• Zalo

2012 - năm bản lề triển khai quyết liệt về nhân lực

Thời sựThứ Tư, 25/01/2012 10:51:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2012 chính là năm bản lề triển khai quyết liệt về nhân lực nhất là nhân lực trình độ cao.

(VTC News) – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2012 chính là năm bản lề triển khai quyết liệt về nhân lực nhất là nhân lực trình độ cao. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng kêu gọi các thành phần xã hội cùng chung tay để sự nghiệp phát triển nhân lực khoa học công nghệ 5 năm tới chuyển sang giai đoạn mới, đóng góp xứng đáng vào sự đi lên của đất nước.


VTC News ghi lại một phần nội dung cuộc phỏng vấn đầu năm của Bản tin Vietnam Online - Đài Truyền hình KTS VTC với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân xung quanh việc thực hiện khâu đột phá nguồn nhân lực – một trong 3 khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020.


Phóng viên Vietnam Online phỏng vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: LML)  

- Kính thưa Phó Thủ tướng, dựa vào những nguyên nhân nào mà Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 coi việc phát triển phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020?


Như chúng ta biết, phát triển kinh tế xã hội đất nước có rất nhiều yếu tố đóng góp, trong các yếu tố đóng góp vào đó thì tại Đại hội đảng lần thứ 11 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2016 xác định 3 yếu tố đầu vào chung của nền kinh tế cần phải tập trung giải quyết để đem lại tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế là 3 khâu đột phá. Nhóm thứ nhất đó là thể chế kinh tế đất nước, nhóm yếu tố thứ hai là nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao gắn với việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, yếu tố thứ ba là hạ tầng.


Như vậy phát triển nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao gắn với việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố thứ hai, nhưng như Thủ tướng nhiều lần trao đổi suy cho cùng nhân lực là vấn đề quyết định, có nhân lực thì mới xây dựng được đổi mới thể thế, triển khai phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, từ thực  tiễn thời gian vừa qua chúng ta thấy yếu tố phát triển nhân lực hiện nay cần phải nhìn với 3 quan điểm mới.


Thứ nhất, thời gian qua trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, các ngành thì nhân lực chưa được đồng bộ hóa với các yếu tố khác như là đất đai, như là vốn. Lấy ví dụ chúng ta xây một cái nhà thì phải có miếng đất, phải có tiền mua vật tư nguyên liệu và phải có con người xây nhà. Nếu nhu cầu xây dựng còn thấp thì người ta không thấy thiếu, nhưng khi thu nhập người dân ngày càng cao, kinh tế ngày càng phát triển, tốc độ xây dựng tăng lên, nếu không có nhu cầu dự báo xây dựng gắn với đó là nhu cầu đất, vồn, đội ngũ lao động thì lúc đó có tiền để mua đất nhưng chưa chắc đã có người xây nhà.

Vì vậy, quy hoạch nhân lực cũng phải đồng bộ với quy hoạch về kinh tế xã hội, thì trong mấy chục năm vừa qua chúng ta lại chưa có quy hoạch nhân lực, cho nên yếu tố nhân lực luôn luôn đi theo và nó cứ thiếu, cứ hụt hẫng. Chính yếu tố quản lý nhà nước lại chưa coi đó là yếu tố phải quy hoạch, lần này thì đặt vấn đề quy hoạch nhân lực phải mở màn bằng việc quy hoạch nhân lực đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các ngành, các địa phương.


Thứ hai, cái nhìn mới về nhân lực đó là vai trò nhân lực có trình độ cao sẽ góp phần tăng trưởng nhanh hơn cho đất nước. Theo thống kê 10 năm vừa qua thì khi chúng ta tăng trưởng kinh tế bình quân, trong đó yếu tố tăng vốn quyết định là 52%, tăng về lao động quyết định 19%, còn nâng cao chất lượng nhân lực ứng dụng khoa học công nghệ quyết định 29%, yếu tố này ở nước ta thấp hơn các nước, thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển bởi họ có tỷ lệ quyết định chiếm từ 60-100%.

Vậy bây giờ nếu chúng ta nâng cao được chất lượng nhân lực gắn ứng dụng khoa học công nghệ thì chúng ta sẽ tăng được năng suất và hiệu quả kinh tế. Đại hội Đảng lần thứ 11 đặt mục tiêu đóng góp yếu tố nhân lực và khoa học công nghệ phải tăng từ 29-35%. Đây chính là tăng trưởng về mặt chất lượng.


Thứ 3, nhân lực là lợi thế lâu dài trong vòng khoảng 30 năm nữa và chúng ta có lợi thế là lao động trẻ, thu nhập đầu người chúng ta còn thấp so với thế giới thì đấy cũng là lợi thế cạnh tranh. Vậy chúng ta có lợi thế là số lượng lao động tăng, chất lượng ngày càng tăng và chi phí thấp thì đây là thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và cạnh tranh quốc tế.


Tóm lại nhân lực là khâu đột phá và ba vấn đề trên là tiền đề để phát triển với hiệu quả cao.


- Xác định được vai trò ngày càng quan trọng của nguồn lực con người, coi đó là yêu cầu cốt yếu để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vậy Chính phủ đã có sự chuẩn bị như thế nào để thực hiện nhiệm vụ trên, thưa Phó Thủ tướng?


Nhân lực đã góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, nếu không có thì không thể tăng trưởng trên 7%, trong 20 năm qua,nếu không có nhân lực phù hợp thì không thể tăng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, giai đoạn mới đòi hỏi những giải pháp mới.


