• Zalo

100% giáo viên tiểu học Nam Trung Yên xác nhận không có taxi vào trường: Sự giả dối đáng sợ

Giáo dụcThứ Sáu, 17/02/2017 08:20:00 +07:00Google News

Chuyên gia giáo dục nhận định việc 100% giáo viên tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đồng lòng xác nhận không có taxi vào sân trường là sự dối trá đáng sợ và không thể chấp nhận được.

Gần đây, vụ việc một học sinh lớp 2 trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) được cho là bị xe taxi chở cô hiệu trưởng đâm gãy xương đùi đã khiến dư luận rất bức xúc. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lên tiếng nhiều chính là thái độ quanh co không nhận trách nhiệm của hiệu trưởng.

Bên cạnh đó, khảo sát 100% giáo viên trong trường xác nhận không có taxi vào trường trong thời điểm cậu học sinh lớp 2 bị tai nạn cũng khiến dư luận càng đặt ra nhiều nghi vấn.

Xung quanh vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư Phạm Hà Nội đã bày tỏ quan điểm về vụ việc đáng buồn này.

tieu hoc nam trung yen 2

100% giáo viên, cán bộ tiểu học Nam Trung Yên xác nhận không có ô tô ra vào trong sân trường vào thời điểm xảy ra tai nạn khiến dư luận bức xúc 

Thời gian gần đây, niềm tin của người dân vào các thầy cô giáo giảm sút nghiêm trọng. Một trong những lý do đó chính là bệnh thành tích đã trở thành nếp ăn quá sâu trong lòng giáo viên.

Đã có rất nhiều vụ việc trẻ em bị tổn thương trong trường học do các giáo viên mầm non gây ra. Những đứa trẻ non nớt, yếu ớt, trông đợi cả vào những người lớn, những người có thể giúp chúng hoàn thành dù chỉ là việc chăm sóc bản thân.

Thật không có gì đáng sợ hơn là những cái chỗ dựa gần như duy nhất của trẻ lại chính là nguồn cơn khiến trẻ cảm thấy nguy hiểm, hoảng sợ. Điều đó sẽ mãi hằn trong trí não trẻ mà không bao giờ trẻ có thể quên được.

Tuy vậy, nếu như sự gây tổn thương cho trẻ đến từ thiếu hiểu biết có lẽ còn dễ tha thứ hơn là do cố tình làm dù biết hậu quả.

tieu hoc nam trung yen

Tiểu học Nam Trung Yên, nơi xảy ra vụ việc một học sinh lớp 2 bị taxi đâm gãy chân khi chơi trong sân trường 

Vụ việc các thầy cô giáo của trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) đồng lòng xác nhận một cách dối trá về vụ việc xe taxi của hiệu trưởng vào sân trường làm gãy chân học sinh đúng là không thể chấp nhận nổi.

Hiệu trưởng không phải là một đấng quân vương để xe đưa rước vào tận trong sân trường, nơi lũ trẻ đang nô đùa, chạy nhảy.

Sân trường được thiết kế cho các hoạt động tự do của trẻ, không phải là đường hay chỗ đón rước người lớn. Việc hiệu trưởng làm sai không chỉ gây thương tích thân thể trực tiếp mà thái độ chối tội, đổ lỗi cho con trẻ đã thực sự đã khiến đứa trẻ bị tổn thương nặng nề về tinh thần.

 
Điều đáng sợ nhất trong câu chuyện này chính là thái độ của toàn bộ các thầy cô giáo trong nhà trường

TS Vũ Thu Hương

Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất trong câu chuyện này chính là thái độ của toàn bộ các thầy cô giáo trong nhà trường. Họ đã sẵn sàng bịa đặt, che dấu một sự thật để tìm mọi cách đổ lỗi cho đứa trẻ.

Có nhiều người đã giải thích rằng họ sợ hiệu trưởng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đây là lý do. Nguyên nhân thật sự chính là ở cái việc cần phải “giữ hình ảnh đẹp cho nhà trường”.

Từ lâu, việc giữ hình ảnh cho cơ quan, cho gia đình đã là một nguyên nhân lớn khiến mọi việc đảo lộn. Người ta sẵn sàng nói dối mọi chuyện, che dấu hết tất cả chỉ để giữ hình ảnh đẹp đẽ cho người ngoài không chê cười.

Với tiêu chí “Tốt khoe, xấu che”, đã có vô vàn các sự việc được ỉm đi, đã có rất nhiều lời nói dối được tung ra. Người người nói dối, nhà nhà nói dối. Việc này thì các thầy cô giáo không những không ngoại lệ mà thậm chí đôi khi họ còn làm điều đó thường xuyên hơn.

hoc sinh bi dam vao xe

 

Hãy xuất phát từ các giờ dạy mẫu, các tiết thi giáo viên dạy giỏi. Đã từ rất lâu, những tiết dạy mẫu được tiến hành một cách hình thức và dối trá.

Các bài dạy được soạn bởi không chỉ giáo viên đứng lớp dạy mà của cả tập thể giáo viên nhà trường.

Sau đó, bài giảng được tập đi tập lại với học sinh. Các học sinh được chỉ định trả lời trong tiết dạy cũng được mớm trước các câu trả lời đúng.

Đã có lần tham gia chấm giáo viên dạy giỏi ở một quận của Hà Nội, tôi chứng kiến cảnh một cô giáo giảng bài vừa nói:

"Bây giờ cô có một câu đố thế này, lập tức ở dưới lớp đã có một em học sinh đọc đáp án khi cô còn chưa kịp đọc câu đố".

Video: Học sinh gãy chân trong sân trường: Hiệu trưởng và tài xế mỗi người nói một kiểu

Suốt bao nhiêu năm nói dối để mong đạt lấy hư danh cho trường, cho bản thân, có không ít các nhà giáo dường như đã quên mất vị thế của mình.

Họ đã quên họ luôn mang theo trọng trách rèn luyện tư cách đạo đức cho trẻ. Họ chắc cũng đã quên rằng trẻ học từ cảm nhận, từ bắt chước hành động của người lớn nhiều hơn là từ những lời giảng dạy trên lớp.

Từ những lời nói dối, thậm chí dạy cả trẻ nói dối để kiếm được về cho mình, cho trường của mình những tấm bằng khen, những danh hiệu, có những nhà giáo đã đi xa hơn nữa.

Video: Học sinh ngã, giáo viên bảo 'ung thư còn chưa chết nữa là gãy chân'

Vụ việc nữ sinh bị bỏng trong giờ thực hành Hóa học ở trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng là một ví dụ điển hình về câu chuyện này.

Sợ nhà trường tai tiếng, sợ ảnh hưởng đến danh dự của thầy cô giáo, biết bao nhiêu học sinh và giáo viên đã im lặng mặc dù hậu quả của vụ việc không phải là nhỏ.

Nhưng có lẽ trong vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Nam Trung Yên, các thầy cô đã đi quá giới hạn cho phép. Đứa trẻ đã bị thương tích nặng, lại bị đổ thêm tội lỗi bịa đặt, dối trá trong khi cháu không hề tự gây ra tai nạn cũng không hề nói dối.

Theo tôi, đã đến lúc cần xem xét lại không chỉ việc giảng dạy đạo đức trong nhà trường mà còn tư cách của các giáo viên.

Với những trường hợp đáng lên án như vụ việc trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những biện pháp mạnh để lấy lại niềm tin của xã hội dành cho các nhà giáo.

Cuối tháng 11/2016, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh của cháu K đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng khi con anh bị tai nạn gãy xương đùi phải phẫu thuật nẹp vít xương và các bác sĩ khẳng định phải có một lực tác động từ bên ngoài rất mạnh mới có thể gãy xương như vậy.

Bên cạnh đó, theo lời cháu K thì cháu bị một chiếc ô tô đâm phải và theo như cháu nhớ thì trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác. Tuy nhiên, nhà trường lại khẳng định con anh tự ngã trong giờ ra chơi chứ không phải do tai nạn.

Bà Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng tiểu học Nam Trung Yên khẳng định vào ngày xảy ra tai nạn không có bất cứ chiếc xe nào vào trường.

Ban giám hiệu nhà trường còn tổ chức hẳn một cuộc khảo sát ý kiến toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường để khẳng định, hôm đó không có chiếc xe ô tô nào đi vào trường và cháu K ngã là do đùa nghịch, tự ngã trong giờ ra chơi.

Sáng 6/2/2017, tại cuộc họp của UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các Sở, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu báo cáo vụ xe ô tô gây tai nạn cho học sinh trong trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Ông Chung cho rằng, đáng lẽ sau khi xảy ra tai nạn, hiệu trưởng phải đưa học sinh đi cấp cứu, mời gia đình học sinh lên nói chuyện.

Trong khi đó, cô này lại bưng bít bằng cách chối bỏ. Ngoài ra, nhà trường còn họp lấy ý kiến giáo viên để cho rằng do cháu tự ngã chứ không phải do hiệu trưởng. Nhưng vị trí ngã hích vào mông bên trái cháu thì không cãi được.

“Vấn đề là đến tầm hiệu trưởng mà lại như thế. Chuyện rất nhỏ nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 3 lần trực tiếp nhắc tôi. Theo tôi không nên để các hiệu trưởng tư cách đạo đức như thế. Anh làm quyết liệt vào, ngay ngày hôm nay anh xuống trường ra văn bản, sau cuộc họp hôm nay Văn phòng UBND TP ra văn bản. Những hiệu trưởng như thế không nên để. Cách hành xử không ổn trong một môi trường sư phạm giáo dục như vậy”, ông Chung yêu cầu.

Ông Chung cũng yêu cầu đình chỉ chức vụ hiệu trưởng tiểu học Nam Trung Yên trong quá trình điều tra, làm rõ sự việc.

TS Vũ Thu Hương
Bình luận
vtcnews.vn