(VTC News) – Nói về việc 3 cô gái lao vào đánh nam tài xế taxi, GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, các cô rồi sẽ làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy cả một thế hệ mà vô học như thế thì dạy ai?
Chiều 14/4 vừa qua, nhiều người đi qua phố Tràng Tiền không khỏi sửng sốt khi chứng kiến 3 cô gái chửi bới, lao vào đánh hội đồng một tài xế taxi.
Thậm chí, một trong các cô gái còn chạy đi tìm chai thủy tinh rồi đập vào đầu nam tài xế khiến anh này chảy máu phần đầu, tay bị rách vì mảnh thủy tinh bắn vào. Cuộc xô xát cũng khiến một bên kính chiếu hậu taxi bị gãy.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trong quá trình sang đường, các cô gái đã va chạm với xe taxi. Sau đó 2 bên có lời qua tiếng lại rồi 3 cô gái lao vào đánh lái xe.
Một trong các cô gái dùng chai thủy tinh đập vào đầu tài xế. Ảnh cắt từ clip |
Đây không phải lần đầu tiên tranh cãi, xô xát xảy ra xuất phát từ va chạm giao thông nhỏ, đã có những trường hợp từ va chạm giao thông dẫn đến án mạng.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý - chuyên gia xã hội học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển.
- Thưa GS.TS Lê Thị Quý, bà có suy nghĩ gì về việc 3 cô gái chửi bới, đánh một nam taxi sau khi xảy ra va chạm giao thông?
Trong trường hợp này, tôi chưa biết là 3 cô gái hay là người lái taxi đã vi phạm luật giao thông và gây ra vụ va chạm. Tuy nhiên, cách phản ứng của 3 cô gái này như vậy là rất phản cảm, thiếu văn hóa.
Sau vụ va chạm nhỏ, chúng ta có rất nhiều cách giải quyết, đâu phải lao vào chửi rồi đánh người ta như vậy. Đặc biệt, đây lại là 3 cô gái, đáng ra phải ứng xử nhẹ nhàng, lịch sự.
Các cô gái làm gãy kính chiếu hậu taxi. |
- Các vụ va chạm nhỏ, đánh nhau to xảy ra thường xuyên ở nước ta. Thậm chí, nhiều trường hợp, khi xảy ra va chạm giao thông, có người đã cầm dao, gậy gộc truy sát đối phương. Không ít người đã mất mạng từ những cuộc xô xát như vậy. Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến một số người có cách hành xử bạo lực, thiếu chuẩn mực như vậy?
Đó là một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ xô xát không đáng có như vậy.
|
Trước hết, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của nước ta, trong đó có Hà Nội, TP HCM còn rất kém. Đường hẹp, người đông, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.
Người đi đường còn phải đối mặt với những hiểm họa giao thông không thể lường trước được.
Tôi lấy ví dụ, mới đây trên đường Nguyễn Trãi, có đoạn dải phân cách chỉ nổi một chút trên đường. Một người dân đi qua dải phân cách bị mất lái, ngã xuống đường rồi không may bị ô tô ở phía sau lao tới cán tử vong.
Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân hiện nay còn rất kém. Lái xe với tốc độ cao, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3 , kẹp 4, rẽ không xi nhan, bóp còi inh ỏi... là các lý do rất lớn khiến các vụ tai nạn, va chạm xảy ra. Nhiều trường hợp, sau khi gây tai nạn, kẻ gây tai nạn còn cố tình bỏ chạy để trốn trách nhiệm.
Từ chuyện tắc đường, tới các nỗi nguy hiểm như vậy nên người dân thường có tâm trạng bực bội, đề phòng. Khi bị va chạm nhẹ, họ cũng dễ cáu gắt, xúc phạm nhau. Nếu cả 2 bên đều to tiếng, không nhường nhau thì xô xát dễ xảy ra.
Nhiều ngươi hay “sửng cồ”, dùng bạo lực để giải quyết khi va chạm giao thông còn có thể do nhiều lý do khác. Chẳng hạn, người đó có thể từng bị bạo lực, hay do ảnh hưởng từ những các cảnh bạo lực xuất hiện dày đặc trên phim ảnh ngày nay.
Cần phải nói rằng, trong bất cứ trường hợp nào, nếu mọi người có cách ứng xử lịch sự, nhã nhặn với nhau thì sự việc sẽ được giải quyết mà không ai bị tổn thương. Việc này khó vì chỉ người có văn hóa cao mới làm được.
Chỉ vì va chạm giao thông nhỏ mà đánh chửi, truy sát nhau rõ ràng là biểu hiện của sự sa sút về văn hóa của một bộ phận người dân, đặc biệt là của nhiều cô gái trẻ. Các cô rồi sẽ làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy cả một thế hệ mà vô học như thế thì dạy ai?
Video: 3 cô gái tấn công tài xế taxi
- Vậy theo bà, phải làm sao mới có thể chấm dứt hiện tượng người dân sử dụng bạo lực, cư xử với nhau rất thiếu văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông?
Đó là vấn đề lớn, để giải quyết nó là điều không hề đơn giản. Ở đây có 2 khía cạnh, thứ nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, thứ hai là vấn đề giáo dục văn hóa.
Chúng ta phải cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để người dân đi lại được thuận tiện, hạn chế các vụ tai nạn xảy ra. Trong điều kiện hạ tầng giao thông còn kém như hiện nay thì chúng ta phải kêu gọi người dân tự nâng cao ý thức của mình.
Chúng ta cần tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Nếu có va chạm, đặc biệt là chỉ va chạm nhẹ thì phải hết sức bình tĩnh để xử lý tình huống. Nếu cần thiết thì nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng. Không nên vì một việc nhỏ mà chửi bới, xúc phạm hay hành hung người khác.
Các cơ quan chức năng cũng cần phải xử phạt thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm luật lệ an toàn giao thông, và cả các trường hợp vì va chạm giao thông mà hành hung người khác để răn đe các đối tượng có ý định vi phạm.
Tôi cũng đề nghị, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là đài truyền hình cần phải tăng thời lượng các chương trình mang tính giáo dục trong đó có giáo dục văn hóa giao thông. Hạn chế phim ảnh với những cảnh bạo lực… Những hình ảnh này có tác động xấu tới tâm lý người xem, đặc biệt là giới trẻ.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Quyết
Bình luận