• Zalo

17 người chết, mất tích trên biển: Vì sao khó thoát thân khi canô chuẩn SB chìm?

Tin nhanh 24hThứ Hai, 28/02/2022 14:08:11 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo ông Nguyễn Sự, với thiết kế của ca nô đạt chuẩn SB, hành khách sẽ khó thoát thân khi phương tiện bị lật, chìm.

Nhận định trên được ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam - chia sẻ với PV VTC News vào sáng nay 28/2. 

17 người chết, mất tích trên biển: Vì sao khó thoát thân khi canô chuẩn SB chìm? - 1

Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự có mặt tại cảng Cửa Đại.

Theo ông Sự, ca nô chở 39 người bất ngờ bị chìm hôm 26/2 khiến 17 người chết và mất tích là một vụ tai nạn thảm khốc, thương tâm nhất từ trước đến nay trên tuyến đường thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Ngay khi xảy ra vụ chìm tàu, cùng với lãnh đạo tỉnh và địa phương, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An có mặt từ rất sớm ở cảng Cửa Đại để theo dõi tình hình cứu hộ. 

Đề cập đến phương tiện gặp nạn, ông Sự cho hay, đây là loại ca nô đạt tiêu chuẩn SB có thiết kế bịt kín với chỉ một lối ra phía trước (gần vị trí ngồi của thuyền trưởng). Với thiết kế này, sóng nước và gió sẽ ít tác động đến hành khách.

"Tuy nhiên, cũng chính vì bịt bùng nên khi ca nô lật, chìm, hành khách sẽ khó thoát ra ngoài. Thậm chí, công tác cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân khiến nhiều người tử nạn trong vụ ca nô chìm hồi chiều 26/2", ông Sự nhận định và chia sẻ thêm, trước đây, hành khách di chuyển từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm hoặc ngược lại sẽ ngồi trên ca nô tiêu chuẩn SI. Ca nô loại này có thiết kế thông thoáng với mui trần, phía trước, phía sau và hai bên đều không bị che chắn. 

17 người chết, mất tích trên biển: Vì sao khó thoát thân khi canô chuẩn SB chìm? - 2

Loại ca nô đạt tiêu chuẩn SB khiến doanh nghiệp vận tải lo ngại.

"Từ năm 2018 đến nay, ngành giao thông vận tải yêu cầu phải cải hoán ca nô SI sang SB thì mới được vận chuyển hành khách. Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp phải chấp hành. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều năm trước, khi còn sử dụng loại ca nô SI, không ít lần xảy ra lật tàu trên biển nhưng ít có tử vong. Bởi lẽ khi tàu gặp sự cố, hành khách thoát ra ngoài rất nhanh vì không bị che chắn. Và khi thoát ra ngoài rồi cộng với việc được trang bị áo phao thì lực lượng cứu hộ hay tàu thuyền đang hoạt động gần đó tới ứng cứu sẽ dễ dàng", ông Sự nói.

Cùng quan điểm với ông Sự, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn, thông tin rõ thêm, trước đây, các đơn vị du lịch tại Hội An thường sử dụng ca nô mui trần. Từ năm 2018 đến nay, ngành giao thông vận tải yêu cầu nâng cấp tàu loại lớn, có thể chở được khoảng 40 hành khách.

"Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến vụ chìm ca nô trên biển Cửa Đại có nhiều người tử nạn dù tất cả đều mặc áo phao.

Hiện nay, địa phương có khoảng 120 chiếc ca nô đạt chuẩn SB hoạt động trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Sau vụ tai nạn, chính quyền TP Hội An cũng đúc rút nhiều kinh nghiệm và dự kiến sẽ có kiến nghị gửi cơ quan chức năng, nhất là về thiết kế của tàu tiêu chuẩn SB", ông Sơn cho hay.

Là một trong số 40 chủ doanh nghiệp vận tải phục vụ chở khách du lịch trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, anh Mạc Trung bày tỏ sự lo ngại trước thiết kế của tàu đạt tiêu chuẩn SB. 

17 người chết, mất tích trên biển: Vì sao khó thoát thân khi canô chuẩn SB chìm? - 3

Trước đây, các đơn vị du lịch tại Hội An thường sử dụng ca nô SI mui trần.

Theo anh Trung, công ty của anh hoạt động từ năm 2010. Thời điểm này, loại tàu chở khách đạt chuẩn SI. Tàu lớn có thể chở 36-40 người, tàu nhỏ chở được 20 người. Và trong quá trình hoạt động, nhiều lần tàu anh gặp sự cố trên biển, song chưa bao giờ có tử vong.

"Từ khi có quy định toàn bộ ca nô đạt chuẩn SB, những đơn vị vận tải như tôi phải bán tống bán tháo ca nô SI với giá rẻ bèo. Sau đó, chúng tôi phải đầu tư mua tàu loại SB với giá 2,5 tỷ đồng (tàu lớn), 1,5 tỷ đồng (tàu nhỏ) để đủ điều kiện đưa rước khách. Nợ nần đến chừ vẫn chưa trả xong vì phải chạy vạy vay mượn mới đủ tiền sắm tàu mới", anh Trung than thở.

khoảng 14h ngày 26/2, ca nô du lịch mang số hiệu QNa 1152 của Công ty du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi) chở 39 người gồm 36 hành khách, 3 thuyền viên, xuất bến Cù Lao Chàm để vào đất liền. Khi đến vị trí cách Trạm Biên phòng Cửa Đại 1 hải lý, ca nô bị sóng lớn đánh chìm. Vụ chìm tàu khiến 17 người chết và mất tích. Đến thời điểm hiện tại, 16/17 thi thể nạn nhân được tìm thấy.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn