• Zalo

2 nhà máy thép đang 'chết dần' ở Đà Nẵng

Kinh tếThứ Sáu, 26/10/2018 13:47:00 +07:00 Google News

2 nhà máy thép ở Đà Nẵng bên bờ vực phá sản vẫn mỏi mòn chờ quyết định cuối cùng của chính quyền thành phố.

Doanh nghiệp đang ‘chết’ vì sự hiểu nhầm?

9h ngày 23/10, chúng tôi có mặt tại Nhà máy thép Dana-Ý (Nhà máy Dana-Ý) thuộc Cụm công nghiệp Thanh Vinh (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

“Nhà máy dừng sản xuất từ ngày 26/9 đến nay khiến chúng tôi đang chết dần”, ông Hồ Nghĩa Tín, Phó Tổng giám đốc Nhà máy Dana-Ý nói.

Đúng như lời than thở của ông Tín, nhà xưởng không một bóng công nhân, máy móc, xe cộ nằm im bên những đống sắt phế liệu ngồn ngộn. Ngoài cổng, chiếc lều do người dân dựng để “gác” không cho nhà máy hoạt động là một nhóm người đang uống bia.

dana y 1

Nhà máy Dana - Ý dừng sản xuất đã 1 tháng. 

Chứng minh cho điều này, ông Tín dẫn con số cụ thể: “Tính con số thiệt hại, mỗi ngày khoảng 1 tỷ đồng, cả hữu hình lẫn vô hình. Thêm nữa, khoảng 1.000 công nhân không thể đến nhà máy, chúng tôi cũng phải hỗ trợ tiền lương cơ bản để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Chúng tôi đang cố, nhưng nếu kéo dài thì sức đâu mà chịu?”

Cùng cảnh ngộ, Nhà máy thép Dana-Úc (Nhà máy Dana-Úc) cũng vắng như chùa bà đanh cả tháng nay. “Chúng tôi quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng có đến gần 500 công nhân. Từ khi nhà máy không thể hoạt động, thiệt hại kinh tế mỗi ngày 400 đến 500 triệu đồng. Tiếp tục thế này, chỉ có phá sản”, ông Nguyễn Văn An, Phó Tổng giám đốc Nhà máy Dana-Úc lo lắng.

Lý giải nguyên nhân 2 nhà không thể hoạt động, ông Tín và ông An cho biết, do sự hiểu nhầm tai hại từ Thông báo số 30/TB-UBND của UBND TP Đà Nẵng.

Theo ông Tín, ngày 2/3/2018, UBND TP Đà Nẵng “đột ngột” ban hành Công văn số 1446/UBND-QLĐTư, yêu cầu 2 nhà máy thép ngừng hoạt động ngay lập tức (từ ngày 2/3/2018). Nhận công văn, 2 nhà máy đã tạm dừng sản xuất để chờ quyết định cuối cùng của chính quyền Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đến ngày 23/3, UBND TP Đà Nẵng ra Thông báo số 30/TB-UBND với nội dung cho phép 2 nhà máy hoạt động tạm thời nhưng “Đề nghị 2 công ty không giao kết hợp đồng mua nguyên vật liệu là phế liệu để sản xuất thép” và “Trong thời hạn 6 tháng, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở liên quan tham mưu UBND thành phố phương án dừng hoạt động sản xuất thép của 2 công ty, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua”.

Văn bản này dẫn đến một sự hiểu nhầm tai hại khi cho rằng, sau thời hạn 6 tháng để Sở Xây dựng và các sở liên quan tham mưu phương án (tức đến ngày 26/9), 2 công ty phải dừng hoạt động.

“Là người ta hiểu sai, khiến người dân cũng hiểu sai, liên tục phong tỏa không cho nhà máy hoạt động”, ông Tín nói.

dana u 1

Nhà máy Dana-Úc cũng chung cảnh ngộ, nhà xưởng không một bóng công nhân. 

Trả lời PV VTC News, ông Hồ Nghĩa Tín khẳng định, đến sáng 24/10, nhà máy vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo hay quyết định nào của chính quyền Đà Nẵng cũng như cơ quan chức năng về việc chấm dứt hoạt động.

“Như vậy, chúng tôi vẫn được phép sản xuất, nhưng nếu khởi động lò, vận hành máy móc, công nhân đến xưởng là lập tức người dân kéo đến. Nhà máy không đối đầu với người dân, tuân thủ các quyết định của thành phố, luôn sẵn sàng hợp tác trên tinh thần chính quyền-doanh nghiệp và người dân cùng có lợi”, ông Tín khẳng định.

