• Zalo

12 hiểu lầm về nguyên nhân gây ung thư vú nhiều chị em mắc phải

Sức khỏeThứ Ba, 02/08/2016 07:05:00 +07:00Google News

Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ đe doạ nhiều chị em phụ nữ, nỗi sợ hãi căn bệnh này khiến nhiều chị em hiểu lầm về các nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh, chăm sóc sức khoẻ...

1. Mặc áo ngực có gọng gây ung thư vú

Nguyên nhân của sự hiểu lầm này là do có một giả thiết từ rất lâu, cho rằng áo ngực có gọng sẽ làm giảm sự dẫn lưu bạch huyết, do đó làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, giả thuyết này hoàn toàn không dựa trên bất cứ bằng chứng khoa học nào cả. Cho đến nay, chỉ có một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention vào tháng 9 năm 2014 là nghiên cứu đầu tiên xem xét nghiêm túc việc mặc áo ngực có gọng có làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh hay không.

Trong số tất cả các yếu tố mà các nhà nghiên cứu đưa ra, thì các loại áo ngực (bao gồm cả áo ngực có gọng), cũng như thời gian mặc áo ngực một ngày và trong cả đời không có liên quan gì đến việc tăng nguy cơ ung thư vú. Vì vậy, bạn hãy yên tâm để “làm đẹp” cho bộ ngực của mình bằng áo ngực, cho dù đó là áo ngực có gọng hay bất cứ loại áo ngực nào khác, cũng sẽ không ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú của bạn.

Empty

Áo ngực không liên quan đến khả năng mắc ung thư vú 

2. Các sản phẩm ngăn mồ hôi gây ung thư vú

Chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra mối liên quan giữa các sản phẩm ngăn tiết mồ hôi và ung thư vú. Có 2 yếu tố dẫn đến sự hiểu lầm này, đó là:

Paraben: Loại chất hóa học có tác dụng bảo quản này thường được sử dụng trong một số loại sản phẩm ngăn tiết mồ hôi và một số loại mỹ phẩm khác. Paraben có thể làm tăng lượng estrogen, và tăng estrogen thì có thể liên quan đến nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, chưa có một mối liên kết rõ ràng về việc này. Nếu bạn lo ngại về các sản phẩm ngăn tiết mồ hôi, hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm, kiểm tra các thành phần như methylparaben, propylparaben, butylparaben, hoặc benzylparaben. Tuy nhiên, đa số các hãng hiện nay đã không còn sử dụng loại thành phần này nữa.

Chất sử dụng khi chụp X quang tuyến vú: Một số sản phẩm ngăn tiết mồ hôi có chứa nhôm, và nhôm có thể sẽ khiến kết quả chụp X quang tuyến vú trở thành dương tính giả. Một điều rất quan trọng mà tất cả phụ nữ nên biết, đó là khi đi chụp X quang tuyến vú, họ không nên sử dụng các chất ngăn tiết mồ hôi, bác sỹ McGuire đưa ra lời khuyên.

Nhìn chung, Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ không hạn chế sử dụng các sản phẩm ngăn tiết mồ hôi, nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm sáng tỏ vấn đề này.

3. Chất phóng xạ sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc ung thư vú gây ung thư vú

Mặc dù việc chụp X quang tuyến vú có thể khiến bạn sẽ phải tiếp xúc với một lượng nhỏ chất phóng xạ, nhưng liều chất phóng xạ sử dụng khi chụp X quang tuyến vú nhỏ hơn rất nhiều so với khi chụp X quang ngực thông thường.

Do vậy, nên lượng chất phóng xạ này không đủ để làm tăng nguy cơ ung thư vú của bạn. Phụ nữ cũng nên biết rằng, chụp cộng hưởng từ MRI và siêu âm cũng có thể được sử dụng để sàng lọc ung thư vú, và 2 biện pháp này không chứa bất kỳ loại chất phóng xạ nào.

xquang-vu-2

 

4. Tiếp xúc với không khí là nguyên nhân khiến ung thư lan rộng

Đây lại là một hiểu lầm khác thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú: cắt khối u và để khối u tiếp xúc với không khí sẽ làm tình trạng ung thư lan rộng. Người bệnh thường lo lắng về việc khả năng ung thư sẽ lan rộng (di căn) nhưng việc di căn không phải là do cắt khối u, sinh thiết khối u hay loại bỏ khối u.

5. Bạn phải có tiền sử gia đình bị ung thư vú thì mới bị mắc ung thư

Những phụ nữ không có tiền sử gia đình bị ung thư vú thường rất bất ngờ khi biết rằng mình bị ung thư vú. Tiền sử gia đình là một yếu tố nguy cơ của ung thư vú, nhưng đó không phải là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú duy nhất. Chỉ có khoảng 10% số ca ung thư vú có tiền sử gia đình cũng bị ung thư vú.

