(VTC News) – Với hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao, tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, máy bay trực thăng tấn công ngày nay đang được quân đội các nước trên thế giới sử dụng ngày càng rộng rãi.
Máy bay trực thăng tấn công.
Ngày nay quân đội các nước trên thế giới sử dụng ngày càng nhiều máy bay trực thăng tấn công vào nhiều mục đích khác nhau: để tham gia vào các chiến dịch tác chiến đặc biệt, tập trận phối hợp trên không, yểm trợ cho bộ binh, lính thủy đánh bộ trong các hoạt động tác chiến, huấn luyện bay tác chiến cho phi công, tham gia tìm kiếm, cứu nạn, tuần hành trên không, trinh sát.
Hay đơn giản là để tấn công vào các mục tiêu mặt đất (bộ binh, phương tiện bọc thép, các trận địa hỏa lực, các cứ điểm, các sở chỉ huy, các hầm, hào, lô cốt,…), mặt nước (tàu chiến mặt nước, tàu ngầm), trên không (đánh chặn tên lửa, tiêu diệt máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng đối phương).
Tuy nhiên, tựu trung lại, trực thăng chiến đấu ngày nay có hai vai trò chính là đảm bảo yểm trợ tác chiến cho bộ binh và các phương tiện tác chiến mặt đất, mặt nước, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chống tăng, chống xe thiết giáp địch, trinh sát mục tiêu.
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một tổ chức quốc tế nào nghiên cứu, xem xét, đánh giá về thứ bậc, xếp loại cho các loại máy bay trực thăng chiến đấu hiện đại, song có thể liệt kê ra đây 10 loại máy bay trực thăng tốt nhất, hiện đại nhất và sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay:
1. Máy bay trực thăng chiến đấu Mil Mi-24 – “xe tăng bay”
Máy bay trực thăng tấn công Mi-24 có nhiều phiên bản khác nhau.
Mil Mi-24 là loại máy bay trực thăng chiến đấu hạng nặng của Nga, bắt đầu tham gia hoạt động trong Không quân Xô Viết từ năm 1976 và hiện nay đang có mặt tại các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ và hơn ba mươi quốc gia khác trên thế giới.
Theo phân loại của NATO, Mi-24 được gọi làHind. Trong khi đó, các phi công Xô Viết lại gọi nó với cái tên thân mật hơn “Letayushiy tank” (Xe tăng bay) hay là 'Krokodil' (Cá sấu) vì hình dạng ngụy trang và thân của máy bay được thiết kế giống con cá sấu đang bơi.
Một chiếc máy bay trực thăng tấn công Mi-24 Super Hind.
Mi-24 được thiết kế, chế tạo dựa trên Mi-8 mà theo phân loại của NATO còn gọi là "Hip". Đây là loại máy bay chiến đấu hai động cơ tuốc bin khí. Tùy từng nhiệm vụ cụ thể mà máy bay loại này có thể được trang bị các loại vũ khí khác nhau.
Mi-24 thông thường được trang bị các loại vũ khí chủ yếu sau: súng máy 12.7 mm YaKB-12.7 Yakushev-Borzov đa nòng; 1.500 kg bom; 4 tên lửa điều khiển chống tăng (AT-2 Swatter hay AT-6 Spiral); 4 rocket S-5 57 mm hoặc 4 rocket S-8 80 mm; 2 pháo 2 nòng cỡ 23 mm và 4bình nhiên liệu ngoài.
Thân và cánh quạt máy bay được bọc lớp thép tốt làm bằng hợp kimtitan có khả năng chịu lực và chống được đạn 12.7 mm. Buồng lái được thiết kế đặc biệt giành cho 3 người (phi công, sỹ quan điều khiển hệ thống vũ khí và kỹ thuật viên) để bảo vệ kíp lái trong trường hợp đối phương sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí sinh, hóa học.Chân đỗ của máy bay được chế tạo rất linh hoạt, có thể gập vào, mở ra tùy ý.
Vũ khí, trang bị biên chế trên máy bay trực thăng chiến đấu Mi-24.
