• Zalo

116 ngày trước World Cup: Nam Phi vẫy gọi

Tổng hợpThứ Sáu, 19/02/2010 10:44:00 +07:00Google News

Từ nay đến ngày World Cup khai mạc (11/6) còn đúng 116 ngày và thế giới đã hướng về Nam Phi, trái tim của bóng đá trong những ngày tháng 6, tháng 7.

Từ nay đến ngày World Cup khai mạc (11/6) ở Johannesburg còn đúng 116 ngày và thế giới đã hướng về Nam Phi, trái tim của bóng đá trong những ngày tháng 6, tháng 7.

“Đến” - hiểu theo nghĩa rộng. Có thể đi rồi đến. Có thể không đi mà vẫn đến, đến qua các phương tiện truyền thông. Nhưng dù bằng cách nào, Nam Phi vẫn là đích đến của rất nhiều người vào năm 2010, năm của World Cup.

Không phải tin tức nào cũng lạc quan

Theo thông lệ, từ thời ông Blatter, cứ đúng một năm trước World Cup là tổ chức Confed Cup (Cúp liên lục địa) tại nước đăng cai, để thử thách, để thăm dò, để giới thiệu, để kiểm tra… Hay nói khác đi, người ta gọi đó là cuộc tổng diễn tập. Cuộc tổng diễn tập ở Nam Phi năm 2009 đã không chỉ mang lại những tin tức tốt lành. Thậm chí người ta còn lo ngại rằng, lễ hội quy mô, hoành tránh nhất toàn cầu sẽ là một nhiệm vụ quá sức của Nam Phi.

Nam Phi đã chuẩn bị tốt cho World Cup 2010. 

World Cup sẽ diễn ra trên 10 SVĐ, 9 trong số đó là xây mới hay được sửa chữa một cách căn bản. Thế nhưng, tiến độ của công việc xây dựng luôn bị trì hoãn, nay thì do máy móc, mai thì do tiền bạc, rồi tới chuyện bãi công đòi chế độ của công nhân. Các phương tiện giao thông công cộng tổ chức kém và thiếu về số lượng, không ít lần gây nên hỗn loạn. Số khách sạn ít ỏi, dịch vụ không đáp ứng chuẩn quốc tế. Người ta băn khoăn, với dự kiến 450.000 khách du lịch đến Nam Phi vào mùa hè 2010, những khó khăn này sẽ được giải quyết thế nào?

Mặt khác, thời tiết Nam Phi có thể trở thành một gánh nặng với du khách. Tháng 6/2010 là mùa đông ở xứ sở này. Ban ngày, nhiệt độ có thể lên tới 20- 25 độ, còn buổi tối trời sẽ khá lạnh, khoảng 5 độ hoặc thấp hơn thế nữa. Không chỉ nhiệt độ, cái rét căm căm sẽ được nhân lên vài lần vì gió thổi. Đi du lịch, đi chơi, đi xem bóng đá mà lại phải mang đủ thứ cồng kềnh của đồ ấm mùa đông thật không dễ chịu.

Nhưng tệ hơn cả là những thông tin về sự an toàn. Những con số sẽ làm kinh hoảng không ít người. Nam Phi là nơi ít có sự tôn trọng đối với phụ nữ. Cứ 4 đàn ông thì có 1 người đã từng cưỡng bức phụ nữ trong quan hệ tình dục. Tệ hơn cả, là xã hội nhiều khi không lên án hành động ấy. Theo thống kê chính thức, mỗi năm ở đây có tới 55.000 vụ hiếp dâm, ấy là không kể nhiều vụ chưa bị đem ra ánh sáng. Tại Johannesburg, quận nghèo Township với 700 000 người da đen sống chỉ trên 7,8 km vuông, trong đó có tới 60 % cư dân thất nghiệp, con số tội phạm lên tới mức kỷ lục: trung bình trong mỗi ngày có 6 vụ giết người. Thế nên không phải lạ lùng gì, khi đoàn bóng đá Đức quyết định thực hiện chế độ cận vệ cho các thành viên, ngoài ra cấp cho mỗi người một áo vét chống đạn.

Mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp

Giới quan sát đã rất ngạc nhiên, vì ngay trong thời gian diễn ra Confed Cup, mọi sự cứ như tốt lên từng ngày. Người Nam Phi tỏ ra có phản ứng rất nhanh, vừa biết lắng nghe, vừa rất quyết tâm tổ chức một lễ hội vượt ngoài tầm sức tưởng tượng của cả thế giới. Thứ trưởng Bộ nội vụ Mbalula khẳng định: “Sẽ không còn bất cứ vùng đất nào không an toàn trong đi lại”, còn thay mặt Ban tổ chức, ông Danny Jordaan tuyên bố: “Không thiếu khiêm tốn một chút nào, chúng tôi có thể khẳng định World Cup Nam Phi 2010 sẽ là một World Cup tốt nhất, an toàn nhất và vĩ đại nhất trong mọi thời đại”.

Công tác chuẩn bị đang gấp rút được hoàn tất. 

Ngày đầu của Confed Cup, khán đài vắng hiu hắt. Ban tổ chức quyết định tặng vé miễn phí cho khán giả vào sân. Thế là không khí khán đài lập tức thay đổi. Và thế giới lập tức kinh ngạc với tiếng kèn Vuvuzela. Người châu Âu xem truyền hình trực tiếp, đã thấy e ngại tiếng kèn như xé toáng bầu không khí nóng nực, vượt lên trên mọi tiếng reo hò trên khán đài. Đến nỗi họ sợ cho cầu thủ đội nhà, không chịu nổi áp lực do tiếng kèn quá dữ dội ấy mang lại.

Có phóng viên đã từ bỏ sân cỏ, để đến xem bóng đá cùng dân nghèo da đen trong những quán ăn tồi tàn, những căn lều chật chội. Họ không còn cảm giác e ngại hay thậm chí lo sợ, mà trực tiếp cảm nhận bầu không khí ấm áp một cách đặc biệt bởi các fans ở đây. Phóng viên T. Rumpf của tờ Sport Bild (Đức) tuyên bố: ”Chỗ này chẳng kém an toàn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới”. Một người dân địa phương tên là Senanela thổ lộ:”Các bạn thấy đấy, chúng tôi đâu có gì khác những người ở châu Âu? Chúng tôi sẽ rất vui mừng, nếu có nhiều người da trắng đến đây với chúng tôi, ở Township này, để có một hình ảnh xác thực về cư dân ở đây”.

Về giao thông, người ta đi đến một kết luận rõ ràng mà có thể không phải ai cũng hiểu: bạn cứ đi đi, bằng một cách nào đó vấn đề sẽ được giải quyết. Giống như khách nước ngoài đến thăm Việt Nam, lúc đầu họ không biết làm thế nào để qua đường giữa dòng xe cộ đi lại như mắc cửi, không để lọt ra một thỗ trống, nhưng rồi ở lâu, họ cũng qua đường nhẹ nhàng và thoải mái, “bằng một cách nào đó”. Nhà tài trợ Hyundai sẽ cấp cho World Cup 660 xe bus và xe con để chuyên chở cầu thủ, qaun chức. Người ta dự tính nâng cấp đội xe taxi lên 25 000 chiếc để đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Chúng ta biết gì về Nam Phi?

Nelson Mandela. Ông đã ở tù 18 năm trên một hòn đảo. Trên hòn đảo đó có sân bóng đá, và bạn có thể tham quan hòn đảo này, nhìn thấy sân bóng này. Bạn sẽ càng thêm khâm phục người chiến sĩ này, khi biết rằng ông đã không mỏi mệt nhiều năm để mang World Cup về cho Nam Phi.

Bóng đá, giấc mơ của trẻ em Nam Phi. 

Tê giác. Sự thần kỳ đôi khi cũng có thể trở thành tai họa. Bạn cũng đã xem các chương trình truyền hình Discovery, và thấy những vườn bách thú châu Phi khác hẳn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Vì ở đây, những con thú hung dữ ấy đi lại nhởn nhơ. Bạn có thể ngồi trong xe và ngắm nhìn với cảm giác từ lo sợ đến bình an, khi những con thú xuất hiện ngay bên cạnh mình. Đấy phải chăng là sự hấp dẫn đến từ sự kinh ngạc?

Bạn cũng đã nghe nói đến một nước Nam Phi có hai phần cư dân với mầu da khác nhau. Đó cũng là lạ kỳ, so với bất cứ mảnh đất nào trên thế giới. Chúng ta đã nghe nói đến khu dân nghèo da đen Township ở Johannesburg. Còn khu người da trắng ở thành phố nổi tiếng này tên là Sandton. Nối Sandton và Township là một đường cao tốc. Tại Sandton, cư dân sống trong những ngôi nhà sang trọng, bảo vệ bởi những bức tường cao và hàng rào điện. Giải vô địch bóng đá Nam Phi thường chỉ có khán giả da đen đến xem. Có trận đấu chỉ có 6 khán giả. Còn người da trắng thì đi xem Cricket. Một hy vọng của World Cup 2010: sự xích lại gần nhau của hai mầu da, khi cả hai đều ngồi cạnh nhau trên sân vận động.

Đến Nam Phi, bạn cũng sẽ hiểu tài năng bóng đá đã sinh ra như thế nào. Mỗi góc phố đều thấy trẻ em đá bóng. Mỗi góc phố là một sân tập. Và bất cứ cái gì cũng có thể là trái bóng, nếu không kịp có một quả bóng da. Có loại tài năng sinh ra từ nghèo khổ. HLV Brasil Parreira đang dẫn dắt đội tuyển Nam Phi, tâm sự :”Khi bạn nhìn vào mắt những đứa trẻ này, bạn sẽ thực sự nhìn thấy châu Phi. Cặp mắt như những nụ cười, cái nhìn như sự tỏa sáng. Tôi yêu những đứa trẻ này. Tôi yêu Phi châu”.

Bạn cũng sẽ được chứng kiến niềm đam mê, sự say đắm đến mức lạ lùng. Tuyển thủ quốc gia Nam Phi vẫn còn chơi bóng ở trong nước là Teko Modise. Anh đang chuẩn bị sang Anh, có một vài CLB mời chào. Và Modise cũng rất muốn, nhưng anh vẫn còn sợ : sợ cảm giác buồn bã xa nhà, sơ thiếu vắng phong cách sống Nam Phi. Đấy là phong cách gì? Modise lý giải :”Rất đơn giản: Party! Party! Và Party!”. Cái niềm vui party rất Nam Phi ấy có sức lan tỏa trên toàn thế giới.

Vậy thì còn chờ gì nữa. Nào, chúng ta cùng đến với Nam Phi.

(Báo Thể thao 24h)
Bình luận
vtcnews.vn