(VTC News) – Vào lúc 2h sáng nay (15/10), bão số 11 (tên quốc tế Nari) đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, trong đó vùng trọng tâm là Quảng Nam – Đà Nẵng.
Bão số 11 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh hơn cơn bão số 10 vừa qua và kinh hoàng tương đương với cơn bão Xangsane cách đây 7 năm.
Ngay từ chiều qua, 14/10, ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã xuất hiện mưa to gió lớn, sóng biển dâng cao. Không ít tuyến đường ở TP Đà Nẵng cây cổ đổ ngã, gây khó khăn cho người đi đường.
18h cùng ngày, gió mạnh lên, nước sông Hàn và các sông khác dâng cao. Khoảng 20h, bờ biển Đà Nẵng có gió giật cấp 8. Nhiều khu vực ở Đà Nẵng bị cắt điện để đảm bảo an toàn.
Đà Nẵng sử dụng xe thiết giáp chống bão |
Ông Nguyễn Đức Hùng, Trưởng khoa Nga trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, lái ô tô mang can nhựa 30 lít ra đường mua xăng để có điện cho trường tránh bão, chia sẻ: “Nhiều cây xăng đã đóng cửa tránh bão, phải nói khó là “đang lo điện cho sinh viên trú bão…”, người bán xăng mới chịu bật điện, leo qua cửa sổ (vì cửa chính đã được gia cố) để bơm xăng.
Sóng đánh mạnh ở khu vực cầu Thuận Phước |
Thống kê BCH PCLB&TKCN TP Đà Nẵng, hơn 11.000 hộ dân với 55.000 nhân khẩu tại vị trí dễ ảnh hưởng trên địa bàn Hòa Vang, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà… được lên phương án di dời.
Trong ngày, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã chỉ đạo các địa phương thuộc vùng trũng ven biển nhanh chóng di dời khoảng 6.000 hộ dân. Theo báo cáo của BCH PCLB tỉnh, hiện vẫn còn 88 tàu cá cùng 2.605 lao động đang hoạt động trên biển, các lực lượng chức năng đang liên lạc liên tục hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú tránh bão an toàn.
Người dân Hội An (Quảng Nam) cấp tập kè đê chắn sóng chiều 14/10. Ảnh: TNO |
Từ sáng 14/9, toàn tỉnh bắt đầu có mưa to liên tục, trời trở lạnh, nhiều vùng ven biển xuất hiện gió mạnh. Được dự báo là địa bàn có khả năng bão đổ bộ, huyện Phú Lộc tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn từ sáng cùng ngày.
Tại Thừa Thiên - Huế, trước 19h tối 14/10, toàn tỉnh sơ tán 3.463 hộ (hơn 11.000 nhân khẩu) từ vùng sạt lở, ven biển nguy hiểm đến nơi an toàn. Các chủ hồ chứa thủy điện được yêu cầu chủ động điều tiết mức nước trước khi mưa bão đến, nhằm tránh tái diễn tình trạng ngập lụt như từng xảy ra ở vùng cao A Lưới qua hai cơn bão số 8 và số 10. Từ chiều 14/10, gần 300.000 học sinh trên địa bàn đã nghỉ học để tránh bão.
Theo bản tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió giật mạnh cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh cấp 9; ở Khe Sanh (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 10; ở Thuận An (Thừa Thiên Huế) có gió giật mạnh cấp 9; Nam Đông (Huế) có gió giật mạnh cấp 9, ở TP Đà Nẵng và Tam Kỳ (Quảng Nam) có gió giật mạnh cấp 10; ở Hội An (Quảng Nam) có gió giật mạnh cấp 11.
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 04h sáng nay khoảng 80 – 150mm, một số nơi có lượng lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 373mm, Nam Đông (Huế) 246mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 220mm.
Lúc 6h sáng nay vùng tâm bão đã đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 06h ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 103,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) sáng nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 10, giật cấp 11, cấp 12. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét, sóng biển cao từ 6 - 10 mét.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 11, đêm qua các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tính đến 4h sáng nay, lượng mưa đo được phổ biến trên các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi từ 50-100mm, một số nơi cao hơn như: Nam Đông: 185mm, Nông Sơn: 132mm, Đà Nẵng: 124mm, Tam Kỳ: 174mm.
Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên đang lên. Dự báo lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Đến chiều, tối nay, lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1 và trên BĐ1.
Mực nước trên các sông có khả năng như sau: sông Bồ tại Phú Ốc: 4,5m, ở mức BĐ3; sông Hương tại Kim Long: 3,2m, dưới BĐ3: 0,3m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,8m, dưới BĐ3: 0,2m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 3,2m, trên BĐ2: 0,2m.
Từ đêm nay, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng lên.
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi...
Bình luận