• Zalo

15 dự án năng lượng tái tạo được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính

Đầu TưChủ Nhật, 21/05/2023 10:17:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Công Thương vừa phê duyệt giá tạm tính cho 15 nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp, công suất 1.200 MW và đang hoàn thiện thủ tục, kỹ thuật để phát lên lưới.

Thống nhất giá tạm thời cho các dự án điện tái tạo

Trả lời VTC News sáng 21/5, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, giá tạm tính của các dự án được áp dụng cho tới khi EVN và các chủ đầu tư đạt được thỏa thuận giá chính thức.

"Giá tạm tính các dự án bằng 50% so với khung giá cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp của Bộ Công Thương. 15 dự án này đang hoàn tất hồ sơ để phát điện lên lưới", ông Hòa cho biết.

Theo khung giá điện của Bộ Công Thương, giá mua điện các dự án chuyển tiếp dao động 1.508-1.816 đồng một kWh, giá tạm tính của các dự án trên khoảng 754 - 908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Cũng theo ông Hoà, tính đến ngày 19/5/2023, trong số 37 hồ sơ đàm phán chủ đầu tư đã gửi EVN, có 15 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.200 MW đã được Bộ Công Thương thống nhất mức giá tạm thời (trong đó có 03 nhà máy điện mặt trời, 07 nhà máy điện gió trên đất liền và 05 nhà máy điện gió trên biển).

Bên cạnh đó, 06 nhà máy đã được Chủ đầu tư và EVN thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương trong tuần tới.

15 dự án năng lượng tái tạo được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính - 1

15 dự án năng lượng tái tạo được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính (Ảnh Bộ Công Thương).

Về phương pháp tính giá điện, đã có 24 Chủ đầu tư thống nhất áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương.

“Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực đàm phán của các Chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên tinh thần hài hòa lợi ích – chia sẻ rủi ro giữa các bên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; góp phần giảm căng thẳng cung ứng điện, tránh lãng phí nguồn lực xã hội và tài nguyên thiên nhiên”, ông Hoà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 48 nhà máy trong tổng số 85 nhà máy điện chuyển tiếp Chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ đàm phán đến EVN, 11 hồ sơ vẫn tiếp tục phải bổ sung và hoàn thiện. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.

“Đây là lúc các Chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thoả thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hoà cho biết.

Hoàn thiện các thủ tục pháp lý, sớm hòa lưới điện quốc gia

Theo ông Hoà, để có thể huy động các nhà máy điện nói chung và các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp nói riêng vào vận hành phát điện lên lưới quốc gia, dự án phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…

Trong lĩnh vực điện lực, theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi được đưa vào khai thác phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo thống kê, mới chỉ có 16/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực; 12 nhà máy đã được chủ đầu tư nộp hồ sơ và đang hoàn thiện hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.

15 dự án năng lượng tái tạo được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính - 2

Việc Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính đã phần nào tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt điện vào mùa cao điểm và cho các doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo (Ảnh Báo Đầu tư).

“Các nhà máy chuyển tiếp có hồ sơ trên Cổng dịch vụ công đã được Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra thực tế tại nhà máy để đảm bảo quyền lợi của các chủ đầu tư”, ông Hoà chia sẻ.

Từ số liệu về giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp nêu trên, ông Hoà nhận định, việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức.

“Một số chủ đầu tư cho biết, trước đây họ vẫn quan niệm cần phải thống nhất giá tạm/đàm phán được giá điện chính thức mới đủ điều kiện để nộp hồ sơ xin cấp phép; có Chủ đầu tư mặc dù nắm được quy định nhưng thừa nhận vẫn đủng đỉnh trong việc nộp hồ sơ cấp phép, “chờ” đến khi thống nhất được giá tạm mới đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ”, ông Hoà nói.

Theo hướng dẫn từ Bộ Công Thương, việc thoả thuận giá tạm thời và lập hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương cần được các chủ đầu tư thực hiện song song, khẩn trương tối đa, thực hiện đúng hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật.

Theo quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, các dự án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy hoạch phát triển điện lực; thiết kế và xây dựng các hạng mục công trình theo thiết kế được phê duyệt; kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định; đáp ứng điều kiện về nhân lực đối với đội ngũ quản lý kỹ thuật, vận hành…

Trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo đã được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương.

“Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để các chủ đầu tư nhanh chóng đưa các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của xã hội, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện quốc gia, rất cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp phối hợp với EVN, Bộ Công Thương trên tinh thần thượng tôn pháp luật”, ông Hoà nhấn mạnh.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn