Bên cạnh những nhà vô địch và màn trình diễn xuất sắc của các cầu thủ, đội bóng, lịch sử các vòng chung kết EURO cũng mang đến cho người hâm mộ nhiều kỳ ức đáng nhớ. Đó có thể là những vụ tranh cãi, sự cố thú vị ngoài yếu tố chuyên môn mang đến nhiều cảm xúc cho cả các cầu thủ lẫn người xem.
Màn tung đồng xu độc nhất ở EURO
EURO 1968 chỉ có 4 đội tuyển tham gia, không cho phép thay người và chưa có sút luân lưu. Vì vậy, khi tuyển Italy và Liên Xô chạm trán ở trận bán kết và không ghi được bàn thắng, người ta đã phân thắng thua bằng cách tung đồng xu.
Hậu vệ đội tuyển Italy là Tarcisio Burgnich rất tự tin khi biết rằng thủ quân Giacinto Facchetti, tham gia vào việc tung đồng xu. “Mọi thứ đã xong xuôi. Facchetti là người may mắn!", Tarcisio Burgnich nói.
Quả đúng như vậy, Facchetti đoán đúng mặt sấp của đồng xu và tuyển Italy lọt vào chung kết tại Rome.
Nỗi ấm ức của Bồ Đào Nha ở EURO 2000
Tuyển Pháp thắng Bồ Đào Nha 2-1 ở bán kết EURO 2000 nhờ bàn thắng vàng của Zidane ở phút 117 (penalty). Tình huống mà tuyển Pháp được hưởng penalty gây tranh cãi dữ dội trên sân.
Sylvain Wiltord của tuyển Pháp dứt điểm sát đường biên ngang nhưng cầu thủ Bồ Đào Nha, Abel Xavier đã kịp thời chặn cú sút này. Theo pha quay chậm, bóng đã chạm tay của Abel Xavier.
Trọng tài Gunter Benko ban đầu ra dấu hiệu cho quả phạt góc nhưng trợ lý của ông đã thông báo về tình huống Abel Xavier chơi bóng bằng tay trong vòng cấm.
Tranh cãi dữ dội đã bùng nổ trên sân. Xavier xô đẩy trọng tài chính trong khi đồng đội của anh, Paulo Bento cố giật lấy thẻ đỏ mà trọng tài Benko đang giơ cho Nuno Gomes vì hành động xô đẩy ông ấy.
Theo báo cáo của UEFA, một cầu thủ không rõ danh tính còn nhổ nước bọt vào trợ lý trọng tài. Bộ ba cầu thủ này đã nhận án phạt nặng, bị cấm thi đấu dài hạn ở tất cả các giải đấu châu Âu. Tuy nhiên Xavier vẫn cho rằng mình vô tội và tuyên bố: "Tôi thực sự sốc và thất vọng”.
3 quả phạt đền bị từ chối ở EURO 1996
Tuyển Anh thắng Tây Ban Nha ở loạt đá luân lưu tại tứ kết EURO 1996. Tuy nhiên các cầu thủ Tây Ban Nha có lý do để bất mãn khi mà họ đã bị từ chối 3 quả 11m và không được công nhận 2 bàn thắng trong khoảng thời gian thi đấu chính thức.
Các pha quay chậm cho thấy cầu thủ Salinas đã tính toán bước chạy của mình một cách hoàn hảo trước khi chọc thủng lưới David Seaman trong hiệp 1 nhưng trọng tài biên lại căng cờ báo việt vị.
Các cầu thủ Tây Ban Nha uất ức cho rằng trọng tài đã gây bất lợi cho mình.
“Chúng tôi không chỉ đối đầu với 11 cầu thủ, 80 nghìn CĐV ở Wembley mà còn cả 3 trọng tài. Như thế thì thắng làm sao được”, Salinas cay đắng nói.
Cú "thiết đầu công" ở EURO 1992
Hậu vệ trái của tuyển Anh, Stuart Pearce nhận cú húc đầu như trời giáng của trung vệ người Pháp Basile Boli trong trận hòa 0-0 ở vòng bảng. Đó là hành động trả đũa việc Pearce vào bóng thô bạo với Jocelyn Angloma trước đó. Cầu thủ người Anh bị choáng váng trước cú húc đầu nhưng nhanh chóng đứng dậy. Tuy nhiên máu từ má của Pearce rỉ ra.
Trọng tài điều khiển trận đấu, Sandor Puhl được xem là một trong những trọng tài giỏi nhất trong lịch sử bóng đá, nhưng ông đã không phát hiện ra hành vi bạo lực khiến Pearce chảy máu ở má. Đáng nói, Stuart Pearce không tố cáo Basile Boli sau tình huống này. Thay vào đó, Pearce quay sang Jocelyn Angloma để dằn mặt, cáo buộc cầu thủ này đã phạm lỗi với mình và tuyên bố anh sẽ trả thù.
Chiêu trò này của Pearce đã phát huy tác dụng khi Angloma chẳng còn tâm trí đâu để thi đấu. “Angloma đã bận rộn trong 20 phút kế tiếp để phủ nhận về pha húc đầu”, Pearce nhớ lại.
