3 nhóm vấn đề các ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.Chương trình quá tải, vẫn nặng về điểm số
Đối với GD phổ thông, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, chất lượng giáo dục học sinh mới chỉ được quan tâm hơn ở kết quả tiếp thu kiến thức, kỹ năng mà chưa chú trọng đến kết quả việc phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; việc xây dựng môi trường giáo dục dân chủ trong một số cơ sở giáo dục chưa được chú trọng; cá biệt có một số giáo viên, học sinh có hành vi ứng xử thiếu văn hóa gây mất niềm tin của cha mẹ học sinh, bức xúc trong xã hội.
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh hiện nay tuy đã có nhiều tiến bộ, song vẫn nặng về điểm số. Nhiều nơi việc kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình, gây quá tải, làm cho học sinh tuy có kiến thức nhưng năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn còn hạn chế.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, ngành đã phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý làm cơ sở để các địa phương thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Nói về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.
Bên cạnh đó, một số trường đại học sau thời gian hoạt động chưa đảm bảo đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng theo đề án thành lập trường dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, khó tuyển sinh, không đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng.
Bộ đã đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, tập trung vào kiểm định chương trình đào tạo. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng lại hệ thống chế tài xử phạt nặng hơn đối với vi phạm chất lượng giáo dục đại học và xử lý nghiêm đối với vi phạm; công bố công khai kết quả kiểm định, kết quả thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm để rút kinh nghiệm và phòng ngừa chung.
Bạo hành trẻ chủ yếu trường ngoài công lập
Về tình trạng, một số cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra mất an toàn đối với trẻ, một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử đối với trẻ chưa chuẩn mực, cá biệt có một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ.
Theo Bộ trưởng Nhạ, tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ và gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân, là công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là quản lý các nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục ở một số địa phương thiếu thường xuyên, chưa hiệu quả; việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, số trường hợp phát hiện, xử lý vi phạm các quy định không nhiều.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động chưa thường xuyên, thiếu chuyên sâu; một số nơi, ủy ban nhân dân cấp xã còn dễ dãi, buông lỏng trong việc cấp phép đối với nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non với các tiêu chí, các mức độ đánh giá phù hợp với thực tiễn.
Video: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Học phí và "giá dịch vụ đào tạo" khác nhau thế nào?
Tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù phát triển trường lớp ở những khu vực có nhiều khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân; đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên mầm non.
Bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giáo dục; rà soát, khắc phục tình trạng chưa hiệu quả, lỏng lẻo, thiếu quyết liệt, thiếu chủ động trong một số khâu quản lý; xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
“Dạy người” còn khiêm tốn
Đối với tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên và học sinh vừa qua gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, nguyên nhân một phần là do sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục.
Nhiều bậc phụ huynh phó thác con em cho nhà trường, làm cho mối quan hệ nhà trường - gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo; cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em.
Về phía ngành giáo dục, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận chương trình đào tạo giáo viên, trong đó nội dung về đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên chưa thực sự được chú trọng; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn…
Hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào; thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò “dạy người” còn “khiêm tốn”, ở một số nơi bị xem nhẹ.
Ngoài ra, do một số địa phương chưa bố trí đủ số lượng giáo viên/lớp gây ra quá tải công việc cho một số giáo viên; việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên còn có hiện tượng dễ dãi, tràn lan, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn/chuẩn nghề nghiệp, trong đó có tiêu chuẩn về đạo đức; trách nhiệm quản lý các trường học của phòng giáo dục và đào tạo bị “nhẹ đi”; việc xử phạt những hành vi nêu trên chưa đủ mạnh để răn đe.
Để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên, giáo viên trong nhà trường hiện nay, Bộ trưởng Nhạ cho biết, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…
Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, hướng dẫn nội dung bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; Chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp...
Bình luận