Có thể thấy rõ rằng, sự thay đổi của các phương thức trong chính sách đối ngoại của Nga dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và Tổng thống Nga Vladimir Putin là trực quan. Tuy nhiên, đó không phải là một sự chuyển hóa trong quan điểm của bản thân ông Putin về một số mục tiêu và nguyên tắc nào đó của chính sách đối ngoại Nga.
Ông không đi từ “chủ nghĩa phương Tây” sang “chủ nghĩa xét lại”, từ “châu Âu” sang “châu Á”, từ “dân chủ” sang “chủ quyền”. Chỉ là các điều kiện bên ngoài đã chỉ ra thứ logic mà đơn giản là phải được áp dụng vào khoảng cuối những năm 2000: kẻ yếu không được lắng nghe.
Nhiệm vụ của những năm đầu tiên là khôi phục một cường quốc có chủ quyền, sau đó củng cố vị thế quốc tế, và cuối cùng, chuyển sang một chính sách đối ngoại chủ động – tất cả những điều này là hệ quả của tình hình mà trong đó các lợi ích quốc gia cần phải được thúc đẩy.
Một trong những cách diễn đạt ngắn gọn và chính xác nhất, mà ông Putin dùng để mô tả về sự chuyển đổi này, được đưa ra trong Thông điệp Hội đồng Liên bang năm 2018: “Không ai lắng nghe chúng tôi. Về cơ bản, không ai muốn nói chuyện với chúng tôi. Vậy bây giờ hãy lắng nghe đi”.
Nga thực sự buộc phải tự thân vận động, đặc biệt là ở giai đoạn khi mà những lợi ích của Matxcơva không được các bên, trước hết là phương Tây, đếm xỉa đến – đó thực sự là một mối đe dọa nghiêm trọng.
Có thể bây giờ chúng ta đã phải sống trong một thế giới, nơi mà hạm đội của NATO hiện diện ở Sevastopol, quyền lực tại Syria bị phân chia giữa những “tay chân” của Mỹ và IS, còn Caracas, Tehran và Bình Nhưỡng bị bắn bằng vũ khí tên lửa theo gương của Bagdad hay Beograde.
May mắn thay, không có điều gì như vậy xảy ra. Và có thể nói đó là kết quả trực tiếp của chính sách đối ngoại mạnh mẽ và hiệu quả của Nga dưới thời Putin.
Nhưng thực tế là tất cả những điều này được tiếp nhận một cách đau đớn bởi những người không quen với sự hiện diện của Nga và các đồng minh, và bắt nguồn từ những cơ hội bị bỏ lỡ trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mới.
Còn nhớ, sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, ông Putin đã hỗ trợ cho chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan và không hề cản trở việc triển khai lực lượng vũ trang Mỹ ở Trung Á. Tuy nhiên, điều này lại bị hiểu sai là một sự phục tùng, chứ không phải là biểu hiện của tình đoàn kết.
Phát biểu tại Bundestag của Đức năm 2001, ông Putin nói: “Hôm nay chúng ta cần phải tuyên bố một lần và mãi mãi: Chiến tranh Lạnh đã kết thúc!”. Nhưng khi nhớ về câu nói lịch sử này, người ta lại quên mất phần sau của nó: “Chúng ta hiểu rằng nếu không có kiến trúc an ninh hiện đại, chắc chắn và bền vững, chúng ta không bao giờ có thể tạo ra được bầu không khí tin tưởng tại lục địa này”.
Và lại tiếp tục có lỗi trong diễn giải: không phải “sự thất bại của Nga trong Chiến tranh Lạnh” là sự bảo đảm hòa bình và an ninh ở châu Âu, mà phải là sự hình thành một hệ thống an ninh theo các nguyên tắc mới. Tuy nhiên, đề xuất của Nga về việc xây dựng Hiệp ước an ninh châu Âu tương ứng vài năm sau đó lại bị bỏ qua đáng kể.
Thêm một nỗ lực khác để gõ cánh cửa khép kín đó là bài phát biểu của ông Putin về chính sách an ninh tại Hội nghị Munich ngày 10/2/2007.
“Một thế giới đơn cực không diễn ra” - nhà lãnh đạo Nga nói, bởi “trong thực tế, nó chỉ có ám chỉ một điều: đó là một trung tâm quyền lực, một trung tâm ra quyết định. Và điều đó không phải là dân chủ”.
Do đó, đối với thế giới hiện đại, mô hình đơn cực “không chỉ không được chấp nhận, mà nói chung là không thể”. Trong khi đó, như ông Putin lưu ý, “tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay ... là kết quả của những nỗ lực áp đặt chính khái niệm này vào các vấn đề thế giới – khái niệm về một thế giới đơn cực”.