Bàn thắng gây tranh cãi của Hà Lan ở EURO 1988
Tuyển Hà Lan thắng 1-0 Ireland ở trận cuối vòng bảng tại EURO 1988. Chiến thắng này giúp “Cơn lốc màu da cam” đoạt vé vào vòng trong với tư cách nhì bảng. Cú đánh đầu ở phút 82 của Wim Kieft đã mang về chiến thắng và vé đi tiếp cho ĐT Hà Lan.
Tuy nhiên theo pha quay chậm, bàn thắng này lẽ ra không được công nhận do Van Basten, tiền đạo của ĐT Hà Lan đã việt vị. “Van Basten đã việt vị”, Wim Kieft thừa nhận sau đó.
ĐT Ireland cảm thấy tiếc nuối bởi nếu hòa thì họ sẽ vào bán kết. Tuy nhiên việc bị loại từ vòng bảng hóa ra lại giúp ích cho đội tuyển này. Họ không có đủ ngân quỹ để lưu trú ở Đức nếu tiến sâu ở EURO.
Nghi vấn Đan Mạch "bắt tay" Thụy Điển loại Italy
Trong lịch sử, từng có trường hợp hai đội bóng "bắt tay nhau" để loại một đội còn lại ở vòng bảng. Đó là trường hợp của đội tuyển Đan Mạch, Thụy Điển và Italy tại vòng bảng EURO 2004.
Sau 2 lượt trận, Đan Mạch và Thụy Điển cùng được 4 điểm, Italy giành 2 điểm sau 2 trận hòa trước 2 đối thủ trên, còn Bulgaria đã bị loại sau 2 trận thua. Vì EURO 2004 tính kết quả đối đầu giữa các đội bằng điểm, nên nếu Đan Mạch hòa Thụy Điển từ tỷ số 2-2 trở lên, hai đội này sẽ dắt tay nhau đi tiếp, còn Italy bị loại bất chấp kết quả của họ với Bulgaria.
Kết quả là, Đan Mạch và Thụy Điển hòa nhau với đúng tỷ số ấy, khiến Italy phải chia tay giải trong cay đắng.
Ronald Koeman khiêu khích đội tuyển Đức (EURO 1988)
Tuyển Hà Lan đã giành chức vô địch EURO 1988 đầy ấn tượng khi thắng Tây Đức 2-1 ở bán kết và vượt qua Liên Xô 2-0 ở chung kết. Tuy nhiên ở giải đấu này, hậu vệ Ronald Koeman có hành động gây tranh cãi ở trận đấu với ĐT Tây Đức.
Koeman đóng góp 1 bàn thắng giúp ĐT Hà Lan ngược dòng đánh bại ĐT Tây Đức. Sau khi trận đấu kết thúc, Koeman đã đổi áo với một cầu thủ Tây Đức ... và dùng nó để lau mông. Hành động này được máy quay ghi lại đã làm tăng thêm sự căng thẳng vốn có giữa hai đội bóng.
Tiền đạo Đan Mạch trả giá đắt vì khoe đồ lót (EURO 2012)
Tiền đạo người Đan Mạch Nicklas Bendtner đã ăn mừng bàn thắng vào lưới ĐT Bồ Đào Nha ở EURO 2012 bằng cách kéo quần xuống để khoe dòng tên của hãng cá cược Paddy Power trên quần lót của mình. Hành động phản cảm này khiến cựu cầu thủ Arsenal bị UEFA phạt 100 nghìn euro.
Anh cũng nhận án treo giò một trận. Tuy nhiên án phạt này có lẽ chẳng thấm vào đâu vì Paddy Power đã trả cho Bendtner 200.000 euro.
Màn ăn mừng tranh cãi ở EURO 2020
Tuyển Áo thắng 3-1 Bắc Macedonia ở trận ra quân tại vòng bảng EURO 2020. Tuy nhiên trong trận đấu này, Marko Arnautovic gây tranh cãi với pha ăn mừng sau khi xé lưới ĐT Bắc Macedonia ở cuối hiệp 2. Cầu thủ này đã ăn mừng quá khích khi tuôn ra một tràng những lời nói ở trên sân. Hậu vệ David Alaba thậm chí đã phải ra can thiệp khi thấy hành động của Arnautovic.
Nhiều người cho rằng pha ăn mừng đó là hành động phi thể thao và thậm chí tin rằng Arnautovic có những lời lẽ phân biệt chủng tộc. Sau đó, Arnautovic nhận án phạt cấm thi đấu 1 trận từ UEFA do hành động ăn mừng nói trên.
Trận đấu kịch tính nhất EURO 2008
Đội tuyển Croatia thua 1-3 Thổ Nhĩ Kỳ ở loạt đá luân lưu tại tứ kết EURO 2008. Trước đó, hai đội hòa nhau 1-1 sau 120 phút thi đấu. Điều đáng nói là sau khi Ivan Klasnic ghi bàn ở phút 119 cho Croatia, Semih Senturk san bằng tỉ số 1-1 cho Thổ Nhĩ Kỳ ở phút 120+2.
Tranh cãi đã nổ ra về thời điểm kết thúc trận đấu. Nhiều người cho rằng lẽ ra sau khi Klasnic ghi bàn thì trọng tài Roberto Rosetti (Italy) phải cho kết thúc trận đấu. Tuy nhiên trận cầu này vẫn tiếp tục sau phút 120 và rốt cuộc, Thổ Nhĩ Kỳ ghi bàn gỡ hòa 1-1.
Bình luận