Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nếu chúng ta đa dạng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước và cải cách ngành thương mại thì tối thiểu trong 2-3 năm là có thể giảm phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế.
Liên quan đến chủ đề: Làm thể nào để giảm phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế? Chúng tôi đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương).
- Việc thúc đẩy sản xuất trong nước để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc đã được bàn luận nhiều, nhưng giải pháp cụ thể để thực hiện thì gần như chưa có. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Theo tôi, muốn thúc đẩy sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc Trung Quốc, đầu tiên phải đa dạng thị trường, không lệ thuộc vào một thị trường nào dù nó có nhiều điều kiện thuận lợi đi nữa.
Với tình hình hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện thực hiện, bởi chúng ta có quan hệ giao thương với 200 nước, có hiệp định thương mại tự do đến hàng chục nước và sắp tới lại ký kết tiếp. Vấn đề bây giờ là đa dạng thị trường xuất nhập khẩu.
Thứ hai là sản xuất trong nước. Hiện công nghiệp phụ trợ của chúng ta còn kém, thành ra phải nhập nhiều
linh kiện, máy móc từ Trung Quốc, nên bây giờ phải đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước. Tôi thấy một số nước rất ủng hộ Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ như Nhật Bản, Hàn Quốc...Tối thiểu trong 2-3 năm là có thể giảm phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế.
Tuy nhiên, chúng ta phải có chiến lược, chính sách cụ thể cho từng mặt hàng. Bây giờ ta chỉ hô hào chung chung là phải đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, nhưng cụ thể là ngành nào, mặt hàng nào thì chưa có hướng.
Các bộ ngành, cơ quan chức năng phải làm thật sát sao, phải xác định ta đang phải nhập khẩu những linh kiện, trang thiết bị nào rồi tính đến sản xuất trong nước. Vấn đề hiện nay chính là thiếu sự quản lý, chiến lược, thiếu quy hoạch, kế hoạch cụ thể.
Thứ ba là phải đặt ra một cuộc cải cách cho ngành thương mại. Chúng ta phải áp dụng công nghệ hiện đại chứ không phải chỉ buôn bán theo kiểu cũ: Có gạo thì mang gạo đi bán, có cà phê thì mang cà phê đi bán, tiền trao cháo múc...
Hay như việc thiếu xăng dầu thì đi nhập khẩu dầu trong khi thị trường xăng dầu Việt Nam rất ổn định, một năm tiêu thụ mười mấy triệu tấn, doanh nghiệp cũng rất lớn mà tại sao không mua theo kỳ hạn? Trong khi các nước khác họ chờ lúc rẻ mới mua sau đó đặt cọc, khi nào nhận hàng mới thanh toán chứ không phải trả tiền ngay. Còn ta thì nay mua 1 tấn, mai mua 2 tấn nên giá đắt cũng phải mua, thành ra đổ đầu người dân phải trả giá đắt.
Tôi thấy các công ty nhập khẩu, công ty thương mại hiện nay rất kém cỏi, không có nghiệp vụ.
- Trong ba giải pháp vừa đề cập đến, theo ông, giải pháp nào là quan trọng nhất?
Cả ba giải pháp đều rất quan trọng. Nếu chúng ta muốn thắng lợi thì phải thay đổi kinh tế, tức là đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phụ tùng trong nước.
Phải có kế hoạch từng mặt hàng một, có chương trình, đề án, làm cho đến nơi đến chốn và cũng cần hoạch định xem Nhà nước sẽ hỗ trợ đến đâu, doanh nghiệp đầu tư những gì...
Nếu thực hiện được điều này sẽ có rất nhiều cái lợi, công nghiệp Việt Nam sẽ là công nghiệp phụ trợ chứ không phải công nghiệp gia công, lắp ráp như hiện nay.
Còn hai biện pháp kia là vấn đề thương mại, đa dạng thị trường, phải kết hợp các nghị định của Chính phủ với sự năng động của doanh nghiệp. Cải cách hoạt động thương mại là cần thiết.
- Vậy các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý cần phải làm gì để thúc đẩy sản xuất trong nước, thưa ông?
Tôi cho rằng cơ quan quản lý phải thay đổi căn bản. Xưa nay chúng ta mới chỉ nói đường lối, chính sách mà cơ quan nào nói cũng hay cả, cơ quan nào ban hành chính sách cũng tốt cả. Làm quản lý thì điều hành, giám sát, chỉ đạo mới quan trọng.
Mà muốn chỉ đạo thì phải bám sát nhu cầu của doanh nghiệp lớn nhỏ, quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh. Nếu các doanh nghiệp tư nhân làm ăn đúng đắn thì nên thúc đẩy đầu tư vào đó, chứ không phải cứ đổ tiền vào các doanh nghiệp nhà nước rồi sinh ra lãng phí, tham nhũng nhiều chứ không giải quyết được vấn đề. Tôi cho rằng cơ quan quản lý phải thay đổi cách quản lý, điều hành.
- Nếu thực hiện tốt 3 giải pháp vừa nêu thì theo ông, trong thời gian bao lâu chúng ta có thể thoát khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế?
Tôi nghĩ là không tốn nhiều thời gian. Bây giờ không phải là quá khó khăn về công nghệ, nguồn vốn cũng không cần Nhà nước đổ tiền vào hết mà đã có doanh nghiệp đầu tư, nhà nước hỗ trợ. Vấn đề là phải có chương trình đúng, tạo ra một chuỗi giá trị sản phẩm trong nước phù hợp với giá trị quốc tế.
Nếu làm được thì tối thiểu là 2-3 năm, tối đa là 5 năm chúng ta có thể thay đổi bộ mặt Việt Nam, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Duyên Duyên/Một Thế Giới
Bình luận