Vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid 19 và những biến động trên thế giới, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.
Kinh tế Việt Nam mang nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong năm 2022.
Tăng trưởng GDP năm 2022 dự kiến đạt 7,5-8%. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1-3,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 12,18%.
Hội nghị Trung ương 5 và Trung ương 6, khóa XIII đã quyết định nhiều nội dung quan trọng như: Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính sách, pháp luật về đất đai; Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể; Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới...
Tại Hội nghị Trung ương 6, Trung ương xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng.
Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết Vùng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa, cụ thể hóa thành các chương trình, dự án, quyết định cụ thể và tổ chức triển khai ngay trong thực tiễn, mở ra cơ hội phát triển bền vững, toàn diện của đất nước cả trước mắt và lâu dài.
Nhiều cán bộ cấp chiến lược bị loại khỏi Trung ương trong năm 2022.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực ở 63 tỉnh, thành bước đầu có hiệu quả. Việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm được tiến hành thận trọng, khách quan, công tâm, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần 2.500 vụ về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; Tập đoàn Vạn Thịnh Phát....
Công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ.
Chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 30/10 đến 1/11 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện đặc biệt quan trọng, đạt kết quả toàn diện, góp phần củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng .
Cùng với đó là các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chuyến thăm Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyến thăm Hungary, Anh, Australia, New Zealand, Philippines của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Việt Nam cũng tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các diễn đàn khu vực và quốc tế như: ASEAN, AIPA, APEC, Liên Hợp Quốc…
Năm 2022 cũng đánh dấu việc tổ chức thành công Năm đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia.
Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã lần thứ 2 trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, diễn ra ở New York, Mỹ với số phiếu rất cao.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Kết quả bầu cử là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Với trọng trách tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.
Với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) từ ngày 12-23/5/2022.
U23 Việt Nam vô địch SEA Games 31.
Qua 14 ngày tranh tài, đoàn thể thao chủ nhà Việt Nam đoạt 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng. Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với hàng loạt những thành tích ấn tượng, đã bảo đảm một kỳ SEA Games công bằng, công khai, thể hiện tinh thần thể thao cao thượng, tinh thần đoàn kết của cộng đồng ASEAN.
Việt Nam đã tạo ấn tượng sâu sắc về một nước thành viên ASEAN thân thiện, mến khách, chu đáo, đã hoàn toàn hồi phục và đang phát triển mạnh mẽ.
Năm 2022 chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của các thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, xăng dầu…
Thị trường bất động sản năm 2022 đã trải qua nhiều biến động.
Thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, tăng kỷ lục trong những tháng đầu năm và đảo chiều lao dốc liên tục trong những tháng cuối năm.
Do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước tăng kỷ lục, cùng với đó là tình trạng đứt gãy nguồn cung khiến nhiều các cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa hoặc mở bán cầm chừng. Hiện tượng này một phần do quyết tâm xử lý các bất cập, tồn tại lâu dài của hoạt động kinh doanh ở một số doanh nghiệp lớn, vừa đặt ra ưu tiên phải tiếp tục giải quyết một cách quyết liệt, dứt điểm trong năm 2023.
Hàng loạt các bệnh viện trong cả nước rơi vào tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế kéo dài vì nhiều lý do, trong đó có những vướng mắc trong các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau.
Năm 2022, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng trong toàn hệ thống khám, chữa bệnh.
Tình trạng này đã gây ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh, ảnh hưởng tới vấn đề công bằng và an sinh xã hội. Đây là một ưu tiên chỉ đạo xử lý của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan.
Nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; ngày 17/12 tại Bắc Ninh diễn ra Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa".
Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề ‘’Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ diễn ra tại Bắc Ninh.
Các hội thảo này diễn ra sau 1 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc cho thấy ưu tiên của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong việc quyết tâm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần và là động lực phát triển của đất nước theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số giúp rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 2022 là năm chứng kiến những kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và giao dịch điện tử. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân, toàn diện, với sự tham gia tích cực của các Bộ, Ngành, địa phương.
Nghị quyết Trung ương 6 đã chính thức coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bình luận