Chính quyền bất nhất?

Đại diện 2 nhà máy thép khẳng định, họ hoàn toàn không có lỗi trong sự bức xúc của người dân sống cạnh Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Căn nguyên của vụ việc là do UBND TP Đà Nẵng đã thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh không nhất quán, không phù hợp tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp.

“Là khu vực sản xuất công nghiệp nặng nhưng Cụm công nghiệp Thanh Vinh không có vành đai phân cách với khu dân cư là không đúng quy định pháp luật. Việc để người dân sống cạnh cụm công nghiệp đã dẫn đến những tác động không thể tránh khỏi cho cuộc sống của họ trong quá trình các doanh nghiệp hoạt động sản xuất”, ông Tín lập luận.

dana y 3

Sắt vụn nhập về chất đống tại Nhà máy Dana-Ý. 

Theo ông Tín, còn một nguyên nhân nữa, đó là thành phố bất nhất trong việc di dời dân ra khỏi cụm công nghiệp. Ông Tín dẫn chứng, từ năm 2006, thành phố đã có chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách phù hợp tiêu chuẩn. Tuy nhiên, sau đó thành phố lại dừng di dời và “treo” hơn 10 năm.

Đến năm 2017, trước sự phản ứng của người dân, thành phố lại quyết định di dời nhưng thủ tục giải tỏa đền bù, tái định cư cho các hộ dân vẫn không thông suốt.

Đến khi nhóm người dân bao vây nhà máy (2/3/2018) thì thành phố lại đột ngột chủ trương dừng di dời dân, thay vào đó là di dời nhà máy. Chủ trương không nhất quán ấy khiến người dân bức xúc, doanh nghiệp lao đao.

Cần một cuộc đối thoại thẳng thắn

Tại buổi làm việc, ông Tín gửi PV VTC News đơn “Kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp” mà nhà máy gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 4/10.

Nội dung đơn kiến nghị ghi rõ: “Thành phố không nhìn thấy khó khăn của doanh nghiệp hay đã nhìn thấy nhưng vẫn từ từ giải quyết để khó khăn thêm chồng chất và doanh nghiệp phải tự chết?’’.

Đại diện Nhà máy Dana-Ý và Dana-Úc nhấn mạnh, việc tìm đáp án cho câu hỏi này là giải bài toán “3 trong 1”, gồm doanh nghiệp, chính quyền và người dân.

“Doanh nghiệp và người dân đang chờ quyết định cuối cùng từ chính quyền Đà Nẵng rằng, di dời nhà máy hay di dời dân cư trong khu vực?”, đại diện 2 nhà máy đặt câu hỏi.

don 4

Đơn “Kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp” Nhà máy Dana-Ý gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 4/10. 

Cũng theo lãnh đạo 2 nhà máy, từ tháng 4/2018 đến nay, công ty đã có hàng chục đơn kiến nghị, trình bày nguyện vọng đến Thành ủy, HĐND, UBND và các cơ quan liên quan kiến nghị phải kịp thời ban hành quyết định chính thức giải quyết vụ việc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

“Dù vô tình hay như thế nào thì sự chậm trễ của thành phố càng làm cho công ty thiệt hại trầm trọng, kiệt quệ nguồn lực và lâm vào tình trạng phá sản”, ông Tín nói.

Theo quy hoạch chung cũng như khẳng định của chính quyền Đà Nẵng là “không đánh đổi môi trường” trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp mới đây thì rõ ràng, việc di dời 2 nhà máy thép là điều chắc chắn và doanh nghiệp cũng đã xác định rõ. Tuy nhiên, điều cần nhất lúc này là quyết định của thành phố.

“Nếu di dời lập tức, chúng tôi sẽ chấp hành, nhưng phải có phương án, chính sách hỗ trợ, đền bù cụ thể. Nếu chưa thể di dời thì phải cho chúng tôi lộ trình cụ thể”, ông An nói.

Lãnh đạo 2 nhà mày cho biết, chuyện sai-đúng của doanh nghiệp, thành phố bây giờ không nói nữa, chỉ cần thành phố có quyết định cuối cùng.

“Cần có cuộc đối thoại sòng phẳng giữa 3 chủ thể, gồm: Đại diện chính quyền, doanh nghiệp và đại diện người dân. Cuộc gặp này sẽ quyết định nhà máy đi hay ở, phương án cụ thể, nhưng chúng tôi vẫn cứ... phải chờ”, ông Tín nói.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn