• Zalo

10 dự đoán kinh tế 2019: Trung Quốc bắt đầu suy yếu, Mỹ tăng tốc nhanh

Kinh tếThứ Ba, 18/12/2018 17:07:00 +07:00 Google News

Chuyên trang tài chính Seeking Alpha mới đây đã đưa ra những dự đoán, nhận định cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019.

Nền kinh tế toàn cầu khởi động năm 2018 với sự tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ. Nhưng đà đi lên dần biến mất khi xu hướng tăng trưởng bỗng chuyển hướng. Đáng chú ý, nền kinh tế các khu vực đồng euro, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu suy yếu. Ngược lại, nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc nhanh nhờ vào việc kích thích tài khóa.

Vậy điều gì sẽ đến trong 2019?

Tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3,2% ở năm 2018 xuống 3% vào năm 2019. Quá trình đi xuống sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Nguy cơ leo thang những cuộc xung đột thương mại vẫn còn cao. Và nếu sự leo thang như thế xảy ra, sự thu hẹp thương mại thế giới có thể làm chậm nền kinh tế chung hơn nữa.

kt

 Tương lai nền kinh tế toàn cầu trong 2019 sẽ ra sao? (Ảnh: Fair Observer)

Đồng thời, việc bán tháo thị trường vốn và hàng hóa, trên cơ sở dần loại bỏ các hoạt động kích thích từ những ngân hàng trung ương, có nghĩa các điều kiện tài chính trên toàn cầu đang siết chặt lại. Kết hợp với bất ổn chính trị đang tăng cao, những rủi ro này dẫn đến khả năng suy thoái kinh tế cao hơn trong nhiều năm sắp đến.

Dưới đây là 10 dự đoán về tình hình kinh tế toàn cầu trong năm sau.

Tăng trưởng Mỹ sẽ duy trì với các nền tảng kinh tế tương đối vững chắc

Năm 2018, tăng trưởng Mỹ đạt mức 2,9% với tốc độ kinh ngạc nhờ vào một liều lớn từ kích thích tài khóa (cắt giảm thuế và tăng chi tiêu) được đưa ra hồi đầu năm. Tác động của việc kích thích này vẫn sẽ lan tỏa rõ rệt trong năm tới, nhưng càng về sau, các triển vọng càng giảm dần. Do đó, Seeking Alpha dự đoán tăng trưởng Mỹ vào 2019 sẽ thấp hơn 2018 khoảng 0,3%, ở mức 2,6%.

Kinh tế khu vực đồng euro tiếp tục chậm lại

Tăng trưởng khu vực đồng euro đạt 1,9% trong năm nay và được dự đoán sẽ giảm còn 1,5% trong năm 2019. Một số yếu tố kinh tế và chính trị đầy bất lợi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tăng trưởng, bao gồm các điều kiện tín dụng ít được hỗ trợ hơn, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới...

Những mối quan ngại chung chắc chắn sẽ còn cao trong 2019 khi các sự kiện tại Pháp, Ý và Đức góp phần gây nên bất ổn chính trị. Thêm vào đó, sự hỗn độn liên tục xung quanh vấn đề Brexit sẽ tổn hại đến tăng trưởng của Anh, có thể giảm xuống mức 1,1% vào năm sau.

kt1

 Bất ổn chính trị tại châu Âu đe dọa đến tăng trưởng khu vực này. (Ảnh: Getty)

Sự phục hồi của Nhật Bản vẫn còn yếu

Tăng trưởng của đất nước mặt trời mọc dự kiến sẽ chạm 0,8% trong năm nay và nhích lên 0,9% vào năm 2019. Trong khi Nhật Bản tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng, quốc gia này phải đối mặt với hai lực cản lớn nhằm vào tăng trưởng: sự chững lại trong nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ sụp đổ tự do thương mại khởi nguồn từ căng thẳng Mỹ - Trung.

Việc chi tiêu gia tăng phục vụ công tác tổ chức Thế vận hội 2020 cũng sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 2019. Tuy nhiên, càng về cuối năm, mức tăng sẽ càng giảm.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc

Tốc độ phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ chậm lại, chỉ còn khoảng 6,3% trong năm sau. Mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc rất nhạy cảm với sự lao dốc quá nhanh, sự rối loạn gần đây trên thị trường chứng khoán, và cả tác động tiềm tàng đến từ thuế quan Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách trong thời gian qua đã đưa ra một loạt biện pháp tài chính và tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng và ổn định thị trường, dù hiệu quả từ chúng có thể vẫn còn khiêm tốn.