Tại hội nghị lịch sử đó, một số chính trị gia Đức cho rằng: Tổng thống Nga đã nói lên được những gì mà nhiều người trong số họ đang nghĩ trong đầu. Nhưng những luận điểm khác lại được công bố công khai. Ví dụ, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Karel Schwarzenberg khi đó tuyên bố: “Chúng ta nên cảm ơn Tổng thống Putin, người đã chứng minh một cách rõ ràng và thuyết phục tại sao NATO cần phải mở rộng”. Một lần nữa, họ không hiểu bất cứ điều gì.
Rồi tại Nga, một kết luận rõ ràng đã được đưa ra: một thế giới đơn cực không đáp ứng lợi ích của Nga. Các nhiệm vụ của chính sách đối ngoại - đảm bảo sự phát triển an toàn và hòa bình của đất nước vì lợi ích của người dân - đơn giản là không thể triển khai được trong một mô hình như vậy. Như người ta vẫn nói, trong quan hệ với phương Tây, chỉ có một kinh nghiệm sống còn: “Sói thì chỉ biết ăn thịt, chứ không nghe ai cả”.
Phương hướng để Nga hướng tới một thế giới đa cực không phải là chống phương Tây, mà là các nước xích lại gần Nga. Điều này đặc biệt hợp lý đối với một quốc gia mà phần lớn lãnh thổ nằm ở châu Á, và trong bối cảnh có sự tăng trưởng vượt bậc tại phương Đông và phương Nam của hành tinh.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay cả trước Munich 2007, một sự kiện rất quan trọng đã diễn ra: ngày 14/10/2004, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc ký phần bổ sung cho thỏa thuận về biên giới nhà nước Nga-Trung. Vào tháng 5/2005, Duma Quốc gia đã phê chuẩn thỏa thuận này.
Theo đó, Nga thành công trong việc loại bỏ vấn đề lãnh thổ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quan hệ Nga-Trung, điều này đã “bật đèn xanh” cho những tiến trình tiếp theo theo hướng này. Tổng thống Putin đã tiến hành tổng kết mối quan hệ này trong cuộc họp báo lớn gần đây: Điều chính yếu trong quan hệ Nga-Trung không phải là các con số thương mại, mà là “mức độ tin tưởng chưa từng có đã hình thành giữa hai nước”.
Trong bối cảnh khó khăn này, dự án hội nhập Á-Âu đã được phát triển, ban đầu dưới hình thức Liên minh Hải quan, và sau đó là định dạng EAEU hiệu quả hơn. Nhưng ở đây, sự thống nhất các nước cộng hòa cũ của Liên Xô với mục đích tạo thuận lợi cho thương mại và sự di chuyển của người dân, hàng hóa và nguồn vốn, không phải là mục đích cuối cùng.
Ngày 8/5/2015, Tuyên bố chung của Liên bang Nga và Trung Quốc về hợp tác trong việc ghép nối Liên minh kinh tế Á-Âu với Vành đai kinh tế của Con đường Tơ lụa được giới thiệu với thế giới. Ông Putin đề xuất khái niệm “Đối tác Đại Á-Âu”, đồng nghĩa với một dự án “hội nhập của hội nhập”, kết hợp tất cả các dự án hội nhập hiện có trong không gian Á-Âu rộng lớn vì lợi ích của người dân tất cả các quốc gia thuộc lục địa tỷ dân này.
Điều này có trái với lợi ích của châu Âu, cũng như sự tự nhận thức châu Âu của phần lớn người dân Nga? Câu trả lời được nhà lãnh đạo Nga đưa ra vào năm 2012 trong bài viết đăng trên “Tin tức Matxcơva” với tiêu đề “Nước Nga và thế giới đang biến đổi”: “Nga là một phần cấu thành, không thể tách rời của châu Âu rộng lớn, của nền văn minh châu Âu vĩ đại. Người dân của chúng ta tự cảm thấy mình là người châu Âu”.
Nhưng đó chính là lý do tại sao Nga không có ý định gia nhập vào những cấu trúc khác với những điều kiện phải tuân theo, mà “đề xuất hướng tới tạo ra một không gian kinh tế và đời sống hợp nhất từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, ... hợp tác tạo ra một cộng đồng kinh tế hài hòa từ Lisbon đến Vladivostok. Và trong tương lai sẽ tiến đến hình thành một khu vực thương mại tự do và các cơ chế hội nhập kinh tế tiên tiến hơn”.
