• Zalo

12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện được giải cứu thế nào?

Thời sựThứ Bảy, 20/12/2014 07:22:00 +07:00Google News

12 công nhân được lực lượng cứu hộ giải cứu như thế nào sau 4 ngày đêm bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng

(VTC News) – 12 công nhân được lực lượng cứu hộ giải cứu như thế nào sau 4 ngày đêm bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Điều kỳ diệu đến từ tia sáng điện

Ngày thứ 4 tại hiện trường sập hầm thủy điện Đạ Dâng, số lượng người tham gia cứu hộ lên tới 700 người, hơn 200 người so với 3 ngày trước.

Ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn xác định, trong đêm nay đến rạng sáng 20/12, phải dốc toàn lực khoan thông hầm đưa 12 công nhân ra ngoài. Nếu chậm trễ tính mạng của những người mắc kẹt sẽ rất nguy hiểm.
Những công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng được lực lượng công binh đưa ra ngoài 

Trên nóc hầm nhiều mũi khoan được khoan liên tục để sớm vận chuyển đồ áo, mền, lương thực xuống cho nạn nhân. Hai hầm thoát hiểm ngách bên trái và phải, nhóm công nhân và công binh cật lực đào bới từng mét đất thông đến khu vực công nhân đang mắc kẹt.

Đến 16h30 chiều 19/12, lực lượng công binh đang nỗ lực đào hầm thoát hiểm ngách bên trái được hơn 14m (dự tính 30m) thì bỗng thấy có ánh sáng bóng điện từ bên trong. Nhóm công binh đánh tay sang đào lỗ có ánh sáng thì bất ngờ một mảng đất khổng lồ đổ ập xuống.

Phía trong hầm, 12 con người đang ngồi ro co vì lạnh cóng bỗng òa lên sung sướng: “Chúng tôi được cứu rồi”. Nhóm công binh như không tin vào mắt mình, phải trần tĩnh một hồi lâu họ mới gọi điện báo cáo cho chỉ huy.

Người đầu tiền được đưa ra khỏi hầm bằng cáng là nam công nhân Phạm Viết Nam (quê Nghệ An). Anh Nam trong tình trạng kiệt sức đã bật khóc khi thấy người thân từ phía trước hầm chạy đến ôm chặt vào anh. 
Người thân các nạn nhân vỡ òa liên tục gọi điện về quê thông báo tin vui cho gia đình

11 công nhân còn lại được dìu đi từng bước ra bên ngoài trong tiếng vỗ tay, hoan hô của hàng trăm người chứng kiến. Chị Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, quê tỉnh Nghệ An) vừa bước ra khỏi hầm đã ngất xỉu, lập tức được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. 

Người sau cùng đi ra là ông Phan Xuân Đăng (quê Vĩnh Phúc) – công nhân lớn tuổi nhất trong nhóm công nhân gặp nạn. Tất cả những nạn nhân nam được đưa đến lán trại y tế sơ cứu bước đầu trước khi chuyển lên bệnh viện. 

Tận mắt chứng kiến cuộc giải cứu 12 công nhân mắc kẹt thần kỳ, bí thư Tỉnh Ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến ôm chầm lấy lực lượng cứu hộ nói lớn: "Không có niềm vui nào lớn hơn khi 12 công nhân được cứu thoát…”.

Niềm vui của lực lượng công binh

Kể lại phút giây đầu tiên tiếp cận với nhóm công nhân trong hầm, binh nhất Hoàng Văn Thảo (chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 293, Bộ Tư lệnh Công binh) không giấu được niềm xúc động. Khi mảng tường được đào sập, chiến sĩ trẻ này đã hét lên: “Họ đây rồi!”. 
Lực lượng cứu hộ dù đã kiệt sức vẫn nỗ lực cõng nạn nhân từ trong hầm ra ngoài an toàn 

“Tôi thấy ánh đèn bên trong rọi vào tường liền lái tay đào vào thì bất ngờ mảng đất đổ sập, những người mắc kẹt đang ngồi co ro vì lạnh. Tôi kịp thời báo cáo chỉ huy chỉ đạo anh em đưa tất cả những người mắc kẹt ra khỏi hầm. Tôi đã bật khóc, có lẽ đây là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời tôi”, binh nhất Thảo xúc động.

Trong niềm vui khôn tả, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó tổng tham mưu trưởng Binh chủng Công binh Bộ quốc phòng, chỉ huy cao nhất lực lượng công tác cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng đã chia sẻ về những quyết định mang tính bước ngoặt.

Đó là buổi họp bàn với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các chỉ huy cứu nạn cứu hộ vào ngày 18/12, binh chủng công binh đã mạnh dạn đề cập đến phương án mới là đào ngách hầm thoát hiểm bên trái để tiếp cận nạn nhân. 

Thấy phương án khả thi, Phó Thủ tướng quyết định giao quyền chỉ huy tại hiện trường cho lực lượng công binh của quân đội – tiếp tục đào hầm thoát hiểm bên trái song song với hầm bên phải do nhóm công nhân Than – Khoáng sản Việt Nam thi công.

Video: Lực lượng cứu hộ giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng ra ngoài


Trong ngày 19/12, thêm 50 chiến sĩ công binh có kinh nghiệm được điều động đến hiện trường đào hầm. Với tốc độ đào 1m/giờ được coi là kỷ lục trong điều kiện thời tiết và địa chất không thuận lợi tại hầm thủy điện Đạ Dâng. 

Với nỗ lực phi thường, sau 24h đào hầm, cuối cùng các công binh đã giải cứu được nhóm công nhân bị mắc kẹt ra ngoài an toàn.

Theo đại tá Hùng, đây là chiến công của toàn lực lượng tham gia cứu hộ đã nỗ lực hết mình để giải cứu 12 công nhân mắc kẹt 4 ngày đêm trong hầm thủy điện Đạ Dâng.

“Chiến công này lực lượng công binh đã lập được nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam”, ông Hùng nói. 

Sỹ Hưng
Bình luận
vtcnews.vn