Máy bay có chiều dài 17,5 m, cao 6,5 m, sải cánh 6,5 m, trọng lượng không tải 8.500 kg, trọng lượng cất cánh tối đa khi mang tải 12.000 kg, có khả năng mang 8 binh lính hay 4 người bị thương, được trang bị động cơ Isotov TV3-117 công suất 1.600 KW cho phép máy bay hoạt động ở tốc độ tối đa 335 km/h trong phạm vi 450 km ở trần bay cao tối đa 4.500 m.
Mi-24 "cá sấu" hay còn gọi là 'xe tăng bay".
Mi-24 đã từng tham gia rất nhiều cuộc chiến tranh và nội chiến nổi tiếng trên thế giới, trong đó đáng chú ý có chiến tranh Xô Viết tại Afghanistan (1979-1989), chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), chiến tranh vùng Vịnh (1991), chiến tranh Iraq (2003)...
Máy bay trực thăng tấn công Mi-24 và Mi-25 đang thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trê không.
Máy bay trực thăng tấn công loại này hiện nay đang là một trong những loại máy bay trực thăng được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất trên thế giới với nhiều phiên bản và biến thể khác nhau (V-24 Hind, Mi-24 Hind-A, Mi-24A Hind-B, Mi-24U Hind-C, Mi-24D Hind-D, Mi-24DU, Mi-24V Hind-E, Mi-24P Hind-F, Mi-24K Hind-G2, Mi-24VM, Mi-24V, Mi-24PM, Mi-24P, Mi-24PN, Mi-24W, Mi-24PS, Mi-24E, Mi-25, Mi-35, Mi-35P, Mi-35U, Mi-24 Super Hind Mk II và Mi-24 Super Hind Mk III/IV, trong đó các phiên bản xuất khẩulà Mi-25 (Hind D) và Mi-35 (Hind E)
2. Máy bay trực thăng tấn công đa năng Mi-28 - "thợ săn đêm"
Máy bay trực thăng tấn công Mi-28 tấn công xe bọc thép hiệu quả hơn Mi-24.
Đây là máy bay trực thăng chiến đấu đa nhiệm của Nga mà NATO gọi là Havoc (tàn phá), được sử dụng để tìm kiếm và tiêu diệt xe bọc thép, sinh lực địch ở địa hình trống trải lẫn phức tạp, đồng thời có thể tiêu diệt cả mục tiêu trên không hoạt động ở tốc độ thấp trong tầm nhìn của mắt thường cả ở điều kiện thời tiết bình thường lẫn phức tạp. Nó được thiết kế, chế tạo hoàn toàn nhằm mục đích tấn công chứ không thêm chức năng vận tải, đồng thời khả năng chống tăng của loại máy bay này tốt hơn nhiều so với Mi-24.
Toàn cảnh Mi-28 với đẩy đủ vũ khí trang bị.
Máy bay được thiết kế với buồng lái hai khoang, 2 người lái rất chắc chắn làm từ vật liệu bền vững, phía mũi được bố trí các thiết bị điện tử, bệ pháo và phía đuôi có cánh quạt kiểu chữ X để giảm tiếng ồn. Tuy không được thiết kế khoang vận tải song trên thực tế Mi-28 vẫn có khoang hành khách nhỏ có thể chở được 3 người nhằm cứu kíp lái của máy bay trực thăng khác khi bị nạn.
Cận cảnh hỏa lực một bên cánh của Mi-28.
Mi-28 có chiều dài 17,1 m, cao 3,82 m, sải cánh 17,20 m, trọng lượng không tải 7.890 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 12.100 kg. Nó được trang bị 2 động cơ Klimov TV3-117VM tuốc bin trục có công suất 3.280 KW có thể phát triển tới tốc độ tối đa 305 km/h trong phạm vi 460 km ở trần hoạt động tối đa 5.750 m.
Mi-28 được trang bị pháo 30 mm ở phía mũi.
Vũ khí trang bị trên máy bay loại này bao gồm: tên lửa có điều khiển “Storm” và “Ataka” cùng bom và rocket treo ở giá ngoài có trọng lượng 2.300 kg, 250 quả đạn pháo cỡ 30 mm Shipunov 2A42 triển khai dưới mũi. Hiện Mi-28 có 5 biến thể chính là Mi-28A, Mi-28N/MMW Havoc “thợ săn đêm”, Mi-28D, Mi-28NAe và Mi-40.
Còn tiếp...
Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)
Bình luận