Với dần đến giấc mơ
Cách đây khoảng 2 năm, khi thị trường bất động sản đang trong thời kỳ thịnh vượng, giá mỗi m2 nhà đất ở Hà Nội đã có thời lên tới trên 90 triệu đồng/m2 ở những khu vực ven đô như Hà Đông, Hoài Đức,…Ngay cả giá nhà chung cư cũng lên 30 – 40 triệu đồng/m2.
Với những người lao động nghèo, người làm công ăn lương, mỗi tháng thu nhập 4 – 5 triệu đồng, việc sở hữu một căn nhà riêng ở Hà Nội cũng trở thành một giấc mơ không tưởng.
Thị trường bất động sản ảm đạm, cùng với làn sóng giảm giá đã đưa “giấc mơ” ấy về gần với hiện thực hơn, nhưng giá giảm rồi vẫn cao quá so với người lao động nghèo. Hàng loạt các dự án tuyên bố giảm tới gần 10 triệu đồng/m2, nhưng giá vẫn ở mức từ 17 – 20 triệu đồng/m2. Mức giá này so với thu nhập của người lao động thì vẫn là con số chưa thể với tới được.
Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân được các chuyên gia bóc tách khi phân tích vì sao giá nhà đất giảm mạnh, vẫn không có người mua, vì cung – cầu vẫn chưa gặp được nhau. Người có nhu cầu về nhà ở thì vẫn không đủ khả năng tài chính để mua nhà.
Gần đây, việc chung cư Đại Thanh (Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) giảm giá “sốc”, chỉ với 10 triệu đồng/m2, cùng với đó là việc bán các căn hộ có diện tích nhỏ từ 36 m2 trở lên, đã đưa giấc mơ có nhà của nhiều người làm công ăn lương thành hiện thực.Chung cư Đại Thanh gây sốt thị trường
Trái hẳn với sự vắng hoe tại nhiều sàn bất động sản, sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh (Linh Đàm, Hà Nội) luôn đông nghẹt người mua. Lâu lắm rồi, ở Hà Nội, cảnh người dân chen nhau mua nhà đất mới lại xảy ra. Vì sao? Có lẽ câu trả lời chỉ đơn giản là mức giá mà người lao động mơ ước bấy lâu đã thành hiện thực và sản phẩm nhà này là phù hợp với nhu cầu cũng như “túi tiền” của đại đa số người dân. Nói cách khác, chủ đầu tư đã làm cho cung – cầu gặp nhau.
Tuy nhiên, việc giảm giá này lại khiến cho không ít doanh nghiệp bất động sản cho rằng chủ đầu tư của Đại Thanh đang phá giá, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Thị trường thì phải để cạnh tranh
Chị Trần Thị Hà, một khách hàng mua dự án Đại Thanh cho biết, đã là thị trường thì buộc phải có sự cạnh tranh. Doanh nghiệp nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì doanh nghiệp đó sẽ thắng.
“Tôi cho rằng, đã là doanh nghiệp, là người làm ăn, không ai làm mà không tính đến bài toán lỗ - lãi. Mặc dù tôi theo dõi thông tin trên báo chí thấy nhiều doanh nghiệp nói rằng, mức giá 10 triệu đồng là không thể. Nhưng thực tế Đại Thanh đã bán với mức giá đó. Chủ đầu tư cũng nói là có lãi. Ai bảo 10 triệu đồng là không có lãi. Lý do ai cũng biết đó là giá bị đội lên qua các tay đầu cơ mua đi bán lại nhiều lần. Độc giả Nguyễn Minh Quang
“Phá giá” hay không không quan trọng bằng việc giá đó đã khiến cho nhiều người lao động như chúng tôi cũng có thể mua nhà. Nếu vì thế mà cho rằng chủ đầu tư có “vấn đề” thì tôi nghĩ là các doanh nghiệp nên xem lại mình, xem vấn đề vì sao mình lại không hạ giá được như họ”, chị Hà cho biết.
Anh Dũng, một nhà đầu tư ở Đống Đa, Hà Nội thì cho rằng, trước đây, bất động sản vốn được coi là lĩnh vực “siêu lợi nhuận”. Người người, nhà nhà đều đổ xô vào lĩnh vực này. Có nhiều doanh nghiệp nhờ nhà đất mà “phất” lên nhanh chóng. Giá bất động sản có thời được đẩy lên tới vài trăm phần trăm so với giá thực.
Gần đây, mặc dù giảm giá mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, giảm giá 50% vẫn có lãi. Vậy thì giá căn hộ chung cư 10 triệu đồng/m2 cũng là hợp lý. Phải chăng đây chính là mức giá thực mà bất động sản đang đi tìm kiếm.
“Tôi cho rằng, mức giá này là phù hợp và công bằng đối với cả người bán và người mua. Khi bất động sản bị thổi giá, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lãi lớn thì không có kêu ai cứu cho người mua, đến bây giờ khi bất động sản về giá trị thực thì lại muốn cấm bán hạ giá. Điều này là vô lý".
Còn theo bác Nguyễn Văn Mạnh, một khách hàng mua dự án Đại Thanh thì: “Giá giảm, người dân được lợi, tại sao lại phải kiểm tra. Tôi không tin một dự án đình đám như vậy mà chủ đầu tư dám làm “bậy”.
