• Zalo

10 sự kiện giáo dục khiến dư luận quan tâm nhất năm 2017

Giáo dụcThứ Sáu, 16/02/2018 07:26:00 +07:00Google News

Năm 2017, nhiều sự kiện giáo dục với những thay đổi tích cực hay tiêu cực khiến dư luận quan tâm.

1. Hàng loạt vụ bạo hành trẻ khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ

Năm 2017, cộng đồng mạng sôi sục bởi nhiều vụ bạo hành trẻ em từ cô giáo mầm non, người giúp việc...

Điển hình là vụ bạo hành trẻ mầm non Mầm Xanh ở quận 12, TP.HCM khiến dư luận bàng hoàng. 3 bảo mẫu của trường mầm non này liên tục dùng tay, chân... đánh trẻ. Thậm chí, có bảo mẫu còn dùng dao đe dọa trẻ...

Ngay sau vụ việc, phòng GD-ĐT quận 12 đã đến lập biên bản cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh.

bao hanh 4

 Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em xảy ra khiến dư luận bức xúc.

Ngoài ra, vụ hai vợ chồng ở Hà Nội tra tấn, đánh đập con như thời trung cổ ở ngay Hà Nội cũng khiến dân mạng phẫn uất.

Công an đã tạm giữ hình sự đối với Trần Hoài Nam (34 tuổi, trú phường Nghĩa Đô) để điều tra về hành vi hành hạ con trai 10 tuổi là bé T.G.K. trong thời gian dài. Bên cạnh đó, Công an đã mời mẹ kế cháu K lên Công an phường Nghĩa Đô làm việc.

Cháu K. tường trình, thời gian ở với bố đẻ và dì, em thường xuyên bị đánh.

Chưa hết, vụ bé gái bị cha ruột đánh đập và dùng thanh sắt nung đỏ tra tấn cháu bé ở Kiên Giang thực sự khiến dư luận bàng hoàng.

Video: Những vụ bạo hành trẻ en gây chấn động dư luận

Bé Thảo là con của chị Huỳnh Thị Bích Vân (27 tuổi) và anh Nguyễn Văn Hòa (29 tuổi), cùng cư ngụ tại huyện Châu Thành. Khi ly hôn, vì chị Vân không hiểu pháp luật và liên tục bị chồng hành hung, dọa giết cả nhà nên chị hoảng sợ, nhường quyền nuôi con lại cho anh Hòa.

Kể từ lúc sống riêng, mỗi đêm chị và hàng xóm đều nghe thấy tiếng bé Thảo khóc la. Khi có người khuyên can, anh Hòa đều lớn tiếng chửi mắng thậm chí còn dọa giết.

Những vụ việc này cũng đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra và truy tố những đối tượng có hành vi phạm tội.

2. Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt khiến dư luận tranh cãi gay gắt

Cách cải tiến Tiếng Việt mà PGS-TS Bùi Hiền đề xuất trong một cuốn sách mới xuất bản gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, đó là cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do NXB Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại trường Đại học Quy Nhơn hồi tháng 9/2017.

PGS Bùi Hiền đề xuất sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.

1_56183-4-2230531-1535588 5

  PGS-TS Bùi Hiền.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, tuy đề xuất này khó có thể trở thành hiện thực nhưng những đóng góp, những nghiên cứu khoa học đúng nghĩa thì cần được trân trọng. 

Trước đề xuất này, Bộ GD-ĐT đã có thông cáo báo chí liên quan việc đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền.

Bộ GD-ĐT cho rằng, để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Video: PGS Bùi Hiển chuyển Truyện Kiều sang 'Tiếnq Việt" cải tiến

Trong khi dư luận chưa hết tranh luận về đề xuất cải cách một phần phụ âm "Tiếq Việt", mới đây, PGS.TS Bùi Hiền đã hoàn thiện nghiên cứu phần nguyên âm và quyết định công bố sớm hơn dự định.

Trả lời PV VTC News, PGS Bùi Hiền cho biết, ông dự định công bố trọn vẹn bản nghiên cứu (gồm 2 phần) vào tháng 3/2018 nhưng sau đó quyết định công bố sớm.