6. Bạn không thể làm gì nếu nguy cơ là do di truyền

Gia đình bạn có người (hoặc nhiều người) đã từng bị ung thư vú là một yếu tố nguy cơ, nhưng điều đó không có nghĩa là, chắc chắn bạn sẽ bị ung thư vú nếu có người nhà cũng bị bệnh. Sàng lọc di truyền có thể giúp bạn hiểu được nguy cơ di truyền và cho phép bạn đưa ra lựa chọn về chăm sóc trong tương lai.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, một chế độ ăn ít chất béo cùng với việc thường xuyên luyện tập thể thao và tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Do vậy, nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư vú, bạn có thể làm được rất nhiều điều để giảm nguy cơ ung thư của mình.

2wdbz_avoc

 

7. Ung thư vú chỉ xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi

Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ của ung thư vú, do vậy, càng lớn tuổi, nguy cơ ung thư của bạn càng cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phụ nữ trẻ thì sẽ không bị ung thư. Ung thư vú có thể được chẩn đoán ở bất kỳ độ tuổi nào. Và nếu phụ nữ trẻ bị ung thư vú, thì thậm chí bệnh còn có thể nặng hơn.

8. Phẫu thuật thẩm mỹ gây ung thư vú

Một tin tốt cho những phụ nữ muốn phẫu thuật nâng ngực hay bơm ngực là không có mối liên quan nào giữa việc phẫu thuật thẩm mỹ ở ngực và việc tăng nguy cơ ung thư vú.

Việc phẫu thuật có thể sẽ làm cho việc chụp X quang tuyến vú gặp nhiều khó khăn hơn nhưng sẽ không làm tăng nguy cơ ung thư của bạn. Những phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ ngực thậm chí sẽ có nguy cơ ung thư vú thấp hơn. Tùy thuộc vào lượng ngực bị cắt bỏ, mà nguy cơ ung thư vú có thể giảm khoảng 60%.

 

9. Cắt bỏ cả 2 bên ngực sẽ dự phòng được nguy cơ ung thư vú tái phát

Cắt bỏ bên ngực không bị ung thư vú có thể làm giảm nguy cơ ung thư tại bên ngực đó. Nhưng cắt bỏ bên ngực đã bị ung thư thì bạn vẫn có thể có 3-4% nguy cơ bị ung thư vú tái phát tại chính bên ngực đã từng bị ung thư. Tỷ lệ tái phát sẽ phụ thuộc vào bên ngực đầu tiên bị ung thư, chứ không phụ thuộc vào việc loại bỏ thêm các mô tuyến vú.

10. Chụp X quang tuyến vú không phải chính xác hoàn toàn, do vậy, không chụp cũng không sao

Các tranh cãi gần đây xung quanh thời điểm thích hợp để chụp X quang tuyến vú là quanh tuổi 40 hay quanh tuổi 50. Cũng chính vì những tranh cãi này mà nhiều phụ nữ nghĩ rằng, xét nghiệm sàng lọc này không còn đáng tin cậy nữa.

Tuy nhiên, phụ nữ trẻ tuổi thường có mô tuyến vú dày đặc hơn phụ nữ lớn tuổi, là những người có nhiều mô mỡ ở vú hơn. Mà theo các bác sỹ, mô tuyến vú càng dày đặc, thì kết quả chụp X quang tuyến vú càng kém chính xác. Nhưng dù sao, có chụp vẫn hơn không. Điều duy nhất đã được chứng minh đó là việc chụp X quang tuyến vú có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú.

1353721980-ung-thu1

 

11. Tự kiểm tra vú là không cần thiết

Thực ra, các nghiên cứu chính thức chưa đưa ra kết luận về câu hỏi này. Đa số những phụ nữ đến khám tuyến vú tại các phòng khám đều chưa bao giờ tự kiểm tra vú của mình cả. Mà chuyện này thì không mất gì – không mất chi phí, và lại rất dễ thực hiện. Kiểm tra vú sẽ giúp bạn làm quen với hình dạng vú của mình, từ đó có thể phát hiện sớm bất kỳ thay đổi nào xảy ra với vú.

12. Nạo phá thai và sảy thai làm tăng nguy cơ ung thư vú

Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy sinh con trước tuổi 30 có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, nhưng chưa có bằng chứng nào ủng hộ quan điểm rằng, đình chỉ thai nghén sớm, do sảy thai hoặc nạo phá thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Video: Phát hiện mắc ung thư vú nhờ cái ôm của chồng

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn