• Zalo

14 năm bất động, bao giờ dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt mới hoàn thành?

Kinh tếThứ Sáu, 19/04/2019 07:07:00 +07:00Google News

14 năm trôi qua, người dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn chưa có nhà để ở.

Theo các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án, thực tế họ chưa hề nhận được bất cứ phương án tái định cư cụ thể nào. Ngay cả khu nhà tái định cư CT5 của dự án, hiện chỉ có vài cọc bê tông thí nghiệm. Người dân hoang mang sau khi bị thu hồi đất sẽ không biết tái định cư ở đâu.

Người dân cho rằng, kể từ khi có quyết định thu hồi đất lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng đến nay, dự án treo 14 năm. Việc này khiến hàng trăm hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án như: Không được nhập hộ khẩu về phường, trẻ em phải học trái tuyến,... 

Trao đổi với PV, chị Thảo, một người dân cho biết: “Dân ở đây sống quá khổ. Bao nhiêu năm đằng đẵng trôi qua chúng tôi chưa nhận được phương án đền bù thoả đáng, cũng không thấy được căn nhà tái định cư nào được xây dựng cả. Nhà cửa hiện tại thì lụp xụp, xuống cấp nhưng nhất quyết không được tu sửa vì giải phóng mặt bằng”.

thinh-liet

 Khu đô thị Thịnh Liệt bỏ hoang nhiều năm nay.

Là một trong những hộ dân chấp hành nghiêm chỉnh việc bàn giao mặt bằng cho dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội do Tổng công ty Licogi làm chủ đầu tư, bà Mùi không khỏi xót xa khi việc chấp hành nghiêm túc này lại đẩy cả gia đình vào cảnh sống thuê mướn tạm bợ trong suốt 10 năm qua, chỉ để chờ đợi chủ đầu tư bàn giao nhà tái định cư theo cam kết. 

"Chính quyền rất thờ ơ với chúng tôi và đang đứng về phía Licogi. Chúng tôi hiện tại không biết kêu ai, báo cáo với ai. Bởi mười mấy năm qua, chẳng ai quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi như thế nào” - bà Mùi nói.

Lo lắng, nhiều hộ dân cho biết, họ không muốn bàn giao đất cho chủ đầu tư dự án này vì sợ rơi vào cảnh tương tự như gia đình bà Mùi. Đó là chưa kể, bất công ở chỗ, nhiều gia đình nhận đền bù với giá từ chục năm nay chỉ có vài trăm triệu đồng nhưng giờ một căn hộ tái định cư rẻ nhất cũng trên 1 tỷ đồng, nghĩa là cơ hội có nhà để ở với các hộ mất đất là không thể.

Ông Thái Ngọc Sinh cho biết, đại diện các hộ dân đã gửi đơn thư khiếu nại tới chính quyền cấp quận, Thành phố, Trung ương rất nhiều lần nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. “Chúng tôi đã ở đây hơn 20 năm, giờ gia đình đã thành ba thế hệ nhưng dự án vẫn trong tình trạng bỏ hoang. Dự án cứ tiếp tục gia hạn như vậy thì những người dân như chúng tôi phải chờ đợi đến bao giờ?” - ông Thái Ngọc Sinh bức xúc nói.

Được biết, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 4930 năm 2004 của UBND TP Hà Nội, thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi (Bộ Xây dựng) tổ chức điều tra lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án.

Do khó khăn về tài chính, Licogi đã thế chấp dự án tại ngân hàng, vay số tiền gần 350 tỷ đồng để phát triển dự án này. Dự án đã đền bù xong giai đoạn 1 được trên 27 ha nhưng vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước.

Liên quan đến việc chậm triển khai dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Hiếu - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, dự án này được triển khai từ 2006, với tổng diện tích đất hơn 351.618 m2 thuộc 3 phường Thịnh Liệt, Tương Mai và Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai).

Trong giai đoạn đầu, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án rất cầm chừng vì nhiều nguyên nhân. Tới năm 2015, tốc độ GPMB mới bắt đầu có tiến triển. Dù vậy, tới nay, công tác GPMB giai đoạn I còn tồn tại khoảng 3.253 m2 (khoảng 30 hộ gia đình). UBND quận sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động; tập trung hoàn thành GPMB diện tích còn lại trong quý II/2019.

Sau khi có mặt bằng sạch, quận mới báo cáo để thành phố giao các sở ngành liên quan thực hiện các khâu tiếp theo như cắm mốc giới, thu hồi đất, xác định nghĩa vụ tài chính của dự án… theo quy trình thì chủ đầu tư mới có cơ sở để nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước.

 Trước mắt, quận sẽ thống nhất với chủ đầu tư trong tháng 4/2019, chủ đầu tư phải phê duyệt và chi trả số tiền tạm cư năm 2016 còn nợ cho các hộ dân còn lại. Đồng thời, phải phê duyệt tiền tạm cư 2019 cho các hộ dân.

Về thông tin bố trí nhà tái định cư cho dự án, UBND quận Hoàng Mai cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, quận đã yêu cầu chủ đầu tư sắp xếp, bố trí quỹ nhà thương mại phục vụ tái định cư cho các hộ có nhu cầu, không chờ tái định cư tại chỗ.

Theo đó, tháng 7/2017, chủ đầu tư đã đặt hàng mua 50 căn hộ thương mại tại dự án Valencia Garden - Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên) để bố trí tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất tại dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Sở Xây dựng Hà Nội đã phê duyệt giá bán các căn hộ chung cư tái định cư theo từng thời điểm.

Trong giai đoạn đầu của dự án, có 30 hộ dân được bố trí tái định cư tại đây. Dù vậy, sau đó, có 29 hộ có đơn đề nghị được nhận tiền hỗ trợ tái định cư một lần theo quy định tại Quyết định số 47/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Mức hỗ trợ cụ thể là 6,8 triệu đồng/m2 nhân với diện tích căn hộ bốc thăm được. 29 trường hợp này sau đó đã bốc thăm căn hộ và chủ đầu tư đã thực hiện chi trả theo phương án đã được Quận phê duyệt.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn