Đất văn hiến đang rộn rã, vui tươi trong không khí những ngày Đại lễ ngàn năm có một. Niềm vui như được nhân lên gấp bội, khi mỗi con dân Tràng An đều trào dâng niềm tự hào về hai “viên ngọc quý” đã trở thành di sản chung của cả nhân loại. Để thêm hiểu, thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị vô giá mà đất và người Hà thành đang có, Truyền hình số VTC đã có cuộc trò chuyện với hai “công dân Thủ đô ưu tú năm 2010”. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và GS sử học, NGND Phan Huy Lê
Bia tiến sĩ Văn Miếu – gửi gắm bao điều tới muôn đời hậu thế
Nếu đã một lần đặt chân tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chắc chắn bạn không thể bỏ qua di tích có giá trị bậc nhất nơi đây. 82 tấm bia Tiến sĩ dựng song song hai bên giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm, mặt đều quay về miệng giếng. Nhưng những “pho sử đá” trên lưng rùa ấy ẩn chứa những thông điệp gì thì không nhiều người hiểu được tường tận, đặc biệt là lớp hậu sinh phần đa vốn rất xa lạ với kho chữ thánh hiền. Nhiều năm dài gắn bó bằng một tình yêu nặng lòng với mảnh đất rồng bay, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã mày mò “giải mã” được khá nhiều thông tin vô cùng quý giá.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
Được biết, trên thế giới chỉ Việt Nam và Trung Quốc mới có bia tiến sĩ. Vậy ở hai quốc gia, nội dung và hình thức bia có gì khác nhau không, thưa ông?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (NHNH. NVP): Đúng là chỉ hai nước láng giềng VN – TQ là có bia tiến sĩ. Ở ta, bắt đầu từ thời vua Lê Thánh Tông mới có lệ dựng bia ghi tên các tiến sĩ ở Văn Miếu của Kinh đô. Sang đến đời nhà Nguyễn, kinh đô đóng tại đất Thần Kinh nên bia tiến sĩ dựng tại Văn Miếu Huế. Chỗ giống nhau của hai loại bia này là đều ghi quê quán, tính danh từng vị đỗ đạt tiến sĩ của từng khoa. Chỗ khác nhau là bia tại Huế chỉ đơn thuần có vậy, còn bia ở Hà Nội thì đa số có thêm một bài Ký do chính các đại thần, đồng thời là các đại nho đương thời biên soạn.
Như ông đã nói, những bài ký do các bậc đại gia văn tự soạn thảo chính là nét làm nên sự khác biệt và giá trị độc đáo cho những tấm bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Những áng văn ấy có điểm gì chung, thưa ông?
NHNH. NVP: Các bài Ký, ngoài cung cấp những tư liệu lịch sử, nghệ thuật quý giá còn thật sự có ích trong việc tìm hiểu quan điểm về tư tưởng giáo dục của các nho sĩ đời Lê. Đồng thời cũng thể hiện những quan niệm về nhân sinh, về cách đánh giá nhân tài của họ. Điều đặc biệt là tuy được soạn rải rác trong suốt hơn ba thế kỷ nhưng nội dung không mấy khác nhau, tư tưởng chủ đạo trước sau vẫn thống nhất. Trên những tấm bia lưu giữ bao dấu ấn thời gian, là chứng nhân cho biết bao phen vật đổi sao dời, tôi đọc thấy bốn nội dung chính: Mục đích dựng bia – Khẳng định vai trò và giá trị các nhân tài – Răn dạy kẻ sĩ về đạo lý, trách nhiệm – Tác dụng lâu dài của việc dựng bia.
Các nhà khoa học đều có chung một nhận xét, rằng bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có giá trị cao về rất nhiều mặt. “Nhiều mặt”, ở đây cụ thể là những gì?
NHNH. NVP: Trước hết, đó là những tư liệu văn tự gốc vô cùng quý giá. Nhà sử học tìm thấy ở đây những tên tuổi đã gắn bó với lịch sử dân tộc (quê quán, tính danh đều được ghi cụ thể, chính xác). Lại có thể nhờ đó mà xác định niên đại cho rất nhiều di tích. Nhà địa lý – lịch sử có thể tra cứu những địa danh cũ để tìm ra những vùng đất cổ liên quan đến hiện tại. Nhà nghiên cứu triết học có thêm những chứng cứ để khảo sát vai trò cũng như diễn tiến của Nho học tại Việt Nam. Nhà nghiên cứu mỹ thuật và các nghệ sĩ tạo hình có thể từ những hình dáng bia, rùa, hoa văn và các mô-típ chạm khắc mà tìm ra tinh hoa của nghệ thuật dân tộc để phát huy, áp dụng vào quá trình sáng tạo.
