại, không sinh hoạt ở các địa điểm nguy hiểm: gần sông, suối, ao, hồ, vách núi… và trong điều kiện thời tiết xấu (mưa giông, lũ quét...)", công văn của Trung ương Đoàn nêu rõ.
Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Chu Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội sinh viên TP Hà Nội nhận định sự việc vừa qua là bài học đau xót rất lớn, cần rút kinh nghiệm cho các cấp bộ đoàn khi tổ chức các hoạt động tình nguyện”.
Bà Minh cho biết, 3 sinh viên tình nguyện Đại học Ngoại thương tai nạn trong lúc làm đi tình nguyện là sự việc đáng tiếc xảy ra trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè 2016.
Ngay sau khi nhận được thông tin về tai nạn, Đoàn thanh niên thành phố Hà Nội về địa phương nơi xảy ra vụ việc ở Quảng Ninh để nắm bắt tình hình, hỗ trợ và tìm kiếm, cứu hộ, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân và trường Đại học Ngoại thương.
Đến nay Ban Thường vụ Thành đoàn cũng yêu cầu Đại học Ngoại thương rút kinh nghiệm trong đợt hoạt động và tổ chức chu đáo công tác hậu sự cho 3 sinh viên, động viên gia đình các nạn nhân.
Cũng theo lãnh đạo Hội Sinh viên Hà Nội, sau sự việc, Hội yêu cầu các đội tình nguyện, mỗi tình nguyện viên phải có tinh thần cảnh giác, ý thức kỷ luật và trang bị cho mình kỹ năng sinh tồn.
“Sinh viên tình nguyện cần trang bị kỹ năng ứng phó trước các thiên tai bất ngờ để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra, đảm bảo cho các hoạt động tình nguyện diễn ra thông suốt”, bà Minh nói.
Từ những sự cố đau lòng đối với sinh viên tình nguyện, ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, nhận định: Ngoài nguyên nhân chủ quan do các em thiếu kỹ năng sinh tồn, công tác tổ chức cũng cần phải được sết chặt hơn nữa.
Cũng theo ông Lý, trước khi diễn ra hoạt động tình nguyện, TƯ Đoàn đã yêu cầu bắt buộc nhà trường có nhóm tiền trạm triển khai khảo sát để lên kế hoạch cụ thể, Tuy nhiên, nhiều trường đã không không nắm được đặc thù địa bàn để phổ biến cho các em.
Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè là hoạt động thường niên do Trung ương Đoàn phát động nên các đội nhóm khác vẫn sẽ hoạt động theo kế hoạch nhưng có sự giám sát chặt chẽ hơn để các hoạt động tình nguyện phải tuyệt đối an toàn.
Lãnh đạo Hội Sinh viên thành phố Hà Nội cũng cho biết, sau sự việc, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã quán triệt tất cả Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng có các đội sinh viên đang tham gia Chiến dịch về việc đảm bảo an toàn, không tổ chức hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu; tạm dừng hoặc đổi địa bàn hoạt động đối với những địa bàn nguy hiểm, có nguy cơ cao về thiên tai (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…); để đảm bảo an toàn cho sinh viên.
Trước đó, Bí thư Đoàn trường Đại học Ngoại thương Nguyễn Văn Triệu cho biết, trong suốt 10 năm thực hiện hoạt động tình nguyện, chưa bao giờ bản thân và nhà trường lại bị tổn thất, mất mát lớn như vậy.
“Tôi rất đau xót, sự cố mất mát lớn như thế do điều kiện thời tiết, nước lũ thượng nguồn chảy xiết, các em cũng không có kinh nghiệm đi qua suối...”, Bí thư Đoàn trường chia sẻ.
Vào chiều ngày 2/7, 4 sinh viên ĐH Ngoại thương tham gia công tác mùa hè xanh tại khu vực cầu Pác Hoóc, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu gặp nạn lũ cuốn do thời tiết mưa to từ trước đó. Một sinh viên may mắn được cứu. 3 nữ sinh mất tích. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến hơn 2h sáng ngày 3/7, thi thể 3 sinh viên xấu số được tìm thấy.
Tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu hỗ trợ mỗi gia đình các nữ sinh không may 6 triệu đồng và toàn bộ phương tiện đưa các em về quê. Trường ĐH Ngoại thương hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng. Đảng ủy Khối các trường Đại học và Cao đẳng Hà Nội hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng. Về phía Đoàn trường FTU cũng cho dừng hoạt động tình nguyện của tất cả các đội sinh viên tình nguyện của trường ở các tỉnh sau sự việc đau lòng trên.
Bình luận