In The Mood For Love (Tâm trạng khi yêu - 2001): Đây là bộ phim kinh điển của điện ảnh Hong Kong, của đạo diễn Vương Gia Vệ với hai diễn viên chính Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc.
Những cảm xúc yêu đương mãnh liệt, không thể vượt qua rào cản xã hội và không thể giãi bày nhưng hai nhân vật chính trong phim để lại sự nuối tiếc đẹp đẽ cho khán giả. Tác phẩm của đạo diễn họ Vương luôn nằm trong top những phim tình cảm vĩ đại nhất mọi thời đại.
Lost in Translation (Lạc lối ở Tokyo - 2003): Phim kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của hai con người xa lạ, trên một đất nước xa lạ. Một người là ngôi sao điện ảnh hết thời (Bill Murry đóng) đang gặp “khủng hoảng tuổi trung niên”, một người là cô sinh viên (Scarlett Johansson đóng) vừa tốt nghiệp và vỡ mộng trước hôn nhân.
Ở một thành phố xa lạ, họ trở nên cô đơn, lạc lõng, và khao khát được sẻ chia tâm sự. Bộ phim của nữ đạo diễn Sofia Coppola giành giải "Kịch bản gốc xuất sắc nhất" tại Oscar, được đề cử Quả cầu vàng hạng mục phim truyện và diễn xuất.
The Notebook (Nhật ký tình yêu - 2004): Bộ phim chuyển thể của nhà văn Nicolas Parks được đánh giá là xuất sắc hơn bản gốc. Cũng như mọi câu chuyện tình yêu kinh điển khác, đôi tình nhân trẻ trong phim lần lượt trải qua bao khó khăn ngăn trở từ khoảng cách địa vị, sự phản đối của gia đình, sự xuất hiện của người thứ ba và căn bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ ở tuổi già).
Dù câu chuyện không mới mẻ nhưng tình yêu dưới sự thể hiện của Rachael Adams và Ryan Gosling vẫn có sức hấp dẫn không thể phủ nhận. Phim giành được giải Điện ảnh và Truyền hình của MTV cho Nụ hôn đẹp nhất trên màn ảnh.
Before Sunset (Trước lúc hoàng hôn - 2004): Phim được ra mắt 9 năm sau khi Before Sunrise khiến bao khán giả thổn thức trước cuộc chia tay giữa Jesse - một anh chàng người Mỹ và Celine - cô gái người Pháp xinh đẹp sau một ngày hẹn hò lãng mạn tại thành phố Vienna của nước Áo để lại trong lòng khán giả nhiều nuối tiếc.
Trong phần sau, Jesse và Celine gặp lại nhau tại Paris khi cả hai rất thành công trong lĩnh vực riêng, tuy nhiên họ đều thất bại trong chuyện tình cảm. Và lần gặp gỡ thứ hai này, Jesse chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn trước lúc hoàng hôn được gặp gỡ và trò chuyện với Celine.
Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và Định kiến - 2005): Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển của nữ văn sĩ Jane Austen, tái hiện thế giới của tầng lớp quý tộc ở Anh vào cuối thế kỷ 18. Phim có mô típ kinh điển, xoay quanh hai nhân vật chính là Darcy và Lizzie đều mang trên mình những ràng buộc về lòng “kiêu hãnh và định kiến” của giai cấp.
Một người vẫn kiêu hãnh, người còn lại thì định kiến và trải qua bao hiểu lầm, cuối cùng họ dần chuyển sự thù ghét nhau ban đầu thành tình yêu. Cả hai cùng nhau vượt qua những rào cản về giai cấp, định kiến của xã hội để tìm đến bên nhau. Phim giành được giải BAFTA cho đạo diễn và biên kịch xuất sắc nhất.
Brokeback Mountain (Chuyện tình sau núi - 2005): Luôn nằm trong danh sách những phim tình yêu gây xúc động nhất, phim là câu chuyện tình yêu nảy sinh giữa hai anh chàng cao bồi đồng tính Jack và Ennis. Họ gặp nhau vào mùa hè 1963 khi cả hai cùng được thuê trông coi đàn cừu ở một vùng núi cao.
20 năm sau khi gặp lại, cả hai đều có cuộc sống và gia đình, riêng tình cảm thầm kín giữa họ vẫn còn nguyên vẹn. Tác phẩm giành được giải Oscar hạng mục "Đạo diễn xuất sắc nhất" cho Lý An, cùng hàng loạt giải thưởng điện ảnh danh giá như BAFTA, Sư tử Vàng, Tinh thần độc lập.
Atonement (Chuộc lại lỗi lầm - 2007): Đây là bộ phim điển hình cho những mối tình bị chia cắt bởi thời chiến và giai cấp mang đến nhiều nước mắt nhưng luôn lãng mãn và tràn đầy chất thơ.
Khi cả hai nhân vật chính do James McAvoy và Keira Knightley thể hiện đều chết trong cảnh chia xa bởi lời nói dối của cô em gái thật sự là nỗi ám ảnh với khán giả. Phim nhận được giải thưởng Oscar cho nhạc phim và được đề cử ở cả hạng mục phim xuất sắc nhất.
Two Lovers (Hai người tình - 2008): Leonard (Joaquin Phoenix) chuyển về sống với bố mẹ sau mối tình tan vỡ. Nhưng sau đó, anh lại vướng vào mối tình tay ba với hai người con gái khác.