Và điều này cho thấy ông Putin tư duy bằng các phạm trù rộng lớn và mang tính chiến lược hơn so với các nhà lãnh đạo châu Âu khác. Ngày nay, để trở thành nhà lãnh đạo của các cường quốc thế giới, họ sẽ cần phải vượt ra khỏi chân trời châu Âu thuần túy, và khi đó chắc chắn họ sẽ được ủng hộ ở phương Đông.
Những thành công ngoại giao mạnh mẽ khác trong chính sách đối ngoại của ông Putin chính là việc Nga quay trở lại lục địa châu Phi, tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh cấp cao Nga-châu Phi, cũng như những phát ngôn mang tính quyết định giúp chặn đứng chiến dịch quân sự chống lại Venezuela, và sự tăng cường ảnh hưởng của Nga tại Mỹ Latinh nói chung.
Nhưng ấn tượng nhất, tất nhiên, vẫn là bước đột phá ở Trung Đông, cần được hiểu không chỉ là hoạt động quân sự ở Syria. Việc ngăn chặn các kịch bản Iraq hay Libya tại đất nước này và lối ngoại giao mang tính xây dựng trong việc đối thoại với tất cả những người chơi quan trọng, bao gồm cả những đối thủ khó nhằn như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, đã khiến Nga có vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển tích cực trong vấn đề Syria, cũng như các tiến trình Trung Đông nói chung.
Lối ngoại giao của Nga khác hẳn với cách tiếp cận của phương Tây, khi mà họ muốn phân chia rõ ràng Trung Đông (cũng như bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới) thành bạn và thù. Theo đó, phe thù được tuyên bố là “những kẻ độc tài”, “những kẻ tham nhũng”, “những kẻ vi phạm nhân quyền”,... những điều mà họ tự rút ra, mà theo phương Tây, là từ các nguyên tắc pháp lý và nhân đạo. Lợi ích của những người này sẽ bị bỏ qua, họ có thể phải hứng chịu những lệnh trừng phạt nghiêm khắc, và điều đó ảnh hưởng đến cả dân thường.
Lối hành xử kiểu “phán quyết” không cần thông qua “trọng tài”, tất nhiên, mang lại lợi thế lớn cho một trong các bên trong các cuộc xung đột phức tạp, nhưng không thể giải quyết được chúng và không tạo ra cở sở để có thể giải quyết một cách bền vững và lâu dài. Trong bối cảnh đó, chính sách đối ngoại của Nga có vẻ khác biệt về chất, tạo ra sự tín nhiệm trong mắt các bên tham chiến, từ đó nhân lên ảnh hưởng thực sự của Matxcơva trong các vấn đề kinh tế cũng như chính trị.
Điều này giải thích sự chuyển đổi vị thế quốc tế của Nga từ vị thế “cường quốc khu vực”, theo đánh giá của Tổng thống Mỹ khi đó là B. Obama, thành đứng thứ hai trong danh sách các cường quốc thế giới năm 2019 theo đánh giá của ấn phẩm US News & World Report.
Nước Nga không tạo ra bất kỳ đột phá kinh tế nào trong giai đoạn này – điều này có thể hiểu được trong điều kiện của các lệnh trừng phạt và tình hình chung của ngành năng lượng. Và do đó, sự chuyển đổi vị thế như vậy hoàn toàn là do chính sách đối ngoại hiệu quả của đất nước, được đình hình bởi Tổng thống Putin.
Đồng thời, như đã nói, chính sách này về cơ bản không hề có sự thay đổi cơ bản nào trong 20 năm qua – các mục tiêu và nguyên tắc được giữ nguyên. Môi trường mà nó được thực hiện đã thay đổi, nhưng nó không thay đổi. Có thể nói rằng Nga đã thay đổi thế giới rất nhiều, và ngày nay thế giới đã không còn giống như chính nó hồi đầu thiên niên kỷ.
Trong thế giới ngày nay, không ai sẽ tấn công Beograde bằng tên lửa. G7 không còn đóng vai trò quan trọng khi Nga rời đi, nhưng vai trò của các tổ chức không chịu ảnh hưởng của phương Tây – G20, SCO và BRICS – đã tăng lên.
Và cường độ gây áp lực trừng phạt lên Nga chính là một chỉ số rất chính xác thể hiện phản ứng của phương Tây trước những thay đổi trên thế giới diễn ra dưới tầm ảnh hưởng của Nga.
Những người tuyên bố trừng phạt hoàn toàn nhìn thấy nguồn gốc của những thay đổi này, nếu không, rất có thể, Nga sẽ lại tiếp tục không được đếm xỉa đến, như cách họ đã làm trong những năm 90. Tuy nhiên, có vẻ như hiện nay, biện pháp này không mang lại hiệu quả.
Bình luận