Trong phiên xử sáng 12/1, Phạm Công Danh thừa nhận hành vi thành lập 12 công ty “ma”, dựng hồ sơ ảo để vay 4.700 tỷ của BIDV. Tuy nhiên, bị cáo Danh nói để dẫn đến sai lầm phải đứng trước HĐXX ngày hôm nay, có bối cảnh đưa đẩy. Trong đó, Ngân hàng Đại Tín bị sự thúc ép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), buộc phải tăng vốn. "Hành vi của tôi là sai nhưng phải xét bối cảnh. Nếu NHNN không thúc ép tăng vốn, thì tôi không làm sai”, bị cáo Danh nói
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) khai rằng tại thời điểm ông Danh về tiếp quản ngân hàng Đại Tín, ngân hàng này đang gặp khó khăn vì phải trả các khoản nợ trước đó của các giám đốc, nhất là khoản lãi ngoài trả cho ông Trần Quý Thanh. "Đây là áp lực khủng khiếp cho anh Phạm Công Danh. Tổng cộng anh Danh phải chi số tiền 9.000 tỷ để chăm sóc khách hàng", Mai nói.
Trong những ngày xét hỏi, bị cáo Phạm Công Danh nhiều lần năn nỉ được nói rõ về số tiền 2.760 tỷ dùng để trả lãi ngoài cho cha con ông Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát). Ông cho rằng cùng thời điểm ngân hàng gặp khó khăn, cộng thêm khoản trả lãi ngoài quá lớn này nên ông mới có hành động vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chủ toạ Phạm Lương Toản ngắt lời, không cho ông Danh trình bày vì cho rằng bị cáo đã khai ở giai đoạn 1, phần này không nằm trong phạm vi xét xử ở giai đoạn 2.
Cùng bị đưa ra xét xử với Phạm Công Danh có những bị cáo vốn là lái xe, bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh. Những người này làm giám đốc cho các công ty "ma" để vay tiền các ngân hàng. Trước HĐXX, Phạm Công Danh đã xin xem xét cho những nhân viên này: "Tôi không hề áp đặt họ bất kỳ một điều gì. Vì niềm tin mà họ nghe lời tôi. Mong HĐXX xem xét vì hoàn cảnh những nhân viên này rất khó khăn".
Bị cáo Trầm Bê nói rằng hành vi cho Phạm Công Danh vay tiền thông qua 6 công ty "ma" xuất phát từ nhận thức khác nhau về các quy định của luật Tổ chức tín dụng chứ bản thân ông không cố tình làm sai. “Luật quy định nếu thu được vốn, không bị mất tài sản thì sẽ không bị khởi tố hình sự”, Trầm Bê nói. Đại gia này phân bua rằng nếu hiểu sai quy định của luật Tổ chức tín dụng thì chỉ có Sacombank liên quan. Tuy nhiên, trong vụ việc này, ngoài Sacombank còn có TPbank và BIDV . Từ đó, Trầm Bê khẳng định việc bị quy tội Cố ý làm trái khiến đại gia này không phục.
Cùng với Phạm Công Danh, bị cáo Phan Thành Mai cũng liên tục nhắc đến khoản tiền 4.500 tỷ dùng để tăng vốn điều lệ bất thành. Bị cáo Mai cho rằng hiện số tiền này vẫn nằm tại tài khoản tiền gửi của VNCB ở Sở giao dịch 2 Ngân hàng Nhà nước. Mai cũng xin HĐXX xem xét để thu hồi số tiền 4.500 tỷ này, khấu trừ vào thiệt hại giai đoạn 2 như cáo trạng đã nêu.
Suốt 10 ngày xét hỏi, Phạm Công Danh nhiều lần năn nỉ để được khai về 3.600 tỷ chuyển cho bà Hứa Thị Phấn, 2.760 tỷ trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh. Luật sư bào chữa cho bị cáo này cũng liên tục thẩm vấn về khoản tiền này. Tuy nhiên, chủ toạ Phạm Lương Toản nhiều lần nhắc nhở ông Danh cũng như các vị luật sư không trình bày những phần thuộc về bản án giai đoạn 1 vì không nằm trong phạm vi xét xử.
VKS cho biết trong công văn VKSND Tối cao gửi Bộ Công an có đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thu hồi 6.126 tỷ đồng thiệt hại về cho VNCB nhưng cáo trạng xác định đến nay Bộ Công an chưa thu hồi số tiền này. Tại tòa, bà Tăng Thị Nga (điều tra viên tham gia thụ lý hồ sơ vụ án) cho biết: “6.126 tỷ đồng này VKS xác định vật chứng vụ án nhưng lại không nói rõ cơ chế thu. Trong quá đình điều tra, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định và xác định việc gửi tiền, thu tiền của 3 ngân hàng không sai nên không có căn cứ để thu hồi số tiền này”.
Trong suốt nhiều ngày xử, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) vắng mặt, cử người đại diện nộp hồ sơ bệnh án chứng minh đang điều trị ung thư tại Singapore. Tuy nhiên, VKS đề nghị HĐXX kiểm tra xem ông Hà có thật sự đang đi chữa bệnh thật hay không. Đến ngày 16/1, người đại diện đã nộp cho HĐXX thủ tục có hợp pháp hóa lãnh sự, chứng minh việc ông Hà đang điều trị bệnh tại Singapore.
Tại phiên xử chiều 11/1, khi VKS đặt câu hỏi về việc dòng tiền VNCB dùng để trả cho BIDV là tiền do phạm tội mà có, BIDV thu về giờ xử lý như thế nào? Ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV) khẳng định: “Doanh nghiệp có nợ đến hạn trả thì chúng tôi thu chứ không biết đó là tiền phạm pháp hay không".
Bình luận