122 trường hợp dương tính với bạch hầu ở Tây Nguyên

Tin tứcChủ Nhật, 26/07/2020 20:37:00 +07:00
(VTC News) -

Tính đến nay (26/7), Tây Nguyên ghi nhận 122 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp đã qua đời (2 Đắk Nông, 1 Gia Lai).

Tại Gia Lai, ngày 26/7, ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại làng Đê Klanh (xã Đắk Krong, huyện Đắk Đoa), nâng tổng số ca dương tính tại tỉnh này lên 28 ca (1 ca qua đời), và 7 ổ dịch ở các huyện Đắk Đoa và Ia Grai.

122 trường hợp dương tính với bạch hầu ở Tây Nguyên - 1

Ngành Y tế Đắk Nông thức trắng đêm để kiểm soát bệnh bạch hầu

Trước đó, ngày 24/7, Gia Lai ghi nhận 2 trường hợp dương tính là Ksor T. (10 tuổi, trú làng Blo Dung, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) và T. (14 tuổi, trú làng Kồ, xã Trang, huyện Đắk Đoa).

Hiện các bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai và Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa với tình hình sức khoẻ ổn định.

Ngay sau khi phát hiện các trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, ngành Y tế tỉnh Gia Lai nhanh chóng triển khai cấp bách các phương án phòng chống dịch; phun khử khuẩn môi trường, tiêu độc khử trùng các hộ gia đình sinh sống quanh khu vực phát hiện có dịch; cấp phát thuốc điều trị dự phòng, khám sàng lọc cho người dân.

Tại Đắk Lắk, đến chiều 26/7, tỉnh này ghi nhận 24 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Mới đây nhất là ngày 24/7, tại buôn Ea Uôl (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), phát hiện một trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu là bé trai tám tuổi, người dân tộc H’Mông.

122 trường hợp dương tính với bạch hầu ở Tây Nguyên - 2

Bác sĩ ở Đắk Nông lặn lội vào vùng sâu để tiêm chủng bạch hầu cho người dân.

Như vậy, tính đến thời điểm này, bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại 09 xã thuộc các huyện của tỉnh Đắk Lắk, cụ thể, huyện Krông Bông: 08 ca, M’Đrắk: 06 ca, Cư M’gar: 06 ca, Lắk: 03 ca; Cư Kuin: 01 ca.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo cơ quan chức năng tạo nhóm các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu, Sốt xuất huyết trên Zalo, có tên “Bạch hầu - Sốt xuất huyết”.

Các thành viên Ban chỉ đạo tham gia vào nhóm Zalo này để cập nhật thông tin, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người theo nhiệm vụ được phân công.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến dịch bệnh cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người trên địa bàn tỉnh; cập nhật hướng dẫn, cung cấp các thông điệp truyền thông, panô, tờ rơi... lên nhóm Zalo.

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thường xuyên theo dõi, kịp thời thông tin, báo cáo, xử lý tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

Tại Đắk Nông, tính đến hết ngày 24/7, số ca bệnh dương tính với bệnh bạch hầu trên toàn tỉnh tăng lên 37 ca, với 10 ổ dịch ở 4/8 huyện, thành phố của tỉnh, dẫn đầu các tỉnh Tây Nguyên về số ca bệnh và số người chết vì bạch hầu.

Cụ thể, huyện Krông Nô: 11 ca, Đắk Glong: 17 ca, Đắk R’lấp: 03 ca và Tuy Đức: 05 ca. Trong tổng số 36 ca, có hai ca tử vong, 24 ca đã xuất viện, 10 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.

Trong khi đó, tại Kon Tum, tính đến nay toàn tỉnh ghi nhận 33 trường hợp dương tính với bạch hầu.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên, ngành Y tế đã điều trị kháng sinh dự phòng đủ liệu trình 7 ngày cho 4.123 người tiếp xúc gần, có nguy cơ cao.

Đồng thời, tiêm vaccine dự phòng bạch hầu cho 18.945 người thuộc nhóm từ 49 tháng tuổi trở lên có nguy cơ cao; lấy 1.221 mẫu xét nghiệm và phun hóa chất khử khuẩn tại các ổ dịch.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn