Nhiều trẻ em mắc bệnh
TS Bình cho biết tại Khoa Ngoại 1, Bệnh viện K Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi. Cháu bé vào viện vì đau bụng và sau đó được chẩn đoán tắc ruột.
Kết quả phẫu thuật và giải phẫu tế bào học là ung thư đại trực tràng. Bệnh nhi không có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng cũng như không có dấu hiệu nào trước đó.
Mới đây nhất, bệnh viện vừa phẫu thuật cho cháu bé 12 tuổi, quê Thái Bình bị ung thư đại trực tràng. Cháu bé cũng bị tắc ruột và vào viện cấp cứu mới phát hiện ra ung thư đại trực tràng.
Dấu hiệu của bệnh
Ung thư đại trực tràng rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường tiêu hóa khác.
TS Bình cho biết ở giai đoạn sớm, người bệnh thường bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài, có thể kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân.
Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy. Dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ. Nếu người bệnh bị bệnh trĩ sẽ đại tiện ra máu tươi, thì bệnh nhân ung thư trực tràng thường xuất huyết dưới dạng máu lẫn với nhầy. Vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy.
Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh thấy mệt mỏi, đau bụng, giảm cân. Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…
Bệnh do ăn uống?
TS Bình cho biết nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng hiện vẫn chưa xác định, bệnh có thể tiến triển từ các bệnh lành tính như Polyp đại trực tràng, nhất là những người bị hội chứng Polyp gia đình.
Thực phẩm ăn uống được xem là có mỗi liên quan với bệnh ung thư đại trực tràng. Trong thực phẩm, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần.
Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư. Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng các loại thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.
Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Bệnh ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Nhiều người sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Vì thế, TS Bình khuyến cáo ngoài theo dõi các triệu chứng bất thường thì người trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi qua ống mềm. Nếu có khối u bác sĩ có thể sinh thiết luôn tại chỗ để xác định u lành hay u ác và đưa ra quyết định điều trị phù hợp, kịp thời.
Bình luận