• Zalo

Tình báo Mỹ ghi nhận gì về 20 năm trao trả Hong Kong cho Trung Quốc?

Thế giớiThứ Ba, 27/06/2017 20:16:00 +07:00Google News

Ngày 1/7 năm nay đánh dấu 20 năm Hong Kong trở thành đặc khu hành chính.

Các tài liệu CIA giải mật gần đây cho thấy, những lo ngại hiện nay về quyền tự quyết chính trị của thành phố này đã được ghi nhận từ trước khi xứ Hương Cảng được trả lại Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình gặp tại Bắc Kinh năm 1984 để ký Tuyên bố chung Anh – Trung về việc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình gặp tại Bắc Kinh năm 1984 để ký Tuyên bố chung Anh – Trung về việc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. 

Năm 1842, hoàng đế Trung Hoa nhượng đảo Hong Kong cho Anh để chấm dứt Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ nhất. Trung Quốc sau đó nhượng đảo bán Cửu Long (một trong ba khu vực lớn nhất của Hong Kong) cho Anh năm 1860, chấm dứt Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ hai. Năm 1898, sau chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất, Trung Quốc cho Anh thuê vùng đất Tân giới (Hong Kong) trong 99 năm.

Đến lúc hết hạn thuê, Thị trưởng Hong Kong Murray MacLehose đưa ra một đề nghị với nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông đến Trung Quốc: Anh muốn tiếp tục quản lý Hong Kong sau năm 1997. Nhưng ông Đặng nói với Thị trưởng MacLehose rằng ý định của người Trung Quốc là khôi phục lại đầy đủ chủ quyền đối với Hong Kong.

20 năm trao trả Hong Kong cho Trung Quốc: Ghi nhận của tình báo Mỹ ảnh 1

Thị trưởng Hong Kong Murray MacLehose. 

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã nhắc lại đề nghị của ông MacLehose trong chuyến thăm chính thức của bà đến Bắc Kinh năm 1982, nhưng cũng bị từ chối.

Tuyên bố chung Anh – Trung được ký vào cuối năm 1984, mở đường cho việc đưa Hong Kong về dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc vào ngày 1/7/1997. Hai bên đồng ý rằng Hong Kong sẽ trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc, và mọi thứ ở Hong Kong sẽ được giữ nguyên trong 50 năm.

Lễ đổi cờ

Ngày 30/6/1997, ngày cuối cùng Hong Kong là thuộc địa của Anh, một lễ chuyển giao diễn ra tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Hong Kong mới được xây nên ở Wan Chai.

Thị trưởng người Anh cuối cùng của Hong Kong, ông Chris Patten, rời khỏi tòa nhà chính quyền vào 4h30 chiều hôm đó.

Lễ chuyển giao chính thức diễn ra vào 11h30 đêm, với bài phát biểu của Hoàng tử Charles đại diện cho Nữ hoàng Elizabeth II.

20 năm trao trả Hong Kong cho Trung Quốc: Ghi nhận của tình báo Mỹ ảnh 2

 Lễ chuyển giao Hong Kong về Trung Quốc vào nửa đêm 30/6/1997.

Vài phút sau 12h đêm, cờ Anh và cờ thuộc địa Hong Kong được kéo xuống trong tiếng quốc ca Anh, chính thức chấm dứt sự cai trị của người Anh ở hòn đảo gồm khoảng 6,5 triệu dân.

Tiếp đó, cờ Trung Quốc và cờ đặc khu Hong Kong được kéo lên trong tiếng quốc ca Trung Quốc. Pháo hoa được bắn trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, nơi người dân đang tụ tập để theo dõi buổi lễ.

Ngay sau đó, Hoàng tử Charles và Thị trưởng Patten cùng gia đình rời khỏi Hong Kong trên con tàu HM Yacht Britannia hướng về phía Philippines.

Ngày tuần hành

Những ngày 1/7 gần đây chứng kiến những cuộc tuần hành trên phố.

Trước năm 2003, những cuộc tuần hành trong ngày thành lập đặc khu hành chính Hong Kong diễn ra với quy mô nhỏ.

Năm 2003, cuộc tuần hành quy mô lớn nhất từ khi Hong Kong về với Trung Quốc diễn ra với 500.000 người tham dự đã biến thành chiến dịch phản đối Điều 23 của Luật an ninh quốc gia mà những người phản đối cho rằng sẽ hạn chế các quyền tự do cá nhân.

Những cuộc tuần hành tiếp theo vẫn thu hút nhiều người tham gia, nhưng thêm nhiều vấn đề được nêu ra hơn, như tiền lương, quyền của người giúp việc nước ngoài…

Ghi nhận của CIA

Cục Điều tra Liên bang Mỹ gần đây giải mật hàng trăm tài liệu liên quan đến Hong Kong, trong đó ghi nhận nhiều lo ngại về tương lai của Hương Cảng sau khi về với Trung Quốc.

Ông Ma Ngok, Phó giáo sư công tác tại Khoa hành chính và quản trị công thuộc ĐH Trung Quốc, nhận xét rằng những tài liệu này rất hữu ích để tìm hiểu quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Hong Kong cũng như hiểu hơn về quan hệ Mỹ - Trung.

Các tài liệu này cho thấy những lo ngại hiện nay về việc Bắc Kinh sẽ can thiệp vào các vấn đề của đặc khu giống như những điều người dân Hong Kong cảm nhận được vài năm trước khi thành phố được trao trả cho Trung Quốc.

“Trung Quốc đang đưa nhiều người hơn sang Hong Hong, họ dùng các công ty bình phong, các nghiệp đoàn và các hoạt động kinh tế hợp pháp để gây dựng ảnh hưởng”, một tài liệu đề ngày 19/9/1986 dưới tên giám đốc tình báo Mỹ viết.

Báo cáo đó mô tả tình hình chính trị 2 năm sau khi Bắc Kinh và London ký Tuyên bố chung để vạch ra những nguyên tắc cơ bản cho Hong Kong sau ngày 1/7/1997.

Video: Thót tim cảnh 'thánh độ cao' thách thức thần chết

“London có vẻ chấp nhận từ bỏ Hong Kong thay vì đối mặt với nguy cơ suy giảm quan hệ kinh tế ngày càng phát triển với Bắc Kinh”, tài liệu viết. “Những khác biệt về thời gian và quy mô cải cách chính trị đối với Hong Kong là những quan ngại lớn giữa Anh và Trung Quốc”.

Một tài liệu khác của CIA mang tên: “Hong Kong: Nhìn về 1997”, được soạn thảo năm 1988, viết rằng dù người Anh và người Trung Quốc đang thể hiện họ “sẵn sàng làm việc với nhau”, nhưng vẫn còn “nhiều vấn đề gai góc” có thể “ảnh hưởng xấu đến triển vọng dài hạn của Hong Kong”.

Trong những vấn đề đó, “chúng tôi tin rằng điều quan trọng nhất là mức độ tự trị mà Bắc Kinh sẵn sàng trao cho thành phố theo cái gọi là Luật cơ bản”, người Mỹ viết.

Đánh giá tình báo của Mỹ nói đến việc “các nhóm địa phương” chỉ trích Luật cơ bản là mơ hồ, “đặc biệt là không thể cung cấp sự bảo đảm cần thiết trước sự can thiệp của người Trung Quốc vào các công việc nội bộ của Hong Kong sau năm 1997”.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn