15 chiến đấu cơ ‘khét tiếng’ nhất của Nga: Những thiết kế được nâng cấp

Tư liệuThứ Sáu, 04/08/2023 07:09:19 +07:00
(VTC News) -

Những chiến đấu cơ “huyền thoại” của quân đội Liên Xô/Nga đã và đang là những đối thủ nguy hiểm nhất của các loại máy bay chiến đấu phương Tây.

6. Su-30SM/SM2: số lượng 113 chiếc

Su-30SM là chiến đấu cơ do tập đoàn Irkut sản xuất cho Không quân Nga, đây là thiết kế nâng cấp trên cơ sở phiên bản xuất khẩu Su-30MKI cho Ấn Độ. Su-30SM bay lần đầu tiên vào ngày 21/9/2012. Máy bay được trang bị hệ thống radar và liên lạc tiên tiến, khả năng phân biệt bạn - thù được cải thiện, ghế phóng thoát hiểm được nâng cấp và khả năng tích hợp nhiều vũ khí mới.

So với Su-30MKI, Su-30SM thay thế hầu hết các linh kiện nước ngoài bằng các sản phẩm nội địa do Nga sản xuất, tuy nhiên nhiều linh kiện như hệ thống định vị và màn hình hiển thị thì vẫn phải nhập khẩu từ Pháp.

Su-30SM2 của Hải quân Nga.

Su-30SM2 của Hải quân Nga.

Su-30SM cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các khách hàng nước ngoài, trong đó Kazakhstan và Belarus là những đối tác hàng đầu. Ngoài ra Không quân Algeria cũng đặt mua một số lượng lớn Su-30MKA, một phiên bản tương tự Su-30SM. 

Su-30SM2 là phiên bản nâng cấp của Su-30SM, điểm khác biệt lớn nhất của chiếc máy bay này là được trang bị động cơ AL-41 tương tự như trên Su-35. Su-30SM2 được đưa vào biên chế từ tháng 1/2022 và toàn bộ phi đội dự kiến ​​sẽ được thay động cơ mới sau khi tuổi thọ của các động cơ AL-31 kết thúc. Động cơ AL-41 cung cấp khả năng vectơ lực đẩy ba chiều và cải thiện độ bền cũng như khả năng cơ động. 

7. Su-27SM2/SM3: số lượng 24 chiếc 

Su-27SM2.

Su-27SM2.

 

Su-27SM2 là phiên bản nâng cấp của Su-27S thế hệ đầu, được tích hợp một số công nghệ phát triển như Su-35. Còn Su-27SM3 là phiên bản cải tiến của Su-27SM với các giải phép kéo dài tuổi thọ.

Các chuyên gia cho rằng Su-27SM2 nâng cao gấp đôi khả năng chống mục tiêu trên không so với phiên bản tiền nhiệm Su-27S. Su-27SM2/SM3 có thiết kế khung thân chắc chắn hơn và trọng lượng cất cánh tăng hơn 3 tấn so với phiên bản Su-27 ban đầu.

Su-27SM2/SM3 còn được trang bị động cơ AL-31F-M1 mới, có lực đẩy tốt hơn, tuổi thọ cao hơn. Cabin máy bay được thiết kế với kính buồng lái mới và bên trong trang bị thêm 4 màn hình màu đa năng. Ngoài ra, máy bay còn được bổ sung radar Irbis-E tiên tiến tương tự như Su-35. 

12 chiếc Su-27SM3 được chuyển giao từ năm 2010-2011 và đây là chiếc máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không có năng lực nhất trong Không quân Nga vào thời điểm đó. Chiếc máy bay này được chế tạo từ việc tận dụng các bộ phụ kiện Su-27 dư thừa, trong quá trình lắp rắp để xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Su-30M2 của Không quân Nga.

Su-30M2 của Không quân Nga.

8. Su-30M2: số lượng 19 chiếc 

Su-30M2 là phiên bản nâng cấp từ Su-30MK2 của Không quân Nga, do Nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) chế tạo. Chiếc máy bay hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước lần đầu vào năm 2010.

Su-30M2 được coi là phiên bản Su-30 mạnh nhất hiện nay, máy bay được trang bị động cơ đẩy vec-tơ giống như Su-30MKI và radar Irbis-E giống như Su-35. Không quân Nga đã mua 19 chiếc Su-30M2 nhằm thay thế cho những chiếc Su-27UB đã cũ, chúng được dùng để huấn luyện phi công Su-35 và Su-30SM.

Đây cũng là những chiếc tiêm kích Su-30 cuối cùng được chế tạo tại  KnAAPO, trước khi nhà máy này chuyển sang sản xuất Su-35. Một số nguồn tin cho rằng, Quân đội Nga đặt hàng những chiếc Su-30M2 vào thời điểm đó, chủ yếu để ngăn cơ sở sản xuất này ngừng hoạt động. 

KnAAPO đã chế tạo những chiếc Su-30 để xuất khẩu trong gần 15 năm, bắt đầu với phiên bản Su-30MKK được đặt hàng bởi Trung Quốc vào năm 1997 và tiếp theo là chiếc Su-30MK2 được xuất khẩu cho nhiều quốc gia như Việt Nam, Venezuela, Indonesia... 

Chiến đấu cơ MiG-35

Chiến đấu cơ MiG-35

9. MiG-35: số lượng 6 chiếc 

MiG-35 là phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu hạng trung MiG-29, đây là chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ duy nhất được Không quân Nga thời hậu Xô viết đặt hàng sản xuất. 

Mặc dù kế hoạch sản xuất ban đầu dự kiến là 35 máy bay đã được công bố trước truyền thông nhiều lần, nhưng chỉ có 6 chiếc được bàn giao và có rất ít khả năng về những đợt giao hàng tiếp theo. Nguyên nhân là do Bộ Quốc phòng Nga đã lựa chọn các dòng chiến đấu cơ của Sukhoi, được coi là hiệu quả hơn về mặt chi phí. 

MiG-29 được phát triển trong Chiến tranh Lạnh và được triển khai ở các nước Trung và Đông Âu gần biên giới với NATO. Tuy nhiên sự sụp đổ của Hiệp ước Warsaw khiến lớp máy bay này mất dần vai trò trong biên chế của Quân đội Nga.

MiG-35 có liên quan chặt chẽ với phiên bản cải tiến MiG-29M, đây là chiếc máy bay phổ biến trên thị trường xuất khẩu. MiG-29M được trang bị radar mảng pha, sử dụng động cơ mới, tăng khả năng chứa nhiên liệu, được bổ sung hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và khả năng tích hợp vũ khí hiện đại. 

Kế thừa những tính năng tiên tiến của MiG-29M, phiên bản MiG-35 được nâng cấp với khả năng mang tên lửa lớn hơn và bổ sung radar AESA. Máy bay còn dự kiến được trang bị động cơ vectơ lực đẩy ba chiều, tuy nhiên kế hoạch này phải hủy bỏ để giảm chi phí. 

Tiêm kích MiG-29K của Hải quân Nga

Tiêm kích MiG-29K của Hải quân Nga

10. MiG-29KR/KUBR: số lượng 23 chiếc 

MiG-29KR là phiên bản chiến đấu cơ một chỗ ngồi của Hải quân Nga, trong khi MiG-29KUBR là biến thể máy bay huấn luyện có hai chỗ ngồi.

MiG-29KR/KUBR là những biến thể của MiG-29M được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay, Hải quân Nga đã mua dòng MiG-29K cho tàu sân bay duy nhất của mình là Đô đốc Kuznetsov, trong khi phía Ấn Độ cũng đặt mua số lượng lớn loại máy bay này cho lực lượng hải quân của mình. 

Mặc dù Hải quân Nga ban đầu ưa chuộng những chiếc Su-33 Flanker, vốn là một biến thể nâng cấp của Su-27, tuy nhiên chương trình MiG-29K đã được hồi sinh nhờ quyết định của Hải quân Ấn Độ.

Quốc gia Nam Á này đã mua lại tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của Hải quân Liên Xô vào năm 2004, trong khi tàu sân bay này sử dụng máy bay cất cánh thẳng đứng; do đó sàn tàu đã được tân trang lại với đường cất cánh và dây hãm để vận hành những chiếc MiG-29K. Một yếu tố có lợi cho MiG-29K hơn Su-33 trong quyết định của Ấn Độ là kích thước nhỏ gọn hơn, điều này càng hạn chế số lượng máy bay trên boong.

MiG-29K được đánh gia cao hơn rất nhiều so với những chiếc MiG-29 do Liên Xô chế tạo, từ vật liệu khung máy bay, hệ thống điện tử hàng không, động cơ và vũ khí đều được cải tiến, giúp máy bay có khả năng chiến đấu cao trong thế kỷ 21.

Lê Hưng(Military Watch)
Bình luận
vtcnews.vn