Để dựng lên một thị trấn hay ngôi làng cho cả một cộng đồng sinh sống, người ta thường phải lựa chọn những vùng đất thuận tiện, được cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thế nhưng, cũng có khi do điều kiện tự nhiên, lịch sử, do những chính sách oái oăm hay chỉ bởi một tin đồn mà đã có những thị trấn được hình thành với phong cách "độc nhất vô nhị" ta không thể ngờ tới.
Thị trấn không có người chết
Nếu có nơi nào đáng gọi là thiên đường đúng nghĩa thì chắc đó phải là thị trấn Longyearbyen, Svalbard của Nauy. Nằm ở cực Bắc của bán cầu, đây là một thị trấn yên bình, xinh xắn với những dãy nhà dễ thương đủ màu sắc như ngôi làng của các chú lùn. Và đặc biệt, ở đây chỉ toàn là người sống, không hề có người chết.
Thực ra nghịch lý thú vị này đơn giản là do ở đây không thể mai táng người đã khuất. Thời tiết giá lạnh quanh năm khiến các thi thể đã chôn cất không thể phân hủy, dễ dàng trở thành mồi của động vật hoang dã. Nghĩa trang ở nơi này đã bị bỏ hoang hơn 70 năm qua. Chính vì vậy, những người chết hoặc gần hấp hối đều được vận chuyển sang vùng đất liền Nauy để an táng.
Thị trấn có hai quốc tịch
Nằm ở giáp ranh giữa hai quốc gia, người dân sống ở thị trấn Büsingen am Hochrhein này hẳn sẽ rất khó khăn trong việc xác định quốc tịch chính xác mình. Là người Đức hay Thụy Sĩ đây? Thực ra, nơi này vốn thuộc về Áo và sau này được coi là một phần của Đức.
Sau Thế chiến thứ nhất, 96% dân số lựa chọn là một phần của Thụy Sĩ nhưng không thành vì đất nước này không thể trao đổi được thứ gì có giá trị tương đương.
Kể từ đó, thị trấn này tiếp tục tình trạng một con hai mẹ: Büsingen có thể sử dụng mã bưu chính của cả Đức và Thụy Sĩ; đều có mã vùng điện thoại của cả hai; cảnh sát Thụy Điển và Đức đều có việc ở đây với ranh giới được phân biệt rõ ràng; có đội bóng Đức thi đấu ở Giải ngoại hạng Thụy Sĩ … Và cuối cùng, đây là thị trấn duy nhất của Đức dùng đồng Franc Thụy Sĩ làm đơn vị tiền tệ thay cho đồng Euro.
Thị trấn ''nhái'' nước Áo ở Trung Quốc
Bên phải là ''hàng xịn'', bên trái là ''hàng nhái''
Nói đến việc tạo hàng nhái như thật thì không nơi đâu bằng được Trung Quốc, và họ cũng sớm chứng tỏ rằng, ở phương diện này không có giới hạn nào ngăn được bàn tay người Trung. Để tiết kiệm tiền du lịch cho người dân, chính quyền ở Quảng Đông đã cho xây dựng hẳn một thị trấn anh em với bản gốc Hallsattt ở cao nguyên nước Áo, vốn là một địa điểm du lịch nổi tiếng được Unesco công nhận là di sản thế giới.
Và người Trung Quốc cũng rất có tâm khi đạo nhái đến nơi đến chốn từ nhà cửa, cây cối, con đường, tháp chuông cho tới con sông chảy qua … Chỉ có điều, phiên bản nhân bản vô tính này còn đắt đỏ gấp mấy lần hàng thật và hầu như rất vắng người sinh sống tại đây.
Thị trấn hoàn toàn miễn phí
Đến với thị trấn này, bạn sẽ chẳng phải chi trả cho bất cứ thứ gì cả với một điều kiện rất đơn giản, bạn phải là người… vô gia cư! Thật vậy, Slab City ở California thực chất như là một địa điểm tập kết của người về hưu và những người lang thang khắp nơi khắp chốn.
Hầu hết cái gọi là “nhà” ở đây lại chỉ là những chiếc xe, lều lụp xụp được chắp vá một cách tùy hứng. Mọi thứ như điện, nước, mạng điện thoại… đều miễn phí bởi vốn dĩ nó không hề có.
Ấy vậy mà người dân ở đây lại rất tự hào về nó, vì đối với họ, thị trấn này thực sự thân thiện và thoải mái. Và phong cách quy hoạch không giống ai của Slab City lại biến nơi đây giống như một bảo tàng nghệ thuật đương đại, nơi mọi phong cách điên rồ nhất đều được quyền thăng hoa.
Thị trấn dưới lòng đất
Đã là fan ruột của Starwars thì hẳn không thể không biết đến thị trấn này, vì đây đã được chọn làm bối cảnh đầu tiên của bộ phim. Nằm ở miền nam Tunisia, do thường xuyên chịu sức nóng khủng khiếp của Mặt trời nên người dân ở thị trấn Berbers của Matmata đã phát triển kiểu nhà đào sâu vào trong lòng đất.