Vừa qua chính phủ đã triển khai một số giải pháp lớn đó là: Từ 2010 đã xây dựng và hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực 10 năm tới. Đây là điều chúng ta chưa có trong 25 năm qua, và tháng 7/2011 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực 10 năm của đất nước chúng ta và trên cơ sở đó vừa qua các bộ và các tỉnh đã phê duyệt quy hoạch nhân lực của mình. Đây là một công cụ mới rất quan trọng.


Vấn đề thứ hai là chúng ta đã triển khai quyết liệt và chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục, phát triển dạy nghề trong 10 năm tới. 


Vấn đề thứ ba, trên cơ sở hai chiến lược trên thì quý 4/2012, ban cán sự Đảng, Chính phủ sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.

Vấn đề thứ 4 là chúng ta đã triển khai từ đầu năm 2010, đó là một đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, chưa bao giờ dạy nghề cho lao động nông thôn lại có một tầm nhìn và một hướng sâu sắc như vậy để lao động nông thôn dù làm nông nghiệp vẫn có tỷ lệ qua đào tạo ngày càng cao, và đào tạo lao động nông thôn chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Vừa qua chúng ta đã sơ kết 2 năm thực hiện đề án này đã khẳng định được những tiền đề cơ bản về cơ chế chính sách và mô hình để sắp tới tăng tốc việc dạy nghề cho lao động nông thôn.


Chúng ta cũng vừa chuẩn bị nền tảng nhân lực Việt

Nam
đó là nâng cao tầm vóc, thể lực. Thủ tướng Chính phủ đã ký đề án nâng cao tầm vóc và thể lực con người Việt
Nam
10 năm tới. Đó là việc xây dựng gia đình Việt
Nam
bền vững hạnh phúc, để đó vừa là cái nôi giáo dục con người Việt
Nam
về văn hóa, về xã hội.


Vấn đề cuối cùng là chúng ta phát huy lợi thế hội nhập quốc tế về nhânlực, sẽ thành lập ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế về nhân lực và khoa học công nghệ. Có thể nói chưa bao giờ sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ lại tập trung cho phát triển nhân lực như thời gian vừa qua mà chúng ta đang triển khai quyết liệt quá trình này.


- Như Phó Thủ tướng nói năm 2011 là năm chuẩn bị khá kỹ lưỡng để thực hiện khâu đột phá trên. Vậy đâu là mục tiêu trọng tâm trong năm 2012 Chính phủ ưu tiên triển khai?


Thực ra từ cuối năm 2010 khi chúng ta chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ phát triển kinh tế xã hội 2006-2010 thì Chính phủ đã chỉ đạo và khởi động nhiều chương trình, đề án như đã nêu ở trên. Nhưng hiện vẫn có một số chương trình chưa được thực hiện một cách triệt để. 


Ví dụ, khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực thì vẫn còn 1/3 số bộ chưa phê duyệt quy hoạch nhân lực của ngành mình, và cũng còn khoảng một nửa các tỉnh chưa phê duyệt xong quy hoạch phát triển nhân lực của mình, thì việc này phải hoàn thành trong nửa đầu năm 2012.


Còn những dự án đã khởi động thì phải triển khai quyết liệt, ví dụ như chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Bộ Khoa học công nghệ cùng với các Bộ địa phương đã chọn ra danh sách 25 sản phẩm có điều kiện để xây dựng thành sản phẩm quốc gia, thì như Thủ tướng đã chỉ đạo ít nhất trong năm 2012 phải có 5-6 sản phẩm khởi động nhanh rồi sớm tổng kết để làm tiền đề xây dựng các mô hình sản phẩm tiếp theo.


Chúng ta cũng phải có chỉ đạo phù hợp. Đã là khâu đột phá thì không thể 5 năm tổng kết một lần mà trong năm 2012 đối với phát triển nhân lực  và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thì Chính phủ sẽ làm giao ban, cứ mỗi quý một lần, thường trực Chính phủ chủ trì giao ban với 20 bộ ngành và 63 tỉnh thành về khâu đột phá thứ hai để chúng ta kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch khẳng định kết quả đạt được và biểu dương sự đóng góp của Bộ, ngành, địa phương và của giới khoa học công nghệ.


Song song đó triển khai đề án hội nhập quốc tế về nhân lực và khoa học công nghệ. Thời gian 10 năm vừa qua chúng ta tập trung hội nhập về kinh tế, có đề án hội nhập quốc tế về kinh tế nhưng chưa có đề án hội nhập kinh tế quốc tế về nhân lực. Trong quý 1/2012 Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành xây dựng hoàn thiện để trình Thủ tướng phê duyệt đề án này và triển khai quyết liệt từ quý 2/2012.


Có thể nói với sự tổng kết của đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 với sự tập trung chuẩn bị năm 2011 thì năm 2012 chính là năm bản lề triển khai quyết liệt về nhân lực nhất là nhân lực trình độ cao. Với tinh thần đó tôi xin trân trọng cảm ơn và kêu gọi tất cả những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và khoa học công nghệ đặc biệt là kêu gọi lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương các doanh nghiệp cùng chung tay để sự nghiệp phát triển nhân lực khoa học công nghệ chúng ta trong 5 năm tới chuyển sang một giai đoạn mới có những đóng góp xứng đáng vào sự đi lên của đất nước.


- Trân trọng cảm ơn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham gia buổi trả lời phỏng vấn của chúng tôi ngày hôm nay!


Kiều Minh (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn