LTS: Chỉ ra những chiêu trò quay cóp bài trong các kì kiểm tra, thi cử của học sinh, thầy giáo Thiên Ấn nhấn mạnh vào vai trò của giáo viên trong việc quan sát, đảm bảo tính trung thực, chính xác của kì thiư
Bởi trong thực tế, có những học sinh còn ép bạn phải cho mình xem bài gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các em.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chuyện học sinh quay cóp, gian lận trong kiểm tra, thi cử thời nào mà chẳng có, ít hay nhiều thôi. Học trò hôm nay có đến 1001 cách, kiểu quay cóp, gian lận để đối phó, qua mặt thầy cô giáo, giám thị phòng thi.
Phô tô tài liệu tập to, tập nhỏ; chép tài liệu với kiểu chữ cực nhỏ vào các tờ giấy gấp 5, gấp 7 để dưới hộc bàn, trên đùi hoặc trong lòng bàn tay, mắt vừa nhìn giám thị vừa liếc tài liệu.
Giám thị bước xuống, đứng bên cạnh quan sát, thí sinh vội lấy tay đẩy tài liệu vào sâu bên trong hộc bàn hoặc cum tay lại, đưa tài liệu vào túi áo, quần…
Trước hiện tượng bất thường, nhiều thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cách đây mấy năm ở một số địa phương thi nhau mặc áo khoác, áo lạnh (giữa thời tiết nắng nóng) nhằm thuận tiện cho việc đem, giấu và sử dụng tài liệu.
Việc này buộc Chủ tịch hội đồng coi thi, trong lễ khai mạc kỳ thi, đầu các buổi thi phải nhắc nhở, yêu cầu thí sinh để áo khoác, áo lạnh ở bên ngoài trước khi vào phòng thi.
Tường, bàn ghế ở các dãy phòng học của nhiều nhà trường bây giờ nhanh bẩn, nham nhở, xuống cấp, một phần do nạn chép, ghi tài liệu của học trò mà ra.
Các em dùng vật nhọn đâm, khoét mặt bàn thành một số lỗ nhỏ, đến giờ kiểm tra, đặt vở, tài liệu ở bên dưới xem, giáo viên đến nơi thì dùng vở khác hoặc tờ giấy kiểm tra che lại, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi khi bước xuống phòng thi, trước khi gọi tên các em vào, phải thêm động tác quan sát cả phòng và dùng khăn bảng đi xóa sạch những công thức, tài liệu ghi bằng phấn trên bảng đen, cửa sổ, nền gạch, bàn ghế…còn ghi bằng chữ viết thì rất khó xử lý.
Có em, học ở trên lớp khá tệ, chỉ giỏi mất trật tự, nói chuyện riêng nhưng khi kiểm tra, thi cử thì lanh lợi ghê lắm, hễ giám thị thiếu tập trung, quan sát một tí là liếc, chép bài của bạn được ngay, nên kết quả bài kiểm tra, thi luôn luôn cao, tỉ lệ nghịch với năng lực học tập.
Có nhiều em học khá, giỏi, trong kiểm tra, thi cử khá dễ dãi để các bạn ngồi bên cạnh xem, chép bài. Thậm chí có em còn đưa cả bài thi, giấy nháp cho người khác tha hồ chép.
Trong những kỳ thi quan trọng, thi tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia có tính cạnh tranh và phân loại cao, nhiều thí sinh luôn “thủ thế”, không cho các thí sinh khác xem, chép bài của mình.
Song các thí sinh học tệ, chẳng làm được bài, đâu phải thứ vừa, tung đòn hăm dọa bạn: “mày mà không cho tao xem bài thì tao sẽ xé bài của mày, lát nữa ra cổng tao sẽ “ăn thịt” mày ngay”.
Các thí sinh yếu bóng vía không thể không sợ, không lo…
Hình thức kiểm tra, thi bằng dạng trắc nghiệm ngày càng phổ biến ở nhà trường phổ thông, được đánh giá cao ở chỗ ngăn ngừa, hạn chế tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, quay cóp bài của nhau.
Mới đầu có kết quả tốt nhưng các năm sau, học sinh của chúng ta đã nắm chắc được” bài “quy luật, ra đề, xáo đề, sắp đề trắc nghiệm của giáo viên và sản sinh ra đủ chiêu thức biến hóa khôn lường để cùng nhau trợ giúp”, đạt điểm cao.
Nếu gặp giám thị dễ tính thì chuyền nhau bằng giấy nháp. Nếu gặp giám thị khó tính, coi chặt thì ra hiệu bằng tay, bằng miệng, bằng bút với những quy ước thống nhất từ trước.
Có thí sinh ranh khôn, “cao thủ” hơn, lợi dụng giáo viên, giám thị sơ sẩy, thiếu kiểm tra kỹ khi làm, khi nộp bài, không làm bài mã đề của mình đã phát mà làm bài, coi theo 100% mã đề của thí sinh học khá ngồi bên cạnh.
Lúc giáo viên, máy chấm cứ theo các mã đề thi mà chấm, ai đâu để ý đến chuyện khác biệt giữa phiếu thu bài và thực tế làm bài.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng, 85% kiến thức, câu hỏi của từng mã đề sẽ khác nhau.
Cách làm mới ấy với hy vọng sẽ đánh giá chính xác, công bằng, khách quan kết quả, chất lượng giáo dục và ngăn ngừa tốt hơn những biểu hiện tiêu cực của thí sinh có thể phát sinh trong quá trình tổ chức thi.
Dù gì đi nữa, trong kiểm tra, thi cử thì vai trò, trách nhiệm, khả năng quan sát, tập trung của giáo viên, giám thị vẫn là số một, quan trọng nhất, mới đủ sức “chống chọi”, nghiêm trị… 1001 kiểu quay cóp, gian lận của nhiều cô, cậu học trò ngày nay.
Video: gian lận thi cử bá đạo và cái kết đắng
Bình luận