Cách xây dựng rất đơn giản, họ đào một lòng trũng thật lớnmvà từ đó đục sâu vào theo chiều ngang để tạo thành các hốc, các phòng ở. Đôi khi, các phòng còn thông sang cả nhà hàng xóm bên cạnh, tạo nên một ma trận rộng lớn dưới lòng đất. Ngày nay, nơi đây đã trở thành một địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch khắp nơi đến thăm thú.
Thị trấn nằm chung dưới một mái nhà
Chuyện lạ mà có thật, toàn bộ thị trấn Whittier, Alaska cùng hơn 220 cư dân sinh sống của nó đều chỉ gói gọn trong một tòa nhà 14 tầng. Tòa nhà này vốn có tên cũ là tháp Begich, một trụ sở cũ của quân đội, sau được chuyển giao thành nhà ở của dân cư. Hầu hết người dân đều sống ở tòa tháp này để tiết kiệm nhiệt năng sưởi ấm vào những đợt gió bão quanh năm.
Tuy “nhỏ mà có võ”, khu chung cư 14 tầng này có đủ cả sở cảnh sát, bưu điện, bệnh viện, cửa hàng bách hóa, quán bar, nhà thờ… đáp ứng đầy đủ như cầu của mọi người mà không cần bước chân ra khỏi tòa nhà. Dù khí hậu khắc nghiệt và cuộc sống có phần nhàm chán, thị trấn này đem lại cho người dân cảm giác tình người ấm áp và bình lặng, nơi thời gian như ngừng trôi.
Thị trấn màu thiên thanh
Thị trấn tưởng chừng như trong truyện cổ tích này lại thực sự hiện diện ở ngoài đời thật. Đó là thị trấn Chefchaouen ở Đông Bắc Morocco, được mệnh danh là “Viên ngọc xanh của Morocco” bởi màu xanh thiên thanh được phủ khắp mọi căn nhà ở đây. Có rất nhiều lý giải tại sao nơi đây lại ưa chuộng màu sắc này đến vậy.
Có người cho rằng, nhà được sơn xanh bởi cộng đồng người Do Thái cư trú tại đây sau khi chạy trốn khỏi Hitler; ý kiến khác thì nói để tránh muỗi và một vài người đơn giản chỉ nói rằng nhà sơn xanh để giống với màu biển. Những ý kiến này đúng hay không không quan trọng, quan trọng là màu xanh này đã thực sự tôn lên vẻ đẹp độc đáo có một không hai của thị trấn.
Thị trấn người ngoài hành tinh
Tuy mang cái tên rất dễ hiểu nhầm nhưng bạn đừng hy vọng sẽ tìm được một người ngoài hành tinh nào sinh sống ở thị trấn Roswell, New Mexico này. Xuất phát từ một sự kiện không rõ thực hư vào năm 1947, nơi đây đã trở thành thánh địa của những người mê săn đuổi hiện tượng ngoài Trái đất.
Mà thực ra, Roswell cũng là nơi hiếm hoi mà bạn có thể thỏa sức sống trong mộng tưởng về người ngoài hành tinh mà không bị coi là kẻ lập dị. Khắp nơi tràn ngập biểu tượng về UFO và thậm chí, hàng năm người dân còn tổ chức lễ hội với chủ đề về các sinh vật ngoài Trái đất. Có thế nói, với độ fan cuồng như vậy, kể cả người ngoài hành tinh có đi lại trên đường phố thật cũng chẳng thể làm dân xứ này ngạc nhiên.
Thị trấn bị đá đè
Sự khan hiếm đất đai sinh sống khiến con người có thể chấp nhận an cư ở những địa điểm không thể tưởng tượng được. Thị trấn Setenil de las Bodegas ở Tây Ban Nha cũng nằm trong số đó khi người dân ở đây đã chịu khó đẽo đá mở đường để xây dựng ngay dưới một tảng đá khổng lồ.
Video: Thị trấn kỳ lạ nơi người dân bị cấm... đột tử
Các ngôi nhà ở đây hầu hết đều tận dụng các không gian từ hang động tự nhiên và chỉ cần xây thêm một bức tường trắng bên ngoài là đủ. Cách này khiến cho thị trấn mang một vẻ ngoài độc đáo lúc nào cũng như bị đá đè lên trên.
Và mặc dù trông hoang sơ và thô mộc như vậy nhưng thị trấn Setenil vẫn bắt kịp nhịp độ phát triển bên ngoài. Với không khí mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, thực phẩm tươi ngon được bảo quản tự nhiên, các quán bar, nhà hàng ở đây luôn được đánh giá rất cao.
Thị trấn toàn người chết
Thật thú vị khi chúng ta bắt đầu danh sách bằng một thị trấn không được chết và kết thúc với một thị trấn người chết quá nhiều. Thị trấn Colma nằm ở California có số dân cư nằm dưới lòng đất nhiều hơn số người sống đến gần một ngàn người. Nhưng đừng lo, thị trấn này không “độc hại” đến thế, mà chẳng qua vì nơi đây có tới 17 nghĩa trang.
Sự thật éo le này xuất phát từ quyết định của chính quyền địa phương cho di chuyển tất cả các nghĩa trang gần khu vực San Francisco tới đây. Với hình ảnh cái chết luôn cận kề bên cạnh, người dân ở đây ngược lại, luôn vô cùng lạc quan với phương châm “Thật hạnh phúc khi còn là người sống ở Colma!”
Bình luận