Đến thời điểm hiện tại, manh mối lớn nhất chúng ta có được là lời kể của một nhân chứng – anh Alif Fathi Abdul Hadi (29 tuổi, người Malaysia) và các thông tin mới về những người dùng hộ chiếu giả trên chuyến bay định mệnh MH370.
Cụ thể, báo Singapore loan tin doanh nhân Alif Fathi Abdul Hadi ở Ketereh (Malaysia) đã nhìn thấy chiếc máy bay này hạ thấp độ cao, lao thẳng về phía biển khoảng 5 phút trước khi nó biến mất.
Alif nói thêm, còn có những ánh đèn đỏ nhấp nháy ở vật thể mà anh cho là chiếc máy bay đang bị mất tích đó trước khi nó biến mất. Giới chức các nước, đặc biệt là Malaysia đang ráo riết thu thập dữ liệu để xác minh thông tin này.
Anh Luigi Maraldi người Italy đã bị mất cắp hộ chiếu và hộ chiếu đó đã được một hành khách sử dụng để lên chuyến bay MH370
Giám đốc cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar nói cơ quan điều tra nước này đã xác định được danh tính một trong hai người dùng hộ chiếu giả kể trên.
Ông Khalid Abu Bakar khẳng định, người này "không phải người Malaysia", nhưng hiện họ không tiết lộ quốc tịch của kẻ đó.
Bình luận về chuyện này, Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Zahid Hamidi phàn nàn rằng ông "không thể hiểu tại sao" các nhân viên an ninh lại để lọt những hành khách khả nghi như vậy.
"Họ dùng hộ chiếu châu Âu nhưng lại mang khuôn mặt dân châu Á, điều này là rất không bình thường", ông Ahmad Zahid Hamidi nói.
Dù sao thì tới thời điểm hiện tại, đây cũng là những thông tin hết sức có giá trị với hành trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích bí ẩn này bởi thật đáng buồn là sau 3 ngày 9 nước triển khai lực lượng nỗ lực tìm kiếm, những dấu vết ít ỏi tìm thấy như các vật thể lạ đều không liên quan tới máy bay mất tích.
Dồn dập tin vật thể lạ
Bức ảnh những mảnh vỡ trên biển do hành khách Trung Quốc chụp đăng trên báo điện tử Hoa Nam buổi sáng
Ngay sau đó, tàu hải quân HQ 888 được trang bị hệ thống đa tia dò đáy biển của Việt Nam đã có mặt tại hiện trường lúc 21h30 để kiểm tra, nhưng không thấy dấu hiệu nghi vấn.
Trước đó, lúc 15h20 ngày 10/3, Trực ban Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 cho biết tàu HQ 637 của Việt Nam đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam.
Ban đầu, vật thể được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn yêu cầu tàu HQ 637 giữ vật thể tìm được, chụp ảnh gửi về Sở chỉ huy.
Cùng lúc phía Singapore thông báo phát hiện có vật thể màu vàng trôi dạt nghi là phao cứu sinh. Trên thực tế phát hiện từ phía Singapore và Malaysia là cùng một vật thể.
Đến 17h00 cùng ngày, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam xác nhận, đó chỉ là nắp một cuộn cáp đã mọc rêu.
7h12 phút sáng 10/3, một chiếc MI 171 của Trung đoàn 917 cất cánh từ sân bay Cà Mau ra Phú Quốc đón Thứ trưởng Giao thông Phạm Quý Tiêu đến nơi phát hiện vật thể lạ. Ảnh: Đức Đồng
Lùi thời gian lại ngày đầu tiên tìm kiếm chiếc Boeing 777 chở 239 người mất tích của Malaysia, những dấu vết ít ỏi tìm thấy như vệt nghi dầu loang, khúc gỗ đều không liên quan tới máy bay mất tích.
Hôm 9/3 cũng xuất hiện thêm chi tiết kỳ lạ về vụ máy bay mất tích khi gia đình của một hành khách Trung Quốc mất tích trên chuyến bay MH 370 của Malaysia đã liên lạc được với điện thoại di động của anh ta.
Truyền hình Bắc Kinh đưa tin các nhà chức trách Malaysia đang cố gắng sử dụng nhiều tín hiệu để xác định vị trí máy bay, nhưng hiện chưa có thông tin gì đáng chú ý.
Tới sáng 10/3, ông Đào Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc công ty quản lý bay Việt Nam cho biết, qua lấy mẫu và phân tích, vệt nước biển phát hiện chiều 8/3 không phải là vệt dầu loang.
Những tia hi vọng chỉ vừa le lói đã vụt tắt trong việc tìm kiếm máy bay mất tích khiến người ta liên tưởng ngay tới những kịch bản tồi tệ.
Những kịch bản xấu
Giới chức Malaysia nói không loại trừ khả năng máy bay bị khủng bố
Ngày hôm qua (10/3), RIA Novosti dẫn nguồn quan chức điều tra vụ máy bay Malaysia mất tích cho hay giới chức Malaysia cũng phỏng đoán máy bay MH370 chở 239 người đã bị vỡ tung trên không hôm 8/3 trước khi rơi xuống biển.
Thông tin này cũng được Cục hàng không dân dụng Trung Quốc chia sẻ trên báo chí Trung Quốc.
Trong khi đó, Cảnh sát quốc tế Interpol nói họ phát hiện "nhiều hộ chiếu khả nghi". Thông tin này được các tờ báo phương Tây diễn giải là có khả năng khủng bố đã xâm nhập thành công lên máy bay.
Trước đó, trong cuộc họp báo sáng 9/3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussein được Chinanews dẫn lời cũng thừa nhận máy bay MH370 của hàng không nước này có thể đã bị khủng bố hoặc bị cướp.
Hôm nay, Việt Nam sẽ làm những gì?
Sở chỉ huy UBQG tìm kiếm cứu nạn liên tục theo dõi các thông tin từ các đơn vị báo về
Theo đó, các phương tiện tàu sẽ tham gia tìm kiếm xuất phát từ phía Nam vĩ độ 8 và chia thành 2 tổ. Tổ 1 sẽ tìm kiếm từ phía nam vĩ độ 8 đến khu vực đã tìm kiếm ngày 8.3. Tổ 2 tìm kiếm phía đông khu vực tìm kiếm ngày 9.3, mở đều sang 2 phía đường bay từ điểm IGARI đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Lực lượng không quân sẽ tiến hành tìm kiếm trong phạm vi từ phía Nam đảo Thổ Chu đến vĩ độ 7 và mở rộng ra hai phía đông đường bay đến kinh độ 16 đồng thời tiến hành rà soát khu vực đông nam Vũng Tàu, cách mũi Ô Cấp 32 hải lí.
Phía Việt Nam cũng đã có ít nhất 7 tàu tiếp tục làm nhiệm vụ tìm kiếm máy bay bị mất tích xuyên đêm qua - 10/3 (gồm 2 tàu SAR 412,413; 3 tàu cảnh sát biển và 2 tàu hải quân).
VTC News sẽ tiếp tục cập nhật tình hình.
Bình luận