• Zalo

2 lần bỏ phiếu không đạt tín nhiệm mới xét miễn nhiệm

Thời sựThứ Ba, 29/05/2012 06:20:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đây là một trong các ý kiến thảo luận chiều 28/5 về việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

(VTC News) – Đây là một trong các ý kiến thảo luận chiều 28/5 về việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Một trong nhiều nội dung của Đề án được các ĐB quan tâm thảo luận là việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Nhất trí với việc này, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm với tất cả các chức danh do Quốc hội bầu là “rộng”, theo đó, cần phải "thu hẹp" lại, lựa chọn các chức danh gắn với quản lý Nhà nước, nhất là các vị trí nhạy cảm để tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) cũng đưa ý kiến, nên quy định 2 lần bỏ phiếu không đạt tín nhiệm mới xem xét miễn, bãi nhiệm. ĐB này cũng đề nghị, các chức danh lấy phiếu tín nhiệm phải lấy ý kiến cử tri và các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mới đưa vào danh sách.

Một số ĐB đề nghị nên tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm và bỏ phiếu thường kỳ, cần tiến hành sớm, qua đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm là cơ sở để các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao phó.

ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội)  - Ảnh: Kiều Minh
Về Hội nghị trực tuyến của UB TVQH, theo đó, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) đề nghị hội nghị này cần diễn ra theo quý, trong đó tiến hành chất vấn về những nội dung đang bức xúc trong xã hội và cho cử tri cả nước cùng tham gia.

Nói về ưu điểm của họp trực tuyến, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng chúng ta quen với họp cứ phải gặp nhau nhưng họp trực tuyến rất tốt, giá trị pháp lý như nhau.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cùng đoàn cũng đồng tình cho rằng, họp trực tuyến đỡ tốn kém về thời gian, tiền bạc và đề nghị cần sử dụng công nghệ thông tin để đóng góp tối đa cho hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Một nội dung khác, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) đề nghị tiếp tục rút ngắn kỳ họp Quốc hội xuống còn khoảng 18-20 ngày, theo ĐB này thì nếu làm tốt công tác cung cấp thông tin, tài liệu để giúp ĐB nghiên cứu kỹ trước khi ra Quốc hội xem xét thì sẽ rất gọn về thời gian. ĐB này tỏ ý “tiếc” khi có những buổi làm việc chỉ ngồi nghe đọc báo cáo.

Một số ĐB đề nghị tăng tính công khai trong hoạt động của Quốc hội, theo ĐB Phan Đình Trạc (Nghệ An), Quốc hội cần có một kênh phát thanh truyền hình riêng vì rất nhiều người dân trong đó có công chức về hưu đều “dán mắt” vào theo dõi thông tin từ Quốc hội. Theo đó, đây cũng là một kênh hữu hiệu trong việc đưa các ý kiến kiến nghị của cử tri cũng như trả lời của các cơ quan chức năng để cử tri cả nước theo dõi.

Cũng theo ĐB Phan Đình Trạc, trong các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH cần phải có đại diện các cấp để trả lời cử tri luôn. Cùng với đó, cần tăng cường tiếp dân và đôn đốc đeo bám cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề bức xúc. “Ta (ĐBQH) không có quyền giải quyết nhưng phải đeo bám việc giải quyết của các cơ quan chức năng đến cùng”.

Cũng tại buổi làm việc, thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, nhiều ĐB đồng tình với đề nghị các văn bản luật cần phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu và hiểu thống nhất. Cùng với đó, hạn chế giao Chính phủ hướng dẫn vì luật ban hành cần phải thực hiện ngay, tránh tình trạng “dậm chân tại chỗ” chờ văn bản hường dẫn.

Góp ý cho nội dung này, có ý kiến đề nghị cần nâng cao chất lượng kỹ thuật, biên tập các văn bản luật bởi nhiều dự án luật diễn đạt hết sức vô lý, tối nghĩa, khó hiểu, dài dòng. Theo đó, cần phải bỏ phần hô hào khẩu hiệu mà đi thẳng vào vấn đề.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) còn đề nghị xây dựng những dự án luật chỉ cần 15-20 điều, quy định cho một lĩnh vực cụ thể, như thế sẽ thiết thực hơn, giải quyết từng vấn đề thấu đáo hơn.

Một số dự án luật cũng được các ĐB đề nghị đưa vào Chương trình càng sớm càng tốt bởi đi vào lòng dân, giải quyết những khó khăn tồn đọng hiện tại như: Luật Thủ đô, Luật quy hoạch đô thị, Luật biểu tình…

Kiều Minh
Bình luận
vtcnews.vn