Gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, hoạt động của các HTX trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng có hiệu quả. Đặc biệt, nhiều HTX nông nghiệp đã “thay da, đổi thịt” nhờ “xốc” lại sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho nông nghiệp - nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Nhiều mô hình độc đáo
Không còn cảnh nông dân còng lưng cấy hái, “chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương” mỗi khi vào mùa vụ hay lo lắng đầu ra nông sản bấp bênh, thương lái ép giá... Đó là kết quả ấn tượng mà HTX Nông nghiệp An Mỹ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Ðức) với những dịch vụ cơ giới nông nghiệp, liên kết chuỗi sản xuất mang lại cho thành viên trong nhiều năm qua.
Chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, từ vốn quỹ HTX năm 2015 chỉ có 5,7 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên gần 11 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Oanh, Giám đốc HTX An Mỹ cho biết: Hiện, HTX có 2.750 thành viên, trong đó có 6 thành viên được cử đi học lớp liên thông đại học, 5 công nhân quản lý điện được đầu tư kinh phí học lớp cao đẳng điện lực...
Nhờ nguồn nhân lực, nguồn vốn không ngừng bổ sung, HTX An Mỹ đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và trở thành đơn vị duy nhất của huyện thực hiện thành công mô hình gieo sạ lúa theo hàng bằng giàn kéo tay từ năm 2008, đến nay, diện tích gieo sạ của HTX đã tăng lên 90% diện tích lúa.
Khi đó, năng suất lúa vụ xuân và vụ mùa đều đạt hơn 60 tạ/ha; đồng thời, HTX chuyển đổi vùng đất trũng kém hiệu quả sang mô hình cá – lúa kết hợp cho doanh thu từ 200 – 250 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 2-3 lần so với trước.
Không chỉ góp phần giải phóng sức lao động, HTX còn đi đầu trong xây dựng các mô hình nông nghiệp mới bằng sự chủ động liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Nhiều năm qua, HTX đã liên kết với Công ty Giống cây trồng trung ương sản xuất giống trên diện tích gần 100ha, cung ứng từ 100 - 200 tấn/năm và Công ty CP Vật tư Hoa Nam xây dựng vùng trồng hơn 40ha khoai tây phục vụ chế biến bim bim cho trẻ em.
Hướng đi này cũng được áp dụng thành công trong các mô hình chăn nuôi của HTX. Cụ thể, HTX liên kết với Công ty cổ phần Việt Nam, chăn nuôi lợn quy mô hơn 5 ha với tổng số hơn 3.500 con/lứa (một năm hai lứa), giúp hoàn chỉnh quy trình từ sản xuất, sơ chế, đến tiêu thụ sản phẩm…
Tương tự, tiên phong trong áp dụng mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, HTX Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) đã chủ động liên kết, hợp tác giữa với doanh nghiệp, huy động vốn góp của các thành viên, hình thành các tổ sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, mô hình hoạt động bao gồm: Trang trại nông nghiệp hữu cơ mẫu, trang trại trải nghiệm, nhà máy chế biến sữa, nhà máy bao bì, nhà máy phân bón hữu cơ, hệ thống cửa hàng bán giới thiệu sản phẩm, hệ thống các trang trại vệ tinh đồng thời là thành viên của HTX.
Giám đốc HTX Tạ Viết Hùng thông tin: Được thành lập từ năm 2012, với 13 thành viên, nhận thấy tiềm năng từ mô hình nông nghiệp sạch, năm 2018, HTX đã chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ mô hình sản xuất chuỗi khép kín an toàn, đến nay HTX đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”, trung bình sản lượng sữa hằng năm đạt khoảng 800.000 lít với 8 sản phẩm từ sữa, doanh thu ước tính 10 tỷ đồng/năm, có mặt rộng rãi trên thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Bình…
1.182 HTX hoạt động hiệu quả vào cuối năm 2021
Từ những mô hình có cách làm độc đáo, hiệu quả, có thể nói việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua ký kết, hợp tác giữa các đơn vị với nhau đã tạo chuỗi cung ứng thực phẩm với giá cả, chất lượng ổn định giúp HTX hoạt động hiệu quả, không bị “đứt gãy”, gián đoạn trước tác động của đại dịch Covid-19.
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội đã tập trung thực hiện phong trào phát triển mô hình kinh tế tập thể, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, số lượng mô hình HTX kiểu mới liên tục tăng lên, tạo hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa sâu rộng điển hình như: HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Đan Phượng), HTX Đan Hoài (Đan Phượng), HTX rau quả Hồng Thái (Phú Xuyên)…
Giai đoạn 2008 - 2020, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thuộc Liên minh HTX TP. Hà Nội đã kịp thời hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển sản xuất kinh doanh trên 4.026 dự án với tổng dư nợ cho vay là 1.043,8 tỷ đồng. Ước năm 2021, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ hỗ trợ được 350 dự án với tổng dư nợ cho vay là 100 tỷ đồng.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phân loại HTX của các quận, huyện, thị xã, ước đến cuối năm 2021, TP.Hà Nội có 2.261 HTX trong đó 1.182 HTX hoạt động hiệu quả, 35 HTX ngừng hoạt động, tồn tại trên danh nghĩa, chờ giải thể không đủ điều kiện thực hiện tổ chức lại (chuyển đổi) theo Luật HTX năm 2012.
Tuy nhiên, hiện, TP. Hà Nội vẫn còn nhiều HTX gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu vốn hoạt động, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh kém. Các dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm ít HTX làm được; nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp chưa có trụ sở làm việc; tài sản, vốn quỹ của HTX không tăng hoặc tăng chậm; chưa mở rộng liên kết giữa các HTX trên địa bàn và liên kết với doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa…
Để nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, thời gian tới, các HTX cần xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở lợi thế của địa phương.
Cùng với đó, các cấp, các ngành hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng năng lực trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý HTX và thành viên; hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước về vốn, mặt bằng sản xuất, khoa học, kỹ thuật…
Có thể nói, với số lượng Hợp tác xã và mô hình Kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả đang ngày một lớn mạnh, hy vọng trong tương lai, những đơn vị này tiếp tục gặt hái được thành công.
Bình luận