Học phí
Học phí là một trong những khoản tiền đầu tiên nhà trường được phép thu của học sinh. Theo khoản 3, Điều 9, Nghị định 81/2021, từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.
Theo đó, UBND sẽ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định.
Bảo hiểm y tế học sinh
Quyết định 595/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên hiện được áp dụng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Nhà trường chỉ đóng vai trò thu hộ cho phía Bảo hiểm xã hội.
Số tiền phải đóng = 4,5% x 1.800.000 đồng x 12 tháng = 972.000 đồng/năm. Trong đó, số tiền học sinh, sinh viên thực đóng là 680.400 đồng/năm do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng
Đồng phục
Căn cứ theo Điều 9, Thông tư 26/2009, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.
Chính vì vậy, nhà trường được phép thu tiền danh mục đồng phục học sinh và toàn bộ nguồn thu này phải công khai minh bạch.
Ngoài ra, còn có một số khoản thu thực hiện theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; học phẩm cho trẻ mầm non; nước uống học sinh;… Khoản tiền này được áp dụng tùy theo từng địa phương, đơn vị.
Trước đây, nhà trường cũng được phép thu tiền học thêm của học sinh theo Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, trong nội dung Thông tư 29/2024 vừa ban hành thay thế thông tư cũ, Bộ GD&ĐT quy định nhà trường không được phép thu tiền học thêm của học sinh, kinh phí tổ chức dạy thêm sẽ lấy từ ngân sách.
Bình luận