Vợ bệnh nhân cho biết 10 năm qua anh uống rượu mỗi ngày, thường bị run tay, hay la hét, giận dữ, đập phá đồ đạc, đánh chửi vợ con, có khi không nhận thức được người xung quanh.
Bác sĩ Cao Tiến Đức sáng 18/11 cho biết bệnh nhân không có nhận thức phải cai rượu, trong khi để điều trị tâm thần cần ngừng uống rượu hoàn toàn. Hiện bệnh nhân được thuốc an thần, chống trầm cảm hàng ngày, vitamin, dưỡng não. Nếu tình trạng không cải thiện sẽ phải dùng liệu pháp sốc điện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nghiện rượu là nhu cầu thèm muốn, đòi hỏi thường xuyên đồ uống có cồn hình thành thói quen, gây rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe. Lượng rượu uống của bệnh nhân ngày càng tăng dần, tối thiểu 300 ml rượu 40 độ cồn mỗi ngày.
Bác sĩ Cao Tiến Đức cho biết rượu có thể làm ức chế hệ thần kinh, sử dụng lâu dài gây teo não, thoái hóa tiểu não, động kinh, bệnh thần kinh ngoại biên. Ngoài ra người nghiện rượu dễ mắc bệnh viêm gan, xơ gan, bệnh về cơ, bệnh cơ tim, viêm loét dạ dày.
Các rối loạn tâm thần do uống rượu gồm cảm xúc không ổn định, cáu giận, lo âu, rối loạn hành vi. Uống rượu với liều thấp, bệnh nhân xuất hiện tình trạng loạn thần cấp, dễ có những hành vi nguy hiểm, mất kiểm soát ý thức, đôi khi có ảo giác. Ở mức độ nặng, ảo giác kéo dài, chủ yếu là ảo thị, ảo thanh.
Theo bác sĩ Đức, hiện khó tiên lượng thời gian điều trị tâm thần cho bệnh nhân Chí. Khi ra viện, bệnh nhân vẫn có thể tái nghiện rượu. Vì vậy, gia đình cần giám sát người bệnh, phục hồi chức năng tâm lý xã hội để chống tái nghiện, giúp ông tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Bệnh nhân cần thường xuyên tái khám các vấn đề về tâm thần.
* Tên bệnh nhân được thay đổi.
Bình luận