Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 1.154 vụ cháy (1.071 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông; 83 vụ cháy rừng), làm chết 53 người, bị thương 77 người, tài sản thiệt hại ước tính 288,76 tỷ đồng và 3.146,80 ha rừng.
So với 6 tháng đầu năm 2020, số vụ cháy giảm 336 vụ, tăng 11 người chết, giảm 9 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính giảm 47,89 tỷ đồng.
Cả nước xảy ra 14 vụ nổ, làm 6 người chết, bị thương 11 người. So với 6 tháng đầu năm 2020, số vụ nổ giảm 5 vụ, số người chết không tăng không giảm, giảm 14 người bị thương.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn trực tiếp tham gia cứu nạn cứu hộ 512 vụ; tổ chức cứu được 196 người và tìm được 283 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Cảnh sát trực tiếp cứu được 56 người bị nạn và hướng dẫn 218 người bị kẹt trong đám cháy thoát ra ngoài.
Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện 1.363 vụ (chiếm 43,25%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng lửa, nhiệt 401 vụ (chiếm 12,73%); do sự cố kỹ thuật 32 vụ (chiếm 1,02%); do vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy 11 vụ (chiếm 0,35%).
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 26 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản. Cháy lớn tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như cơ sở sản xuất chế biến gỗ, dệt may, sản xuất bao bì, mút xốp, cơ sở sản xuất giấy, kho tàng.
Thời điểm xảy ra các vụ cháy lớn chủ yếu xảy ra vào ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc, đây là thời điểm các cơ sở giao ca hoặc ngừng sản xuất, ít người thường trực dẫn đến việc phát hiện, báo cháy và chữa cháy không kịp thời.
Thời gian tới, trước tình hình nắng nóng kéo dài, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không câu móc điện tùy tiện; không để hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần các thiết bị điện sinh nhiệt.
Người dân cần thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng; khi sử dụng thiết bị sinh nhiệt như bàn là, bếp điện phải có người trông coi.
Người dân cần ngắt nguồn và các thiết bị điện khi không sử dụng. Khi cải tạo, lắp mới hệ thống điện, người dân phải lựa chọn dây dẫn có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; phải có thiết bị tự ngắt khi chập mạch, quá tải.
Bình luận