Một Sandra (Vinessa Shaw) ngọt ngào, được gia đình mai mối còn người khác là Michelle (Gwyneth Paltrow) xinh đẹp, thú vị và đầy mê hoặc. Phim là những dằn xé nội tâm của ba người trong chuyện tình éo le. Phim được đề cử giải César cho "Phim nước ngoài hay nhất".
(500) Days of Summer (2009): Chuyện phim kể về anh chàng Tom Hansen và 500 ngày ở bên cô gái xinh đẹp Summer Finn. Dù có khoảng thời gian thật hạnh phúc nhưng Tom và Summer vẫn chia tay vì tư tưởng khác biệt trong tình yêu.
Summer không tin vào tình yêu đích thực và hôn nhân, còn Tom thì ngược lại. Ngoài giải "Kịch bản gốc xuất sắc" của giải thưởng Tinh thần độc lập, phim cũng nhận đề cử "Phim ca nhạc/hài hước xuất sắc" ở Quả cầu vàng.
Blue Valentine (Lễ tình nhân buồn - 2010): Bộ phim lãng mạn với kết thúc buồn xoay quanh bế tắc của một cặp vợ chồng đang rơi vào điểm cuối của cuộc sống hôn nhân. Việc biết mối quan hệ sẽ kết thúc lại khiến cho hồi tưởng về những ngày hạnh phúc của họ có sức công phá mạnh mẽ hơn.
Họ nhận ra tình yêu không phải là mãi mãi nhưng đó là thứ tình cảm quý giá nhất. Bộ phim góp phần đem lại đề cử Oscar và Quả cầu vàng cho hai diễn viên chính là Ryan Gosling và Michelle Williams.
Amour (2012): Bộ phim lãng mạn của nước Pháp đơn giản kể lại cuộc sống của cặp vợ chồng lớn tuổi, Anne và Georges, trong một ngôi nhà ấm áp tại Paris. Đến một ngày, cơn đột quỵ khiến Anne bị liệt nửa người, mọi hoạt động đều trông cậy vào Georges, và một lần nữa họ phải trải qua những thử thách để rồi cuối cùng lại chứng minh tình yêu có thể vượt lên trên tất cả.
Amour giành giải "Cành cọ vàng" lại liên hoan phim Cannes, giải César và được đề cử Oscar cho phim xuất sắc nhất.
Silver Linings Playbook (Tình yêu tìm lại - 2012): Phim nói về hai con người cùng gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống vô tình tìm thấy nhau. Một người phải điều trị tâm lý 8 tháng sau khi chứng kiến vợ mình ngoại tình với đồng nghiệp.
Người còn lại là một góa phụ trẻ nghiện tình dục. Họ cùng trò chuyện, cùng giúp đỡ, suy nghĩ một cách tích cực về cuộc sống. Ranh giới tình bạn dần bị phá vỡ và hai người tìm thấy tình yêu đích thực. Phim đem về cho nữ diễn viên Jennifer Lawrence giải Oscar nữ chính xuất sắc nhất.
Her (2013): Bộ phim kể về người đàn ông yêu chính chiếc máy tính thông minh của mình. Tình yêu đó phi logic và kỳ lạ nhưng đẹp không khác gì một chuyện tình của hai con người thực sự. Đạo diễn gửi đến khán giả sự cô độc của con người giữa thời đại khi luôn muốn tìm kiếm tình yêu đích thực cho mình.
Cùng với giọng nói đầy biểu cảm của Scarlett Johansson, nam diễn viên Joaquin Phoenix có một màn độc diễn rất xuất sắc, chạm sâu vào cảm xúc người xem, mang đến sự thương cảm đầy âu yếm đối với nhân vật. Bộ phim đoạt giải Oscar cho "Kịch bản gốc xuất sắc nhất".
Carol (2015): Bộ phim có bối cảnh nước Mỹ trong thập niên 1950, khi xã hội vẫn còn mang nặng định kiến với người đồng tính. Phim kể về chuyện tình giữa người phụ nữ trung niên Carol Aird (Cate Blanchett) và cô gái bán hàng trẻ tuổi Therese Belivet (Rooney Mara). Đạo diễn Todd Haynes mang đến những xúc cảm lãng mạn, tinh tế, dịu dàng từ màu sắc cổ điển bao trùm toàn bộ phim.
Đó là những cái chạm tay nhẹ nhàng, ánh mắt mê hoặc, giọng nói đầy bản lĩnh của người phụ nữ quyến rũ và nụ cười ngây thơ của cô gái trẻ. Phim đem lại giải thưởng Nữ chính xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes cho Cate Blanchett và đề cử diễn xuất ở Oscar.
The Shape of Water (Người đẹp và Thuỷ quái - 2017): Phim sở hữu phần kịch bản chưa thực sự trọn vẹn nhưng vẫn tô vẽ được bức tranh tình yêu kỳ lạ nhưng đầy mãnh liệt giữa cô gái câm Elisa và chàng Người Cá.
Ở chàng Người Cá, Elisa tìm thấy những gì bản thân mong muốn là một người bạn câm lặng nhưng chân thành, chia sẻ từ quả trứng luộc cho tới niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là tâm hồn đồng điệu trong nỗi cô đơn đến cùng cực. Bộ phim giành được 13 đề cử Oscar năm nay trong đó có những hạng mục quan trọng như phim xuất sắc, đạo diễn, nữ chính.
Video: Trailer "50 sắc thái: Tự do" hé lộ loạt cảnh nóng
Bình luận