• Zalo

3 bài toán tiểu học khiến phụ huynh đau đầu năm 2014

Giáo dục Thứ Năm, 25/12/2014 07:28:00 +07:00Google News

Các bài toán tiểu học sau khi được đưa lên mạng đã khiến các bậc phụ huynh tranh luận gay gắt về lời giải các bài toán này

(VTC News)- Các bài toán tiểu học sau khi được đưa lên mạng đã khiến các bậc phụ huynh tranh luận gay gắt.

Bài toán tính lãi bán bò

Mới đây, các bậc phụ huynh lại có cơ hội thử tài giải bài toán... lớp 3. Mặc dù đề bài có vẻ đơn giản nhưng lại có nhiều ý kiến khác nhau về cách giải dẫn đến không ít tranh cãi gay gắt.

Đề bài được cho như sau: "Bác Nam mua con bò với giá 13 triệu, sau đó bác đem bò bán với giá 15 triệu. Nhưng vì tiếc con bò nên bác Nam đã đến mua lại con bò nhưng người kia đòi bán với giá 17 triệu, vậy là bác Nam đã mua con bò với giá 17 triệu, sau đó bác Nam đem bán con bò với giá 19 triệu. Hỏi cuối cùng bác Nam đã lãi được bao nhiêu tiền?
Bài toán tính lãi bán bò
Bài toán tính lãi bán bò 
Bài toán lớp 3 đã có rất nhiều cách giải đáp cũng như kết quả được đưa ra. Chỉ sau một ngày đăng tải lên mạng, đã có gần 1.000 bình luận với nhiều đáp án và nhiều cách giải.

Đại đa số mọi người cho rằng bác Nam lãi 4 triệu. Cách giải như sau: Tổng số tiền mua là 13 + 17 = 30, tổng số tiền bán 15 + 19 = 34. Vậy Bác Nam lãi là 34 - 30 = 4 triệu.

Hay cũng là đáp án 4 triệu nhưng lại có cách giải khác là (15-13) + (19-17) = 4 (triệu). Hoặc ban đầu có 13 triệu, cuối cùng có 13 triệu thì hòa vốn, cuối cùng có được 15 triệu thì lãi 2 và cuối cùng có 17  triệu (ở đây là 19-2) thì lãi 4 triệu.

Tuy nhiên, cũng không ít lời giải có kết quả là lãi 2 triệu. Cụ thể: mua 13, bán 15 thì được 2 triệu. Bán 15 mua 17 thì lỗ 2 triệu là hòa vốn. Mua 17, bán 19 là lãi 2 triệu.

Hoặc một lý giải khác là lãi 4 triệu nhưng bù 1 lần lỗ 2 triệu là còn 2 triệu.

Một số ý kiến lại cho rằng, bác Nam lãi 0 đồng vì mua 13 bán 15 lãi 2 triệu rồi lại mua 17, bỏ vào 4 triệu là lỗ 2 triệu, bán được 19 triệu. Kết quả cuối cùng bằng 0. Hay có người cho rằng hòa vốn vì công đi lại mua bán xăng xe, ăn uống, phí nuôi bò...

Bài toán tính tuổi thuyền trưởng

Cách đây không lâu, các diễn đàn mạng đã chia sẻ thông tin về một bài toán: "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?".
Bài toán tính tuổi thuyền trưởng gây tranh cãi
Bài toán tính tuổi thuyền trưởng gây tranh cãi 
Nhiều ý kiến  băn khoăn về lời giải của bài toán hóc búa này. Nhiều ý kiến cho rằng "Có thể đây là bài toán để tìm học sinh thông minh, biết phát hiện sự vô lý của vấn đề. Đáp án phải là đề bài không đủ dữ liệu để giải, xin cô cho thêm dữ liệu”.

Tuy nhiên, thực tế, đây là một bài toán nghiêm túc và tác giả của nó chính là nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực - nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn.

Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực cho biết, cách ra đề kiểu này không phải là mới, lạ với thế giới. Vì đối với những người dạy học Toán, bài toán “Tuổi thuyền trưởng” đã trở thành kinh điển, không ai không biết.

Bên cạnh đó, nếu chú ý, có thể thấy bài toán được đánh dấu (*) - tức là bài toán khó nhằm mục đích nâng cao năng lực nhận thức và kĩ năng phát hiện vấn đề của học sinh, đồng thời rèn luyện kĩ năng đọc kĩ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm bài.
Lời giải bài toán tính tuổi thuyền trưởng gây tranh cãi
Lời giải bài toán tính tuổi thuyền trưởng gây tranh cãi  
"Thường để cho “yên tâm” và “an toàn”, cả tác giả và Nhà xuất bản ở Việt Nam ít khi mạnh dạn chấp nhận kiểu đề toán ra theo dạng này.

Nhưng, theo quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng và của Bộ GD-ĐT, ông Thụ đã đề nghị Nhà xuất bản chấp nhận ra đề kiểu này.

Trong một bài toán có 2 phần là những cái đã cho và cái phải tìm (câu hỏi của bài toán). Câu hỏi của bài toán này không đúng vì trong các dữ kiện không có yếu tố nào liên quan đến tuổi thuyền trưởng.

Tác giả cố tình vi phạm để tập cho trẻ thói quen đọc kỹ đề, phân biệt cái đã cho và cái phải tìm trước khi giải bài toán.

Cũng xin lưu ý thêm rằng, trong sách bên cạnh câu hỏi còn có phần gợi ý giải; và đáp án bài toán này trong sách có ghi rõ là: "Không giải được vì đề toán sai. Tôi mong rằng, Bộ GD-ĐT cũng như các Nhà xuất bản và đặc biệt là bậc cha mẹ học sinh ủng hộ tác giả viết sách theo tư duy đổi mới, mà trước hết hướng vào khâu đổi mới kiểm tra, đánh giá đã được xác định là khâu đột phá." - Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Thực bày tỏ.

Từ hiện tượng bài toán lớp 2 gây tranh cãi, nhiều độc giả cho rằng đã đến lúc chúng ta không thể theo thói quen cũ bắt học sinh chỉ có một lựa chọn thuần nhất, thụ động trong việc tiếp nhận tri thức.

Bài toán tính gà

Gần đây, cư dân mạng đang xôn xao về bài toán tính gà trong bài kiểm tra của một em học sinh được phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội.
Bài Toán tính gà gây xôn xao dân mạng
Bài Toán tính gà gây xôn xao dân mạng  
Với nội dung bài toán là “Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà . Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Phép tính đúng là: A. 4x8=32     B.8x4=32    C. 4+8 = 12      D.8:4 =2”

Trong bài kiểm tra, em học sinh đã đưa ra đáp án của mình là A. 4x8 = 32 nhưng giáo viên khi chấm bài đã phê là sai và chọn lại đáp án đúng là B. 8x4 = 32.

Một số ý kiến cho rằng cách chấm điểm của giáo viên rất khó hiểu bởi 4x8 hay 8x4 cũng giống nhau, học sinh đã sáng tạo, vận dụng phép tính một cách linh hoạt nhưng lại bị cho là sai.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng với chương trình toán các em học sinh đang học thì các em chưa biết đến phép hoán đổi nên đáp án chỉ có thể là 8x4=32, chính vì vậy, cô giáo đã chấm sai cho học sinh và sửa lại đáp án khác là hoàn toàn có căn cứ.

Trước những ý kiến trái chiều, PGS.TS Đỗ Đình Hoan – Chủ biên sách giáo khoa toán tiểu học cho biết: Loại toán này chỉ có 1 lựa chọn đúng, còn 3 lựa chọn kia là 3 lựa chọn sai.

Khi trao đổi ý kiến về SGK và đề kiểm tra giáo viên cần phải căn cứ vào chương trình môn học để biết học sinh đang học gì và đến mức độ nào là thích hợp. Bài toán trắc nghiệm nêu trên phù hợp với trình độ học sinh đang học những tiết đầu tiên về phép nhân ở lớp 2.

Ở thời điểm ra đề kiểm tra này học sinh chưa học tính chất giao hoán của phép nhân. Học sinh đang làm quen dần với tính chất giao hoán bằng các ví dụ cụ thể. Vì vậy học sinh chưa hiểu 8x4=4x8. (Trong chương trình hiện hành đến lớp 4 học sinh mới chính thức học tính chất giao hoán của phép nhân).

Khi giải bài toán trắc nghiệm nêu trên học sinh đã được học quy ước về viết tên đơn vị trong bài tính của bài toán nêu trên là 8x4=32 (con gà), không viết 4x8=32 (con gà) nên trong phần đáp án chưa nên nêu cách viết này.

Nếu có học sinh nào viết 4x8=32 (con gà) thì giáo viên hướng dẫn học sinh viết theo quy ước và nên cho điểm hoặc đánh giá bằng nhận xét để động viên học sinh học tập, không coi là làm sai. Nhưng tốt nhất vẫn là không đưa đáp án này vào lựa chọn.

Cũng đồng tình với quan điểm này, PGS Văn Như Cương cũng phân tích: Đáp án của cô giáo đưa ra 8 (gà) x4 =32 là đúng, phải tính số gà thì phải lấy số con gà rồi nhân với số chuồng.

Còn đáp án 4 x 8 là không đúng, bởi viết như thế sẽ hiểu là số chuồng là 4 gấp lên 8 lần mặc dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 32. Ở đây chúng ta cần phân biệt cho học sinh hiểu được đâu là đơn vị tính, đâu là số lần được gấp lên.

Minh Đức(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn