Video: Diễn viên Quốc Tuấn hướng dẫn con trai chơi đàn piano
Chiều đến, tiếng đàn piano lại đều đặn ngân lên trong căn hộ trên tầng 12 của bố con diễn viên Quốc Tuấn. Bên chiếc đàn, cậu bé 15 tuổi có vết sẹo to dài vắt sau đầu đang miệt mài ôn bài. Bé Bôm, con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn, vừa đỗ trung cấp Piano Jazz 7 năm của Học viện Âm nhạc.
Ngoài giờ học văn hóa, cậu bé phải tập đàn ở nhà 6-8 tiếng mỗi ngày, dưới sự hỗ trợ của bố. Những ngón tay ngắn, chằng chịt vết sẹo lồi của Bôm lúc chậm rãi khi lướt nhanh trên những phím đàn.
Thỉnh thoảng bị vấp do không tập trung, cậu lại bị bố nghiêm khắc nhắc nhở. Buổi tập tạm dừng lúc 18h để hai bố con chơi thể thao rồi ăn tối, trước khi bắt đầu lại lúc ngoài 19h và kết thúc vào 22h.
Ông bố nổi tiếng chia sẻ Bôm chào đời với căn bệnh hiếm gặp: hội chứng APERT (bệnh xương sớm cục bộ) và đường thở hẹp. Năm Bôm 3 tuổi rưỡi, xương hộp sọ bắt đầu cứng lại trong khi não vẫn phát triển bình thường.
Bôm bị dính ngón, hộp sọ phải nới ra nếu không sẽ bị chèn ép. Ngoài ra, các chức năng nội tạng khác trong cơ thể cậu bé hoàn toàn bình thường. Theo Quốc Tuấn, bệnh này chỉ ảnh hưởng xương, cụ thể là phần đầu và các chi, nên phải phẫu thuật nhiều lần.
Những ngày đầu đưa con đi khám, Quốc Tuấn hoang mang khi các bác sĩ trong nước không xác định được đó là bệnh gì, thậm chí còn có lời nói bi quan. Không bỏ cuộc, anh đưa con ra nước ngoài tìm mọi cách chữa trị.
Trước đây, hàm trên của Bôm bị kéo tụt vào trong, khiến chức năng nói và ăn uống của cậu bé bị cản trở. Sau thành công của ca phẫu thuật do các giáo sư Mỹ thực hiện tại Việt Nam tháng 9 năm ngoái, hàm trên của Bôm đã được kéo ra.
Ca phẫu thuật này từng thất bại tại Hàn Quốc và giờ lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Bôm hiện nỗ lực sửa tật nói ngọng trước đây để phát âm chậm và rõ ràng hơn.
Với Quốc Tuấn, hành trình cùng con đi qua 10 cuộc phẫu thuật, trong đó có nới hộp sọ, tách ngón tay, điều trị hẹp đường thở, quả là "địa ngục".
Anh từng phải bán nhà, làm đủ mọi việc liên quan đến chuyên môn để có tiền. Sau hơn chục năm đưa con đi chữa bệnh, giờ đây anh mới thực sự thở phào nhẹ nhõm.
"Lúc đầu, tôi phải gồng lên nhưng đến một lúc nào đó, gồng nhiều quá thành bản năng. Quả thật tôi cũng mệt mỏi nên sau 15 năm địa ngục như thế, bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng", Quốc Tuấn tâm sự.
Nam diễn viên từng rất băn khoăn trước ca mổ năm ngoái của Bôm tại Việt Nam, bởi trước đó, các bác sĩ ở Australia nói phải đợi bé 17-18 tuổi mới làm được. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh quyết định để các giáo sư Mỹ phẫu thuật với công nghệ mới nhất, dù độ rủi ro cao. Nhưng nếu không mổ, Quốc Tuấn "sốt ruột vô cùng" vì mặt Bôm ngày một lép vào, chức năng nói, ăn khó khăn gây ảnh hưởng tới não.
Vừa trò chuyện, Quốc Tuấn không quên nhắc nhở cậu con trai đang mở nhạc ồn ào trên máy tính bảng. Thấy bố nhăn nhó, Bôm nở nụ cười hồn nhiên và đáp lại bằng điệu bộ trêu đùa quen thuộc của hai bố con.
Trong mắt bố Tuấn, Bôm là đứa trẻ hóm hỉnh, tếu táo, hướng ngoại và lạc quan. Ở nhà, Bôm gọi bố là "anh", còn bạn bố là "bạn của ông". Trong danh sách bạn học từ phổ thông đến đại học của Quốc Tuấn, Bôm luôn có tên và được xem như một thành viên.
"Bôm tự giác và nghị lực từ bé. Phẫu thuật dù đau tới mấy nó cũng không khóc, có chăng chỉ mếu máo bảo bố: 'Bôm đau'. Những hôm ốm sốt, môi đỏ, Bôm nằm gối tay lên ghế chịu đựng, không kêu ca. Đánh xong bản nhạc cho khuây khỏa, Bôm lại nằm xuống ghế vì mệt. Khi bố nhờ việc gì đó, con luôn vui vẻ làm mà không tỏ ra khó chịu", Quốc Tuấn kể.
Bôm không thích chơi điện tử, không thích quần áo đẹp mà chỉ mê nhạc. Cậu từng thích chiếc áo ba lỗ màu "cháo lòng", còn giờ chuyển sang màu xanh da trời. Thế nên vỏ bọc ipad hay chiếc vali có in hình ban nhạc thần tượng Modern Talking được các bạn cùng lớp tặng đều phải mang màu xanh ấy. Bôm cũng thích đeo tai nghe, tay kéo vali đi giữa sân bay mỗi lần hai bố con du lịch.
Sở dĩ Bôm có được sự hồn nhiên, không tự ti về bản thân là nhờ được cha mẹ che chở và truyền sự lạc quan. Ngay từ khi Bôm còn bé, Quốc Tuấn giấu nỗi buồn trong lòng để luôn vui vẻ. Anh cho con vào học trường tư, thay vì trường đặc biệt theo tư vấn của nhiều người.
Điều quan trọng với anh là không giấu giếm con ở nhà. Mỗi khi ai đó nói những lời vô ý về Bôm, Quốc Tuấn sẽ đến góp ý với họ hoặc biến câu chuyện thành tình huống tếu táo để con không tổn thương. Tuy nhiên, do gắn với bố từ bé nên tới giờ, Bôm vẫn chưa tự tin trong giao tiếp và ứng xử.
Việc đi học của Bôm là vấn đề đau đầu và khiến Quốc Tuấn mệt mỏi. Nhà trường nghĩ cậu bé "có vấn đề về trí não" và buộc Quốc Tuấn phải đưa Bôm đi kiểm tra tâm lý. Cầm kết quả bình thường trên tay, Quốc Tuấn thấy tổn thương.
Nam diễn viên từng lo Bôm bị ảnh hưởng trí nhớ do dùng nhiều thuốc gây mê để mổ, nhưng cậu bé khiến bố "bất ngờ kinh khủng" khi học đàn. Ngày nhỏ, Bôm được tiếp xúc thường xuyên với âm nhạc, như một liệu pháp làm dịu cơn đau và giúp tinh thần thoải mái.
Thế nên, Bôm có thể nhớ ngay lập tức bản nhạc dày đặc các nốt khó khi nhìn lần đầu. Hiện tại, học lực các môn văn hóa ở trường của Bôm "thấp như con gián" nhưng cậu bé được bạn bè, thày cô yêu mến. Cậu cũng đã cảm mến một bạn gái học cùng.
Sắp vào cấp 3, Bôm đã biết giúp bố việc nhà và tự làm những công việc cá nhân, dù còn nhiều vụng về. Với Quốc Tuấn, chừng ấy thôi đã nằm ngoài mong đợi của anh.
Lúc chưa có Bôm, Quốc Tuấn nhận mình là người lì lợm, không bao giờ khóc. Từ khi có con, anh hay tủi thân và lập tức chảy nước mắt như một phản xạ khi thấy người bệnh tật, thiệt thòi, nhất là khi đó là trẻ nhỏ.
15 năm qua, Quốc Tuấn chưa một lần ngủ ngon khi mỗi đêm thức dậy 4-5 lần thay áo cho con để mồ hôi khỏi thấm ngược lại. Anh cũng chưa xa con một ngày vì với Bôm, bố là tất cả.
Sau ca mổ thành công với các giáo sư Mỹ, Bôm sẽ trải qua ca phẫu thuật thẩm mỹ vào hai năm tới. Quốc Tuấn không muốn chờ đợi quá lâu vì lo con bước vào tuổi dậy thì "ẩm ương" sẽ dễ trầm cảm và tự kỷ.
"Tôi đã rơi đến tận cùng, đến ranh giới của sự sống, cái chết và không còn chuyện gì chưa từng trải qua. Tôi muốn cho Bôm những gì tốt đẹp nhất. Phẫu thuật thẩm mỹ xong, Bôm có khuôn mặt đẹp nữa là toại nguyện", Quốc Tuấn nói.
Bình luận