PGS Bùi Hiền cho biết, phần thứ nhất đã công bố mới chỉ đề cập cải tiến hệ thống phụ âm theo đúng nguyên tắc “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt”.

Trong phần thứ hai này, PGS Bùi Hiền hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của Tếng Việt. Tác giả tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của Tiếng Việt (Hà Nội), từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc "một âm vị - một chữ cái".

3. Quốc hội quyết định lùi 2 năm việc thực hiện chương trình, SGK phổ thông mới

Ngày 21/11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK).

Thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.

Quyết định này được xem là hợp lý để đào tạo nguồn giáo viên đạt chuẩn và có thời gian để chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa một cách kỹ lưỡng.

Để triển khai lộ trình trên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

4. Đổi mới thi THPT quốc gia và "mưa điểm 10"

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT Quốc giavới hầu hết môn trắc nghiệm, trừ Ngữ văn.

Các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) lần đầu được xuất hiện. 24 thí sinh trong một phòng, mỗi em làm một mã đề trắc nghiệm. Cả kỳ thi kéo dài 2,5 ngày, thí sinh được dự thi tại tỉnh nhà.

Trái với những lo ngại về hình thức thi trắc nghiệm, nhất là với các môn Toán, Lịch sử, kỳ thi diễn ra gọn nhẹ, giống như thi học kỳ.

Video: Đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Khó "mưa điểm 10"

Cả phụ huynh và học sinh đều hài lòng với cách thức tổ chức thi, đề thi. Bộ Giáo dục đánh giá "rất thành công, sẽ áp dụng phương thức tổ chức thi này cho nhiều năm sau". 

Đến ngày công bố điểm thi THPT Quốc gia, cả nước lại xôn xao trước hiện tượng "mưa điểm 10".

Có hơn 4.000 điểm tuyệt đối, so với kỳ thi năm 2016, cao gấp hơn 50 lần.

5. Tranh luận có cần thiết phải có ngày khai giảng nữa không?

Bắt đầu từ bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo Trương Anh Ngọc vào tháng 8/2017, nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt liệu có nên bỏ ngày khai giảng hiện nay không vì còn quá nhiều điểm hình thức.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, ngày khai giảng hiện nay không cần thiết vì đã không còn giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa.

Nhiều người đặt câu hỏi có cần nữa không ngày khai giảng khi hiện nay, ngày khai trường lại không phải là ngày đầu tiên học sinh tới trường và ngày lễ khai giảng tổ chức mang tính hình thức, phô trương không mang lại ý nghĩa thật sự của giáo dục.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần tổ chức một cách đơn giản, ý nghĩa, thiết thực thì ngày khai giảng vẫn cần thiết với học sinh

Trước những lo ngại của phụ huynh học sinh cũng như của toàn xã hội, sáng ngày 21/8, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải xem xét lại hiện tượng các trường đều tựu trường sớm trước ngày khai giảng.

Video: Trường có học phí nửa tỷ đồng ở Hà Nội khai giảng ra sao?

6. PGS Văn Như Cương - cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà qua đời ở tuổi 80

PGS Văn Như Cương qua đời rạng sáng 9/10/2017. Ông bị mắc bệnh ung thư đã 3 năm nay. Sự ra đi của thầy Cương để lại niềm tiếc thương cho gia đình, bạn bè, và bao thế hệ học trò.

PGS Văn Như Cương sinh 1937, là nhà giáo, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia. Ông là tiến sĩ toán học, được phong học hàm phó giáo sư.

Thầy Văn Như Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường.

7. Đưa cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược vào SGK Lịch sử 

Ngày 18/8, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn, trên cơ sở chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ.

Bộ Lịch sử Việt Nam này có nhiều điểm mới như chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc; nhìn nhận công lao nhà Mạc cùng chúa Nguyễn và các vương triều nhà Nguyễn, không gọi chính quyền Việt Nam cộng hoà là ngụy quân, ngụy quyền như trước…

chien tranh 6

  Hình ảnh minh họa cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc.

PGS. TS Trần Đức Cường (nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách) cho biết, đây là tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ sử học. Hơn 30 nhà nghiên cứu sử học mất 9 năm để biên soạn bộ sử 15 tập, dày gần 10.000 trang này.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc trình bày lịch sử đúng như sự thực đã diễn ra trong quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại. Ví dụ, việc Trung Quốc xâm lược nước ta và quân dân ta đã một lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược là sự thật cần phải ghi lại trong SGK Lịch sử. Chúng ta cần phải dạy cho học sinh biết những sự thật như vậy.

8. Kỳ tích của các đội tuyển Olympic Quốc tế: Đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay ở tất các các đội tuyển

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thành tích của các em tham dự kỳ thi Olympic quốc tế ở các môn Sinh, Toán, Vật lý, Hóa học… là chưa từng có trong lịch sử. Thành tích này thêm một lần khẳng định sự thông minh, hiếu học của học sinh Việt Nam. 

olymic-toan-8-1540576 7

 Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu, 35 điểm) đoạt huy chương vàng thi Olympic Toán quốc tế.

Ví dụ, trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế, đội tuyển Việt Nam giành thành tích cao nhất từ trước đến nay trong kỳ thi năm 2017 tại Vương quốc Anh.

Theo đó, đoàn Việt Nam xếp thứ 12 trên tổng số 68 nước và vùng lãnh thổ tham dự.

Đặc biệt, điểm thi của em Trương Đông Hưng đạt 55% điểm thực hành và 75% điểm lí thuyết, đứng thứ 22/245 thí sinh; là thành tích cá nhân cao nhất trong các lần học sinh Việt Nam tham dự thi Olympic Sinh học quốc tế.

Hay ngày 18h, ngày 15/7, các thành viên Đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2017 từ Thái Lan đã đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội trong sự chào đón của gia đình, thầy cô, bạn bè...

Video: 'Cậu học trò nghèo đạt huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2017': Tuổi thơ cơ cực ít ai biết

Đội tuyển Việt Nam đã đem về thành tích cao nhất từ trước tới nay với ba huy chương Vàng, một huy chương Bạc.

Trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, đội tuyển Việt Nam giành kết quả cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự. Trên thực tế, đội tuyển Việt Nam cũng từng đứng thứ 3 ở các năm 1999 và 2007 nhưng năm này có số huy chương Vàng nhiều hơn.

9. Đề xuất loại tác phẩm Chí phèo khỏi SGK

Đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền về loại Chí Phèo khỏi SGK ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không thực tế và cho rằng tác giả chưa hiểu rõ về tính nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

1_55198-2229206-10-1543547 8

  Chí Phèo - Thị Nở.

Gần đây, nhiều ý kiến tranh cãi trước đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK Ngữ văn 11 của tác giả Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh trường Đai học Newcastle (Australia).

Đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Khi đọc bài viết của anh Hiền, GS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) đã thốt lên: “Không hiểu sao bây giờ lắm kẻ muốn đốt đền quá”.

Còn PGS Đỗ Ngọc Thống (Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới) khẳng định: “Bài viết ấy không đáng bàn, vì hiểu về tác phẩm Chí Phèo như thế chứng tỏ trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp”.

Video: Đề xuất loại Chí Phèo ra khỏi SGK lớp 11: "Cách nhìn non nớt và dung tục"

10. Bỏ biên chế giáo viên gây tranh cãi

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khiến dư luận hoang mang khi phát biểu bỏ biên chế là xu thế tất yếu và sẽ thí điểm tại một số trường.

Cu thể, ngày 16/5, thông tin Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định, sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục, được xã hội quan tâm.

Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà theo chế độ hợp đồng có vào - ra. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng.

Mặc dù chưa đi vào triển khai, thông tin Bộ trưởng GD-ĐT đưa ra được giáo viên trên cả nước tiếp nhận với tâm lý lo lắng. 

Video: Hà Nội sắp tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay

Trước nhiều ý kiến phản đối, chiều 6/6, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất thí điểm chuyển giáo viên,viên chức sang hợp đồng lao động với một số trường đại học và trung học phổ thông đủ điều kiện.

Bộ GD-ĐT chưa xem xét thí điểm đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa, biên giới.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn