Hội đồng thẩm định nhận xét mâu thuẫn?
Trong lần đổi mới chương trình SGK này, có 49 bản thảo SGK được gửi đến Bộ GD&ĐT để thẩm định. Đến thời điểm này, có 38 bản thảo được đánh giá “Đạt”, 11 bản thảo bị đánh giá “Không đạt”. Một số tác giả và cá nhân liên quan đã lên tiếng về kết quả đánh giá.
Trả lời báo chí, TS Ngô Thị Tuyên, tác giả sách Đạo đức - Công nghệ giáo dục bị loại ở vòng 2, cho rằng, Hội đồng thẩm định đưa ra những đánh giá vụn vặt, cứng nhắc, hình thức, không hiểu tâm lý học sinh lớp 1. Thậm chí những nhận xét có phần mâu thuẫn nhau. Ví dụ, trong cuốn Đạo đức lớp 1 của tác giả, có chủ đề: “Phòng tránh rủi ro, thương tích” sau khi thẩm định vòng 1, bản thảo được hội đồng yêu cầu bỏ chữ “rủi ro”.
Hay như phần nhận xét về phương pháp, câu đầu tiên hội đồng cho rằng: “Nhìn chung sách được thiết kế theo đúng cấu trúc nhưng sang phần cấu trúc lại nhận xét: cấu trúc bài học chưa đảm bảo quy trình chương trình giáo dục phổ thông mới. Nói chung, nhận định lấn cấn, chỗ nói có đầy đủ, chỗ lại cho rằng không có”, TS Tuyên khẳng định.
Một số tác giả có sách bị loại cho rằng, ở vòng 2, thời gian ấn định để thẩm định SGK là 30 ngày, tuy nhiên, chưa hết thời gian làm việc, hội đồng đã yêu cầu nhóm tác giả ngừng sửa chữa.
PGS. TS Đào Đức Doãn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức lý giải, khi còn khoảng 7 ngày chỉ đủ để điều chỉnh những lỗi về tiểu tiết như kỹ thuật văn bản có thể chấp nhận được. Còn những bản thảo phải thay đổi cấu trúc, thiết kế lại nội dung hoạt động là không đủ thời gian. Do đó, Hội đồng thẩm định thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT, chừng đó thời gian sẽ không đáp ứng được.
Tiêu chí cởi mở với sự sáng tạo?
Theo PGS Doãn, thực tế Hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức thẩm định 6 bộ sách và mỗi bộ đều có nét độc đáo riêng. Hội đồng tôn trọng điều đó khi thẩm định. Ngoài các điều kiện bắt buộc các bộ sách phải đáp ứng, Hội đồng thẩm định môn Đạo đức đặc biệt quan tâm đến tính phù hợp của các bộ sách đối với thực tế giảng dạy và đối tượng người học ở các vùng miền; đưa ra những đánh giá, góp ý chính xác, phù hợp cho các bộ SGK.
PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Anh cho hay, các tiêu chí thẩm định không khiến cách nhìn nhận, đánh giá của các thành viên trong hội đồng bị giới hạn. Các tiêu chí và đánh giá của hội đồng đều tôn trọng sự sáng tạo của tác giả viết sách, đặc biệt là sáng tạo về phương pháp dạy học.
“Những nội dung đã công bố trong chương trình thì chắc chắn là phần cốt lõi mà bất cứ bộ sách nào cũng phải tuân theo. Nếu nội dung không phù hợp thì hội đồng sẽ đề nghị tác giả chỉnh sửa”, PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung nói.
Chuyên viên tiếng Anh Tiểu học của Sở GD&ĐT Quảng Bình - Nguyễn Thị Ái Liên - thành viên Hội đồng thẩm định môn tiếng Anh cho biết, trước khi tham gia hội đồng, các thành viên được Bộ tập huấn và cho nghiên cứu kỹ các tiêu chí. Các tiêu chí thẩm định SGK được xây dựng đầy đủ, khoa học. Bộ tiêu chí này vừa có tính thống nhất giữa các môn học nhằm phát triển các kỹ năng, năng lực chung cho học sinh và học sinh tiểu học nói riêng, vừa có tính mở đối với các hội đồng để từng bộ môn được thể hiện đặc trưng riêng cũng như các kỹ năng đặc thù của môn học.
Theo dõi sát việc thẩm định SGK, TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Postdam- CH Liên Bang Đức) cho rằng, ông nghiên cứu bộ tiêu chuẩn và 13 tiêu chí đánh giá SGK của Việt Nam khá phù hợp với xu hướng quốc tế. Điều quan trọng là các thành viên hội đồng phải bám sát tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đảm bảo nguyên tắc chung về tính thống nhất của chương trình.
Bình luận