Thị trường đang nổi trượt dốc

Tăng trưởng tại các thị trường đang nổi năm qua giảm xuống mức 4,8%. Con số được dự báo còn 4,6% trong năm tiếp theo.

Trong tương lai, những thị trường này phải đối đầu với những làn gió ngược. Đầu tiên, tăng trưởng tại các nền kinh tế tiên tiến đang chậm lại, tương tự tốc độ của thương mại toàn cầu. Thứ hai, điều kiện tài chính thế giới đang dần chặt chẽ hơn, bên cạnh đó thì đồng USD vẫn mạnh. Thứ ba, giá cả hàng hóa tiếp tục biến động trong năm 2019. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, thực trạng bất ổn chính trị gia tăng tại các quốc gia như Brazil và Mexico có thể đe dọa dòng vốn nước ngoài.

kt2 3

Các thị trường đang nổi sẽ phải đối mặt với năm 2019 đầy biến động. (Ảnh: Financial Times) 

Một vài quốc gia có thể tạo ra những xu hướng như vậy, đặc biệt là các nền kinh tế năng động với mức nợ thấp ở châu Á.

Thị trường hàng hóa vẫn bất ổn và đi kèm với những rủi ro sụt giá đáng kể

Thị trường hàng hóa 2019 sẽ phải vượt qua những thách thức được đặt ra từ 3 thành tố sau: tăng trưởng toàn cầu yếu hơn; các điều kiện tín dụng dần được thắt chặt hơn; và sức mạnh của đồng USD.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu trong năm tới vẫn đủ đáp ứng cho thị trường. Seeking Alpha kỳ vọng những sự thay đổi nhỏ sẽ diễn ra khi kết thúc năm 2019. Nhưng từ đây đến lúc đó là cả một sự biến động mãnh liệt và khó lường.

Lạm phát, nếu có, sẽ không tăng mạnh

Lạm phát tiêu dùng toàn cầu tăng 2% năm 2015 lên 3% năm 2018. Nguyên nhân phần lớn là so sự chuyển đổi trong các nước phát triển, từ giảm phát hoặc gần giảm phát sang lạm phát. Trong thời gian tới, Markit dự kiến tỷ lệ lạm phát toàn cầu và ở các nền kinh tế phát triển vẫn ở mức lần lượt là 3% và 2%.

Các hoạt động từ ngân hàng trung ương tiếp tục phân kỳ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được dự đoán sẽ tăng lãi suất ba lần nữa trong năm sau. Trong khi chờ đợi tiến trình Brexit, Ngân hàng Anh có khả năng tăng mức lãi suất trong 2019. Điều tương tự cũng có thể xảy đến với Ngân hàng Canada cũng như một số ngân hàng trung ương tại thị trường đang nổi, đặc biệt ở Brazil, Ấn Độ và Nga.

Seeking Alpha cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ không tăng lãi suất cho đến đầu năm 2020, và Ngân hàng Nhật Bản vẫn duy trì chính sách lãi suất âm đến tận 2021.

Đối với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì hoàn toàn ngược lại. Những lo lắng về tăng trưởng khiến cơ quan này tiếp tục cung cấp các gói kích thích.

Đồng USD giữ vững sức mạnh trước các loại tiền tệ khác

Đồng bạc xanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục trụ vững ở mức cao như hiện tại trong phần lớn năm 2019. Mặt khác, những bất ổn chính trị đang leo thang ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đồng euro và đồng bảng Anh.

Tỷ giá euro/USD vào cuối năm tới có thể ở tầm 1,1 thấp hơn một chút so với mức 1,14 của cuối năm nay. Đồng thời, tỷ giá Nhân dân tệ đối với USD cũng sẽ không quá biến động nhờ vào mong muốn ổn định tài chính từ chính phủ Trung Quốc.

Rủi ro từ những cú sốc chính sách tăng lên nhưng không đủ gây ra suy thoái kinh tế 2019

Những sai lầm trong chính sách vẫn là mối đe dọa lớn nhất đến tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019. Chúng bao gồm: mức nợ gia tăng và thâm hụt ngân sách tại Mỹ; mức nợ cao ở Nhật Bản và châu Âu; những lỗi sai tiềm ẩn từ các ngân hàng trung ương chủ đạo trên thế giới.

Cuối cùng và quan trọng không kém, những xung đột thương mại căng thẳng rất nguy hiểm, không phải vì chúng phương hại nặng nề, mà bởi vì chúng dễ dàng leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn