Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM có văn bản cảnh cáo tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, sau khi có một bệnh nhân đi khám đến 80 lần trong 2 tháng ở nhiều bệnh viện.
Cụ thể, bệnh nhân tên N.T.K., thường trú tại TP.HCM, đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Triều An (Quận Bình Tân).
Từ 1/1 đến 8/3/2021, bệnh nhân có số lần khám chữa bệnh bằng BHYT đến 80 lần, tổng kinh phí BHYT phải chi trả cho bệnh nhân này lên tới hơn 60 triệu đồng.
Bệnh nhân K. đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại 18 bệnh viện khác nhau trên địa bàn TP.HCM như: Bệnh viện Quận Gò Vấp (17 lần), Bệnh viện Quận 7 (11 lần), Bệnh viện Quận Thủ Đức (10 lần)…
Sáng 25/3, trao đổi với VTC News về vụ việc trên, PGS TS BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng, cần phải xem bệnh nhân này có khám cùng một chuyên khoa không, các thuốc được cấp là thuốc gì, có trùng nhau không, bệnh nhân sử dụng với mục đích gì và còn phải xem thêm về tâm thần kinh của bệnh nhân nữa để có kết luận chính xác có trục lợi BHYT không.
"Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng mà khám bệnh tới 80 lần ở nhiều bệnh viện là gần như ngày nào cũng đi khám, có khi 1 ngày khám tới 2-3 lần thì không thể chấp nhận được dù BHYT không có quy định về số lần khám bệnh", BS Thanh cho biết.
Theo BS Lê Đình Thanh, BHYT là nhân văn, mọi người chung tay cùng xã hội, chia sẻ gánh nặng y tế. Việc trục lợi BHYT là không thể chấp nhận được. Gần đây hiện tượng trục lợi BHYT đã giảm đi rất nhiều, nhờ công tác tuyên truyền, giám sát, chế tài nghiêm và quản lý dựa trên công nghệ tin học.
"Việc trục lợi BHYT chỉ xảy ra ở một số đối tượng cố tình cho nên phải có các chế tài nghiêm khắc và truyền thông rộng rãi. Ngoài ra cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh BHYT để có thể kịp thời phát hiện những đối tượng trục lợi quỹ BHYT", BS Thanh cho biết thêm.
Trước đó, ngày 24/3, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, đơn vị đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ vụ việc bệnh nhân K. khám bệnh BHYT 80 lần trong 2 tháng.
BHXH TP.HCM cũng đề nghị Sở Y tế thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh kịp thời thực hiện chuyển dữ liệu lên cổng tiếp nhận ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh, hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú và nội trú của bệnh nhân; các cơ sở không phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT trong ngày vẫn phải tuân thủ việc chuyển dữ liệu đúng quy định nhằm hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHYT.
Bình luận