Còn tất nhiên, chấp nhận mua với giá 10 triệu đồng/m2 thì chúng tôi chấp nhận không có nội thất, chấp nhận các thiết bị sẽ ở hạng “xoàng”, thay vì cao cấp”.
Cũng theo bác Mạnh, các doanh nghiệp chân chính nếu lo bị ảnh hưởng thì nên tính toán lại bài toán kinh doanh của mình, chấp nhận ôm một đống hàng tồn kho hay tiếp tục chấp nhận chia sẻ khó khăn, hạ giá bán, để người dân có thể tiếp cận được.
“Khi giá bất động sản bị “thổi” lên trời, vì sao các doanh nghiệp không đề nghị cơ quan nhà nước vào kiểm tra và xem xem tại sao giá cao như vậy? Cũng không ai yêu cầu ra chính sách quy định giá trần bất động sản.
Bây giờ thị trường đi xuống, có doanh nghiệp bán giá thấp thì lại cho là bán phá giá. Nếu sòng phẳng ra, tôi nghĩ tất cả nên để thị trường quyết định”, bác Mạnh nói.
Ngay sau khi loạt bài về nhà giá rẻ đăng tải trên báo điện tử VTC News, rất nhiều độc giả cũng cho rằng, giá 10 triệu đồng/m2 là một mức giá hợp lý, người bán vẫn có lãi và người mua thì cũng có thể mua được.
Độc giả Nguyễn Minh Quang cho biết, đơn giá xây dựng nhà chung cư hiện nay là 6 triệu đồng/m2 (đây là thông tin của một đơn vị tư vấn xây dựng có uy tín công bố), nhân với 1,25 là các công trình chung như: hành lang, cầu thang, sân vườn...Tính chung lại là 7,5 triệu đồng/m2. Như vậy, với giá 10 triệu đồng/m2, chủ đầu tư vẫn lãi 2,5 triệu đồng/m2.
"Ai bảo 10 triệu đồng là không có lãi. Lý do ai cũng biết đó là giá bị đội lên qua các tay đầu cơ mua đi bán lại nhiều lần.
Các cơ quan qui hoạch vẽ chủ yếu để làm giá đất, hầu hết là bị "treo" hoặc "không khả thi". Ai lỡ dại mua rồi thì "ôm", trừ khi có ai dại hơn mua lại thì giá lại lên thêm một nấc nữa. Và khi đến "end-user" - người dùng cuối sẽ là người dại nhất.
Khi thị trường đóng băng, các "End-user" này không bán được hàng sẽ lâm vào trạng thái "khủng hoảng", "nợ xấu" ... ", anh Quang phân tích.
Cũng theo anh Quang, muốn không để đất trống nhà trống mà dân không có chỗ ở chỉ có một cách, những sản phẩm không lưu thông được (theo thời hạn qui định) thì nhà nước sẽ đưa vào bảng giá nhà đất của khu vực do Uỷ ban nhân dân Tỉnh định giá.
"Nếu giá thấp, anh lỗ thì anh phải chịu. Vì trước đó họ đã lãi khủng nhiều rồi, bằng chứng là đại gia bất động sản nào cũng ở nhà lầu, đi xe hơi", anh Quang viết.
Nên từ bỏ ý nghĩ lãi khủng
Còn theo một độc giả khác tên Đông, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp nên từ bỏ ý nghĩ lãi khủng, mà chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ ít.
Các doanh nghiệp bất động sản nên cơ cấu lại sản phẩm, và giá bán sao cho phù hợp với đại đa số người lao động, công chức nhà nước, còn nếu bán giá cao, diện tích không phù hợp với túi tiền của người dân thì chỉ bán được cho một bộ phận nhỏ, khoảng 5 - 10% người có khả năng mua mà thôi.
Còn giới đầu cơ thì thời điểm này còn đang loay hoay, đáo nợ, thoát hàng, hoặc ngồi im chờ cơ hội, nên 1 - 2 năm tới thị trường sẽ khó mà sôi động được.
Nhu cầu mua nhà thì rất lớn, nhưng chủ yếu là người ít tiền, nên cũng phải có chính sách hỗ trợ từ doanh nghiệp,ngân hàng và nhà nước.
Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng thẳng thắn nêu quan điểm ủng hộ việc hạ giá và đặt mục tiêu hàng đầu là người thu nhập thấp có nhà.
“Hạ giá, bán nhà giá rẻ là chủ trương của Chính phủ, Chính phủ giao đã cho Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính làm sao để người thu nhập thấp có thể mua được nhà. Một số giải pháp tuy nhiều người không đồng tình, nhưng nếu giải quyết được nhu cầu nhà ở thì Chính phủ cũng đồng ý”, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.
Bài, ảnh:Châu Anh
10 triệu/m2 nhà, đòi thanh tra: Có nghĩ đến dân nghèo?
(VTC News) – Trước phát biểu của 1 quan chức Hà Nội đòi thanh tra dự án nhà bán giá 10 triệu/m2 vì cho rằng phá giá, nhiều bạn đọc đã có phản ứng mạnh mẽ.
(VTC News) – "Khi thị trường đi xuống, có doanh nghiệp bán giá thấp thì lại cho là bán phá giá. Nếu sòng phẳng ra, tôi nghĩ tất cả nên để thị trường quyết định", nhà đầu tư nói về phát biểu của 1 quan chức Hà Nội đòi thanh tra những dự án bán giá thấp.
Bình luận