“Trăm năm bia đá thì mòn”, vậy mà bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” năm trăm năm có lẻ. Bia đã xuất hiện vết nứt, nét khắc đã mờ, nhiều chữ không còn đọc nổi. Đầu rùa bị các sĩ tử thời nay xoa vuốt đến nhẵn bóng. Thiên nhiên khắc nghiệt, loạn lạc chiến tranh và cả sự vô ý thức của một số người đang âm thầm phá hoại di sản này. Ông nghĩ sao?
NHNH. NVP: Cách đây một vài thế kỷ, nhận thấy bia bị mòn, người ta đã tổ chức khắc lại. Một số chữ có thể bị sai, nhưng không đáng kể, chỉ chiếm một vài phần nghìn. Cũng may là người Pháp đã dập lại nội dung một số tấm bia, lưu giữ trong Viện Viễn Đông bác cổ. May mắn hơn nữa, ở những tấm bia sau này, nội dung văn bia được ghi chép lại tỉ mỉ trong Đăng khoa lục – cuốn sách ghi chép về các khoa thi nên chúng ta vẫn còn một nguồn tư liệu để tra cứu, tham khảo khi cần.
Hiện tượng sĩ tử trước mỗi mùa thi đổ xô đến Văn Miếu sờ đầu rùa lấy may chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây. Thời tiết đã là tác nhân gây hại kinh khủng, con người không nên tiếp tay bằng sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức của chính mình. Hi vọng, ngay từ bây giờ, những pho sử đá vô giá sẽ được bảo quản và gìn giữ, từ ý thức tự giác của từng cá nhân.
Hoàng thành Thăng Long – Hành trình dài đến với Di sản thế giới
Khu trung tâm Hoàng thành vừa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới mấy tháng trước đây. Nhắc đến khu đất này là nhắc đến tính liên tục của các lớp văn hóa dày đặc (từ khi còn tên gọi Đại La đến các triều đại Lý – Trần – Lê và kết thúc vào giữa TK 19) được chồng chất lên nhau suốt chiều dài lịch sử 13 thế kỷ. “Bộ sử bằng di vật” này giúp chúng ta có thể nghiên cứu trên nhiều phương diện: di tích, di vật, điều kiện địa lý, sinh thái, kiến trúc, đời sống cung đình và trên hết là những biến thiên lịch sử đã từng diễn ra trên mảnh đất kinh kỳ này.
PV: Thưa GS Phan Huy Lê (GS.PHL), ông có thể liệt kê đôi nét sơ lược từ điểm xuất phát, khi di tích lần đầu phát lộ?
GS. PHL: Lịch sử Thăng Long-Hà Nội 1000 năm nhưng sử sách ghi chép rất sơ lược, di tích trên mặt đất không còn bao nhiêu, di tích thời Lý, Trần không còn gì nguyên vẹn cả, chỉ còn lại một số công trình xây dựng lại từ thời cuối Lê, đầu Nguyễn.
Tháng 12/2002, cuộc khai quật đầu tiên đã được tiến hành. Đến giữa năm 2003, đã khai quật được 3000 m2, lúc đó những người có con mắt chuyên môn tới xem thì thấy phát lộ ra các tầng lớp di tích của Lý, Trần, Lê, chồng chồng lớp lớp lên nhau, quý giá vô cùng. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có kiến nghị đầu tiên, trong đó khẳng định đây là di tích Hoàng thành.
Đến năm 2004, diện tích khai quật lên tới 19.000 m2, lúc đó các cơ quan chức năng thấy cần dừng lại vì khai quật thì dễ, bảo tồn mới khó. Nhà nước đã giao cho Bộ Văn hóa – Thông tin và Viện Khoa học xã hội Việt Nam có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đưa ra phương án bảo tồn di tích Hoàng thành. Cả hai cơ quan đều thành lập Hội đồng khoa học và đều mời tôi làm Chủ tịch Hội đồng, nên thuận tiện cho việc phối hợp giữa hai bên.
Khoảng từ giữa năm 2004 có rất nhiều hội thảo về Hoàng thành được tổ chức. Lúc mới khai quật năm 2003, các ý kiến đánh giá về Hoàng thành rất phân tán, một số người hoài nghi, thậm chí phủ nhận giá trị của di tích, cho rằng đây chỉ là đống gạch vụn, rằng giới khảo cổ học và sử học bốc đồng, phóng đại giá trị của di tích.
