Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong một tháng kể từ khi thành lập, đơn vị tiếp nhận 1.000 ca đột quỵ/tháng. Các ca bệnh rải rác ở nhiều khoa khác nhau như Cấp cứu, Tim mạch, Thần kinh.
Đáng chú ý, trong 1.000 bệnh nhân trên có tới 10% số ca bệnh ở độ tuổi còn rất trẻ. Đặc biệt, có bệnh nhân mới chỉ 14 tuổi. Bệnh nhân có tiền sử bị dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh, đưa tới bệnh viện và được chẩn đoán chảy máu não. Nhờ được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân hiện qua cơn nguy kịch.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, nguyên nhân gây ra thực trạng ngày càng nhiều người trẻ hiện nay bị đột quỵ chủ yếu đều xuất phát từ các bệnh về rối loạn chuyển hoá hay bệnh lý về tim mạch và bệnh bẩm sinh về mạch máu não. Bên cạnh đó, lối sống bừa bãi, không lành mạnh, lạm dụng chất kích thích và lười vận động cũng khiến giới trẻ tăng nguy cơ bị đột quỵ.
“Bệnh dễ gây tổn thương về nhận thức, liệt cơ, chi… thậm chí nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ bị tử vong”, BS Tôn nhấn mạnh.
Thông tin từ Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, 50% số ca bệnh trên đều không thể qua khỏi.
Đáng lưu ý, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng. Hiện, số ca đột quỵ ở độ tuổi trung niên và thanh niên chiếm 30% tổng số bệnh nhân. Mỗi năm, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng thêm khoảng 2%, nam nhiều hơn nữ.
Bình luận