Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh, lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên đã được các nước viện trợ chuyển đến Ukraine. Dự kiến đến cuối năm 2024, Ukraine có 20 máy bay F-16 hoạt động. Số còn lại do Đan Mạch và Hà Lan cam kết viện trợ sẽ chuyển đến Kiev theo từng đợt trong năm 2025.
Cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, tướng Ben Hodges bày tỏ thất vọng về sự chậm trễ trong việc vận chuyển F-16 đến Ukraine. Ông Ben Hodges cũng tiết lộ lý do chính gây ra sự chậm trễ này là khó khăn trong khâu đào tạo phi công Ukraine.
Hà Lan và Đan Mạch là một trong số những quốc gia đầu tiên đồng ý cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine. Nhà Trắng từng xác nhận Kiev sẽ nhận được máy bay phản lực do Mỹ sản xuất từ nước thứ ba sau khi phi công Ukraine hoàn thành khóa đào tạo.
Hiện vẫn chưa rõ liệu phi công Ukraine được phương Tây đào tạo để vận hành máy bay có thể sử dụng máy bay chiến đấu ngay lập tức hay không.
Các nước phương Tây đào tạo cho các phi công và nhân viên mặt đất Ukraine trong nhiều tháng.
Quân đội Ukraine phải dựa vào một phi đội máy bay phản lực tương đối nhỏ từ thời Liên Xô để chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nhiều quan chức Ukraine xem việc bổ sung F-16 là nâng cấp quan trọng đối với không quân nước này.
Thời gian qua, nhiều nước phương Tây tăng cường viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga. Điện Kremlin cảnh báo không nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, điều này dễ dẫn đến cuộc xung đột ngày càng leo thang.
Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc nói chuyện với phi công quân sự Nga và nhấn mạnh F-16 sẽ không thay đổi tình hình đối với Kiev. "Việc phương Tây cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine sẽ không thay đổi được tình hình trên chiến trường”, ông Putin nói.
Bình luận