Theo ông Đỗ Nhân Đạo, việc sửa đổi Luật HTX 2012 chính là cách tốt nhất để tăng "sức đề kháng” cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) trong giai đoạn hiện nay.
Từ những hạn chế, tồn tại và khó khăn, vướng mắc mà ông đã trực tiếp chứng kiến, qua thực tiễn phát triển KTTT, HTX tại địa phương, đại diện Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đề xuất kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật HTX năm 2012 để khu vực KTTT ngày càng phát triển bền vững trong tình hình mới, với những nội dung cụ thể.
Trước hết,Nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu về phát triển KTTT, HTX.
Thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thì nơi đó kinh tế tập thể, HTX phát triển và ngược lại.
Hai là, Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về KTTT, HTX, cùng với đó tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội...
Ba là, Đề xuất thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012 sau khi tổng kết các Nghị quyết của Đảng về lãnh đạo phát triển KTTT, HTX. Bởi pháp luật của Nhà nước đều được thể chế hóa, cụ thể hóa từ chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng.
Trước mắt các cấp, các ngành, địa phương cần tổ chức: Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Kinh tế tập thể (KTTT); Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Sau khi Đảng ban hành Nghị quyết mới về lãnh đạo phát triển KTTT trong tình hình mới, để từ đó có cơ sở sửa đổi Luật HTX năm 2012.
Bốn là, Đề xuất sửa đổi tên Luật HTX 2012 thành Luật tổ chức KTTT bởi trong Luật đề cập và điều chỉnh các tổ chức KTTT như HTX, Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX chứ không quy định riêng đối với HTX.
Năm là, Cần bổ sung quy định về tổ chức KTTT. Tổ chức KTTT gồm có: Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX. Tổ chức KTTT chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số tài sản được hình thành từ vốn góp của thành viên.
Tổ chức KTTT được thuê và sử dụng người lao động để làm việc trong tổ chức bộ máy điều hành của tổ chức KTTT theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định Tổ hợp tác (THT) vào Luật HTX 2012: "Tổ hợp tác là tổ chức KTTT, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 03 thành viên tham gia góp vốn, góp sức, công nghệ… để thành lập THT nhằm cùng nhau hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập, trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý THT” (vì hiện nay Nghị định 77 của Chính Phủ mới quy định THT được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 2 cá nhân... mà không cần xác nhận, chứng thực của bất kỳ cơ quan quan lý nhà nước nào).
Đề xuất, mỗi THT có ít nhất 3 thành viên trở lên và cần quy định rõ THT phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước địa phương (cụ thể là cấp huyện).
Cùng với đó, cần quy định rõ: Người đại diện HTX chỉ là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX.
Sáu là, Đề nghị sửa đổi quy định về số lượng thành viên góp vốn tối thiểu để thành lập THT, HTX, Liên hiệp HTX.
Theo đó, số lượng thành viên góp vốn tối thiểu để thành lập Tổ hợp tác từ 03 thành viên trở lên, HTX từ 10 thành viên trở lên,với liên hiệp HTX từ 04 HTX thành viên trở lên; bởi các tổ chức KTTT là kênh rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, huy động vốn góp để gia tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội.
Qua thực tiễn công tác tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX, THT tại Yên Bái nói riêng và ở các tỉnh Tây Bắc thì người dân có nhu cầu tham gia THT, HTX để cùng chia sẻ lợi ích, học kinh nghiệm làm giàu ngày càng lớn, đồng thời để THT, HTX lớn mạnh cần nhiều thành viên cùng hợp tác để phát triển, đồng thời phù hợp với Chiến lược về phát triển Kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021, do đó tiêu chí thành viên trong tổ chức KTTT cần tham gia đủ lớn về số lượng là vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Bảy là, Sửa đổi quy định tỷ lệ vón góp tối đa và vốn góp tối thiểu của mỗi thành viên như sau: Mức vốn góp tối đa của thành viên là không quá 30% vốn điều lệ và mức vốn góp tối thiểu của thành viên là không dưới 5% vốn điều lệ của HTX cho phù hợp và theo kịp với sự phát triển về kinh tế - xã hội của Đất nước và nhu cầu của người dân; đặc biệt sẽ góp phần tăng khả năng huy động nguồn lực nội tại của tổ chức KTTT, mặt khác triệt tiêu được việc tham gia hình thức để hưởng lợi ưu đãi về chính sách của Nhà nước.
Với Liên hiệp HTX mức vốn góp tối đa của HTX thành viên không quá 40% vốn điều lệ và mức vốn góp tối thiểu của HTX thành viên là không dưới 20% vốn điều lệ của Liên hiệp HTX.
Tám là, Bỏ quy định về chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm.
Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm tại điểm e) khoản 1 Điều 16 của Luật HTX năm 2012. Lý do là tư cách thành viên đã được xác lập qua việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn, góp sức… khi tham gia HTX, Liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật và điều lệ HTX, Liên hiệp HTX quy định.
Mặt khác, quy định này là bất hợp lý, không khả thi, đã tạo ra khó khăn, rào cản cho sự phát triển của HTX, Liên hiệp HTX.
Chín là, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên góp vốn, tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp HTX phát triển, cần sửa đổi quy định về nguyên tắc phân phối thu nhập cho thành viên tại điểm a) và điểm b) khoản 3 Điều 46 Luật HTX năm 2012 theo nguyên tắc: Chủ yếu theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với HTX tạo việc làm; theo số vốn góp của thành viên, HTX thành viên (gọi chung là thành viên góp vốn); Phần còn lại được chia theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, HTX thành viên.
Mười là, Cần làm rõ nội dung đăng ký, thông báo hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác. Đặc biệt là không đánh đồng tổ chức Liên minh HTX Việt Nam với các tổ chức Kinh tế hợp tác.
- Cần làm rõ các tổ chức kinh tế tập thể là: Tổ hợp tác, HTX và Liên hiệp HTX;
- Tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho các tổ chức KTTT đó là hệ thống Liên minh HTX Việt Nam gồm: Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh. Để từ đó đưa ra căn cứ phân cấp cơ quan đăng ký, quản lý về tổ chức KTTT và thấy rõ vai trò của hệ thông Liên minh HTX Việt Nam vì liên minh HTX Việt Nam là một tổ chức do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Chính vì vậy, đề xuất điều chỉnh cơ quan đăng ký, quản lý KTTT như sau:
Cấp huyện: Cấp đăng ký và quản lý đối với Tổ hợp tác và hợp tác xã. Bổ sung quy định rõ, cụ thể: Cấp huyện quyết định phân công 1 chuyên viên tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện công tác chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm) trong việc theo dõi, quản lý về lĩnh vực KTTT, đồng thời là cán bộ đại diện của Liên minh HTX cấp tỉnh (được Chủ tịch Liên minh HTX cấp tỉnh căn cứ Quyết định phân công nhiệm vụ của Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện ra Quyết định Công nhận là cán bộ đại diện của Liên minh HTX cấp tỉnh tại địa phương cấp huyện).
Cấp tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư): Cấp đăng ký và quản lý đối với Liên hiệp HTX và Quỹ tín dụng nhân dân.
Cuối cùng, Nên bỏ quy định về tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và việc làm của HTX, Liên hiệp HTX cho khách hàng không phải là thành viên tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 và tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ.
11 ý kiến góp ý của ông Đỗ Nhân Đạo về việc sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 có thể được coi là ý kiến tâm huyết xuất phát từ thực tiễn, giúp tham mưu cho các cơ quan quản lý cập nhật được tình hình thực tiễn từ các địa phương.
Bình luận