Sau các cuộc hội thảo năm 2004, nhận thức về giá trị của di tích đã được xác lập. Các chuyên gia Pháp, Nhật, Ý, Tây Ban Nha… đã tham gia nghiên cứu về Hoàng thành. Điểm thú vị là bên cạnh Hoàng thành, những năm sau đó ta đã phát hiện ra Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao, hai bộ phận cấu thành của kinh thành Thăng Long.
Xin ông cho biết những giá trị nổi bật của Hoàng thành?
GS. PHL: Thứ nhất, vị trí của khu di tích chính là Hoàng thành và cụ thể hơn là ở trung tâm của Cấm thành, nơi nhà vua và triều đình sinh sống, làm việc. Bởi vì trung tâm của Cấm thành là điện Kính Thiên mà di tích phát lộ chỉ cách điện này khoảng 100m. Khi khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những vật dụng chỉ có vua và Hoàng gia sử dụng như bát có hình rồng 5 móng, có vật dụng đề chữ quan, hoặc đề chữ Trường Lạc Khố hay Trường Lạc Cung.
Thứ hai, trong kinh thành Thăng Long xưa, La thành, Hoàng thành có thể thay đổi nhưng Cấm thành thì cơ bản không thay đổi về vị trí và quy mô. Vì thế, khi đào xuống, ta thấy lớp lớp các tầng văn hóa chồng chất lên nhau, suốt từ thời Lý, Trần, Lê đến đầu Nguyễn.
Di sản Hoàng thành mà chúng ta đăng ký và được UNESCO công nhận có diện tích rất hẹp, chỉ trên 18 ha. Đây là điều khó khăn nhất khi làm hồ sơ và bảo vệ hồ sơ trước Hội đồng UNESCO bởi các di sản thế giới thường có diện tích rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta đã chứng minh thành công rằng: Mặc dù diện tích hẹp, di sản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO.
Và chặng đường dài đến với cái đích trở thành Di sản văn hóa thế giới?
GS. PHL: Từ khi phát lộ, Khu trung tâm Hoàng thành đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học tâm huyết cả trong và ngoài nước. Với trách nhiệm và tình yêu Thăng Long, tôi đã đồng hành cùng “viên ngọc vô giá” này từ lúc những luồng dư luận nhiều chiều chưa tìm được tiếng nói chung đến khi tất cả đồng lòng dốc sức lập hồ sơ đề nghị Unesco chính thức công nhận. Từ những hội thảo khoa học quốc tế có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành đến việc được công nhận là Khu di tích quốc gia, từ nỗ lực bảo tồn đến đoạn đường gian nan hoàn thiện hồ sơ. Từ niềm hi vọng vô bờ bến khi nhận được lời đánh giá cao của chuyên gia thẩm định ICOMOS (Trung tâm quốc tế về các di tích và di chỉ) đến nỗi thất vọng ngập tràn khi bản báo cáo của ICOMOS lại đề nghị UNESCO hoãn công nhận di tích này.
Nhiều đêm thức trắng cùng các đồng nghiệp để tìm cách phản biện một cách khoa học và thuyết phục nhất bản báo cáo của ICOMOS, bảo vệ hồ sơ đề cử, lại được sự hợp tác nhiệt tình của chuyên gia quốc tế và sự phối hợp ăn ý nhịp nhàng với vận động ngoại giao, danh hiệu Di sản văn hóa thế giới đã thuộc về Khu trung tâm Hoàng thành, đúng vào thời điểm lịch sử Hà Nội nghìn năm khiến chúng tôi mừng rơi nước mắt. Thành công ấy trước hết nhờ vào giá trị tự thân đích thực của khu di sản, nơi kết tinh quá trình lao động sáng tạo của cha ông trong suốt 13 thế kỷ liên tục, trong đó có tới hơn 8 thế kỷ giữ vai trò kinh đô của Đại Việt và Việt Nam sau này. Cộng thêm nỗ lực nghiên cứu công phu, sự góp sức của bạn bè quốc tế, sự đồng thuận rất cao từ trên xuống dưới và phát huy sức mạnh ngoại giao, chúng ta đã có một món quà vô giá dâng lên Thủ đô giàu truyền thống hào hùng.
Việt Nam với những di sản thế giới đã được UNESCO chính thức công nhận
1 - Di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế (1993), Phố cổ Hội An (1999), Thánh địa Mỹ Sơn (1999) và Hoàng thành Thăng Long (2010). 2 - Di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003) 3 - Di sản nhân loại (Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại): Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Ca trù (2009) và Quan họ (2009). 4 - Di sản tư liệu thế giới (thuộc Chương trình Ký ức thế giới – Khu vực châu Á – Thái Bình Dương): Mộc bản triều Nguyễn (2010) và 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê – Mạc ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (2010) Huyền Nga (thực hiện)
Bình luận