Ngày 8/6/2019, trả lời VTCNews, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (Tổng cục QLTT), Bộ Công thương khẳng định, công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực xăng dầu vẫn được tiến hành trong thời gian qua.
Tuy nhiên, công tác chính về gian lận thương mại trong xăng dầu của QLTT thời gian qua chủ yếu liên quan vi phạm về niêm yết giá, gian lận, bơm thiếu xăng của các cây xăng. Còn việc kiểm tra chất lượng và làm xăng giả như vụ gần 20 triệu lít xăng bị làm giả tại Đắk Nông thì cần sự vào cuộc và có các chuyên án lớn của lực lượng công an.
Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục QLTT, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước nói chung và trên các vùng biển Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp.
Số vụ, đối tượng, số lượng xăng dầu và số tiền buôn lậu và vi phạm gia tăng. Đối tượng tham gia đa dạng, đa thành phần, trong đó có người Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố và mang nhiều quốc tịch khác nhau.
Phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng móc nối chặt chẽ với nhau tạo thành đường dây khép kín, mỗi nhóm đối tượng chỉ thực hiện một công đoạn (giao nhận hàng, sang mạn, chuyển tải, lưu kho, thanh toán tiền,...) độc lập, không biết nhau, dưới sự chỉ đạo điều hành của chủ đầu nậu ở trên đất liền và nước ngoài.
Trong thị trường nội địa, nổi lên là các vi phạm về chất lượng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu (cá biệt có vụ việc vi phạm với số lượng đặc biệt lớn, đến 2 triệu lít xăng dầu đã bị các lực lượng chức năng tại Nghệ An bắt giữ trong tháng 10/2017).
Thủ đoạn vi phạm của các đối tượng là pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 được pha chế với chất dung môi bột tạo màu, xăng dầu kém chất lượng khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến máy móc thiết bị, gây nguy hiểm cho chính người sử dụng và có thể ảnh hưởng tới người khác khi xảy ra cháy nổ.
Lợi dụng việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống các đối tượng lợi dụng việc này đã thực hiện việc pha trộn xăng sinh học E5 RON 92 vào xăng không chì RON 95 với một tỷ lệ nhất định bán ra thị trường để hưởng chênh lệch giá.
Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra trên 2.876 lượt, xử lý 670 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18 tỷ đồng.
Tịch thu 32 cột đo xăng dầu (cột đôi), 17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo. Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng. Tịch thu 67.750 lít xăng các loại, 32.950 lít dầu các loại.
Trả lời về việc kiểm tra chất lượng xăng dầu, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh, theo quy định, ngay cả kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng xăng dầu, QLTT phải phối hợp liên ngành với Sở KH-CN mới làm được do các quy định của Nghị định 83 về xăng dầu.
Ông Linh thừa nhận, dù đã có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, công tác quản lý thị trường đối với xăng dầu có đạt được những thành tích nhất định nhưng tình trạng buôn bán xăng dầu kém chất lượng diễn ra xảy ra ở một vài địa phương.
Số lượng gia tăng, tình trạng một vài nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm cũng như khâu quản lý lỏng lẻo của chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu để bơm chồng số, tự ý điều chỉnh giá nhằm thu lợi bất chính cho cá nhân, gây bất bình cho người tiêu dùng; một vài trường hợp cá biệt còn có biểu hiện cố ý gian lận về đo lường nhưng cảnh giác hết sức chặt chẽ.
Đại diện QLTT cũng nêu lên các thực trạng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay. Ông lấy ví dụ về việc lợi dụng giấy phép nhập khẩu xăng dầu một số doanh nghiệp sau khi đã hoàn chỉnh thủ tục hải quan nhập khẩu lô xăng dầu, trên đường vận chuyển về nhập kho thì bán luôn lô hàng vừa nhập khẩu, sau đó cho phương tiện quay lại địa diểm đã hẹn để nhập lô xăng dầu lậu với số lượng, chủng loại đúng với hóa đơn lô hàng nhập khẩu để che dấu sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Theo ông Linh, hiện nay, vẫn còn tình trạng một số cửa hàng sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã hết hiệu lực hoặc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Bình luận