• Zalo

2.000 doanh nghiệp về TP.HCM tìm cơ hội bán đặc sản

Thị trườngThứ Năm, 26/09/2024 15:41:37 +07:00Google News
(VTC News) -

2.000 doanh nghiệp về TP.HCM tìm cơ hội bán hàng với các tập đoàn bán lẻ, sàn thương mại điện tử tại sự kiện kết nối cung cầu lớn nhất từ trước đến nay.

Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và 45 tỉnh, thành năm 2024 khai mạc hôm nay, 26/9, thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp về thành phố tìm kiếm cơ hội kết nối trực tiếp, trực tuyến với các tập đoàn bán lẻ và sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam để bán hàng.

Ngoài ra, còn có 700 gian hàng triển lãm, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của 6 vùng miền trên cả nước, bao gồm TP.HCM và các tỉnh miền Trung; Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên như Long An, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định…

Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh do TP.HCM và Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2012. (Ảnh: Thúy Liên)

Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh do TP.HCM và Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2012. (Ảnh: Thúy Liên)

Đây là hội nghị kết nối cung cầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Xây dựng chuỗi cung ứng xanh”. 

Điểm nổi bật của hội nghị năm nay là chương trình kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam cùng 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài kết nối trực tiếp còn có kết nối trực tuyến với hàng chục phiên livestream trên các sàn thương mại điện tử đình đám, giới thiệu sản phẩm đặc sản của từng vùng miền, sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Thu hút nhiều doanh nghiệp nhất tại sự kiện là chiến dịch “Siêu live hàng Việt” trên nền tảng TikTok được tổ chức bởi các mạng lưới đa kênh với chủ đề “Mega Live hàng Việt - Sản phẩm OCOP tiêu biểu. Có 19 phiên livestream kéo dài 9h-23h ngày 26/9, quảng bá hơn 200 sản phẩm nổi bật như như yến đảo Cần Giờ, dừa sáp Trà Vinh, mật ong Gia Lai, ba khía đầm dơi Cà Mau, pate cột đèn Hải Phòng…

Ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định hội nghị kết nối cung cầu tạo cơ hội cho bên mua, bên bán được trực tiếp kết nối, giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành chuỗi cung ứng bền vững và phương thức tổ chức hợp lý, hiệu quả cao.

Chiến dịch Siêu live hàng Việt được thực hiện tại hội nghị thu hút nhiều nhà sáng tạo nội dung số bán sản phẩm đến người dùng. (Ảnh: Thúy Liên)

Chiến dịch Siêu live hàng Việt được thực hiện tại hội nghị thu hút nhiều nhà sáng tạo nội dung số bán sản phẩm đến người dùng. (Ảnh: Thúy Liên)

Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh thành, doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh thị trường trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Qua đó xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó là kiểm soát xuất xứ, chất lượng hàng hóa, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm dịch vụ được bình chọn thương hiệu vàng thành phố, sản phẩm đặc sản vùng miền, đạt tiêu chuẩn công nghệ xanh…

Cùng với kết nối cung cầu, bán hàng, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương kết hợp chặt chẽ việc triển khai chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý, đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, sự phát triển của TP.HCM luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác, trong đó xây dựng chuỗi cung ứng từ nuôi, trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến, sản xuất... đến tiêu dùng. Năm 2023, đích thân lãnh đạo TP. HCM đã đi khắp các vùng miền để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành.

Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành là chương trình thường niên được UBND TP.HCM phối hợp Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2012.

Hà Linh
Bình luận
vtcnews.vn