Tại họp báo thường kỳ ngày 7/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị thông tin thêm về hộ chiếu vaccine, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
"Hiện nay Việt Nam đã đạt được thoả thuận công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước, bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore và một số nước nữa như: Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia".
Bà Hằng cũng lưu ý hôm 4/4, Bộ Y tế đã có thông báo chi tiết về quy trình cấp hộ chiếu vaccine của Việt Nam, dự kiến ngày 15/4 sẽ cấp hộ chiếu vaccine cho người dân.
"Hộ chiếu vaccine" thực chất là ký xác nhận chứng nhận tiêm điện tử. Chứng nhận này được cấp theo tiêu chuẩn châu Âu để khi người dân nhập cảnh, hoặc di chuyển mà cần cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thì đây được coi như giấy thông hành, giúp người dân dễ dàng khi nhập cảnh các quốc gia khác.
Quy trình cấp hộ chiếu vaccine gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận "hộ chiếu vaccine".
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp "hộ chiếu vaccine".
Tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai cấp “hộ chiếu vaccine” hôm 4/4, ông Đỗ Trường Duy - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc tiếp với Bộ Ngoại giao để đàm phán, thống nhất với các quốc gia đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam.
Từ đó, sẽ xác nhận lại ứng dụng nào sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng khi xuất nhập cảnh, cũng như các quốc gia sẽ đọc được các dữ liệu trên ứng dụng của chúng ta. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao sẽ có hướng dẫn hoặc thông báo cụ thể tới người dân.
Bình luận