• Zalo

15 năm dạy trẻ khuyết tật và lỗi lầm day dứt của cô giáo Yên Bái

Giáo dụcThứ Sáu, 16/11/2018 06:51:00 +07:00Google News

15 năm dạy trẻ khuyết tật nhưng cô giáo Nguyễn Thị Ái Vân không quên được lỗi lầm với cậu học trò bị dị tật ở chân.

Lỗi lầm khiến cô Vân day dứt mãi

Sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ, cô giáo Nguyễn Thị Ái Vân học ngành Văn - Sử, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Tốt nghiệp năm 1998, cô được phân công về trường THCS xã Cảm Ân, Yên Bình, Yên Bái.

Tháng 10/2002, cô Vân được điều động về làm việc tại Trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái (nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái). 

IMG_0294

 Đến nay, cô Ái Vân có 15 năm dạy trẻ khuyết tật.

Những ngày đầu, nhiều lạ lẫm, bỡ ngỡ cô đều tháo gỡ và thích ứng dần. Cô khá bất ngờ mỗi khi học sinh chào "tao về, tao về đây". Nhìn thấy mỗi đứa trẻ với mỗi hoàn cảnh khác nhau, có em mồ côi, có em khuyết tật, có em xa nhà đều khiến cô xót xa. 

Cô Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, chăm sóc, dạy dỗ trẻ bình thường đã khó, với trẻ khuyết tật việc thấu hiểu được các em, dạy dỗ các em càng khó hơn rất nhiều. Tại đây cô có không ít kỷ niệm không thể nào quên, có cả những lỗi lầm khiến cô áy náy suốt nhiều năm trời.

Cô giáo Ái Vân kể, khi mới về trung tâm, giờ dạy đầu tiên của cô là môn Sinh học lớp 7. Khi đã vào lớp, một nam học sinh đến muộn với dạng vẻ khệnh khạng, mặt đỏ bừng. Lúc đó, cô khá bực mình và cho rằng em học sinh đó cố tình trêu chọc nên tiếng to và yêu cầu em đi nghiêm túc, thẳng người vào lớp.

Khi biết em đó có tật ở chân khiến việc đi lại rất khó khăn cô Vân rất ngượng ngùng. "Tôi vội xin lỗi em, nhưng cảm giác ngượng ngùng áy náy cứ đeo bám tôi nhiều ngày sau đó", cô Vân nói.

Càng ngẫm nghĩ, cô càng ân hận. Khi về đến phòng ở, cô mất nhiều đêm trăn trở nghĩ về em học sinh và phản ứng của mình. Nhưng sai lầm đó đã giúp cô mở rộng lòng mình, thấu hiểu các em hơn. Cô Vân mong giúp các em hòa đồng, vươn lên trong học tập và hướng cho các em tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

IMG_0317 6

 Có những kỷ niệm dạy trẻ khuyết tật khiến cô Vân nhớ mãi.

Cô Vân cho rằng, dạy trẻ khuyết tật không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự tận tâm và tình yêu từ trái tim của cô giáo. Khi cô yêu trò bằng trái tim mình thì mới hiểu và nắm bắt được tâm lý của trẻ, mới có phương pháp dạy phù hợp, giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng sống, tự tin vào bản thân, vượt qua mặc cảm của xã hội, sớm hòa nhập cộng đồng. 

15 năm gắn bó với trẻ khuyết tật

Suốt từ năm 2002 tới nay, cô Nguyễn Thị Ái Vân cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cô Vân cho biết, 18 năm giảng dạy, trong đó 15 năm dạy trẻ khuyết tật, điều làm cô hạnh phúc nhất chính là tình cảm chân thành nhất với những đứa trẻ.

IMG_0288 7

 Nếu chọn, cô Vân vẫn muốn được dạy trẻ em khuyết tật.

Cô Vân muốn nhắn nhủ tới những em học sinh rằng các hãy cố gắng vượt qua khó khăn, không tự ti và luôn biết vươn lên để sống sao cho ý nghĩa. Cô cũng hy vọng các cấp, Bộ, ngành quan tâm hơn đến học sinh khuyết tật để sau này các em có nghề nghiệp, có công việc để làm nuôi sống bản thân.

“Tôi chỉ muốn nói với các em rằng, dẫu trên đường đời còn lắm khó khăn, gập ghềnh nhưng được sinh ra là điều hạnh phúc. Vì vậy, các em hãy cố gắng sống sao cho thật ý nghĩa”, cô Ái Vân nói.

IMG_0331 9

Cô Ái Vân luôn ân cần với từng học sinh.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn