Liên quan đến vụ bắn chết 3 nhân viên bảo vệ rừng và 16 người phải nhập viện khiến dư luận xôn xao, chiều 25/10, đại diện UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, công ty Long Sơn đã làm trái văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.
"UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp đang có hoạt động tranh chấp với người dân phải giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, công ty Long Sơn vẫn đưa phương tiện vào để san ủi, đồng thời không thông qua cơ quan chính quyền tại địa phương nên dẫn đến sự việc trên", một lãnh đạo tỉnh nói.
Người dân nơi đây cho biết, vào năm 2002, gia đình vào định cư và khai hoang tại tiểu khu 1535. Nơi đây đã có một số người đồng bào trồng điều từ trước năm 1986 và được người di cư vào đây mua lại để canh tác.
"Chúng tôi sống canh tác tại tiểu khu 1535 đến năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông ký quyết định giao đất cho công ty Long Sơn để trồng cây nông nghiệp lâu năm. Tuy nhiên, công ty Long Sơn nhiều lần vào chặt cây trồng ở trên đất của chúng tôi khai hoang nhưng không hề bồi thường hay thoả thuận gì", một người dân cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Xuân Sửu - Giám đốc công ty Long Sơn, thừa nhận chưa thông qua chính quyền địa phương, phía công ty đã đưa máy móc đến san ủi khu vực đất đang tranh chấp với người dân.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 24/10, UBND tỉnh Đắk Nông đưa ra thông cáo về vụ việc 3 người bị bắn chết và 16 người bị thương xảy ra tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Theo thông cáo, vào khoảng thời gian từ 6h30 ngày 23/10, trong quá trình tổ chức san ủi mặt bằng đất dự án của Công ty TNHH Thương mại Long Sơn đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp, xô xát giữa lực lượng công nhân, bảo vệ của Công ty với một nhóm người dân.
Một số trong nhóm người dân này đã dùng súng tự chế (súng bắn đạn hoa cải) và súng thể thao bắn vào công nhân và bảo vệ của Công ty Long Sơn. Hậu quả làm 3 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương.
Sau khi xảy ra vụ việc, công ty và người dân trong vùng đã báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã giao chủ tịch UBND huyện Tuy Đức tổ chức lực lượng đến hiện trường cứu hộ, ổn định tình hình, đồng thời khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ sự việc cũng như thủ phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã giao trách nhiệm cho Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp tổ chức, triển khai lực lượng hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ.
Mặc dù các lực lượng chức năng xuất phát ngay sau khi nhận được thông tin và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng do đường đi vào quá khó khăn nên đến 13h cùng ngày mới tiếp cận được hiện trường.
Ngay lập tức, các lực lượng chức năng đã kịp thời tổ chức sơ cứu tại chỗ và di chuyển các nạn nhân về trạm y tế xã Đăk Ngo (cùng huyện Tuy Đức) để tiếp tục sơ cứu và chuyển lên tuyến trên.
Đến 19h30 cùng ngày mới đưa được toàn bộ các nạn nhân về đến trạm y tế và đến 21 mới chuyển được 12 nạn nhân, trong đó có 3 trường hợp rất nặng, về đến Bệnh viện tỉnh Đắk Nông.
Nhờ có sự chuẩn bị tốt, bệnh viện tỉnh đã kịp thời cứu chữa các nạn nhân qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục công tác điều trị cho các nạn nhân khác.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã đến trực tiếp thăm hỏi, hỗ trợ số tiền mặt 34 triệu đồng cho các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện tỉnh.
Chiều 23/10, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, truy bắt các đối tượng phạm tội.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ hành vi phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, đồng phạm (nếu có) để sớm đưa các đối tượng ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật.
Video: 3 nhân viên bị bắn chết, 16 nạn nhân trọng thương đang nhập viện cấp cứu
Bình luận