• Zalo

10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào Vinashin nhưng không phát hiện sai phạm

Thời sựThứ Ba, 26/05/2015 05:35:00 +07:00Google News

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước khi không phát hiện ra dấu hiệu phạm tội của các doanh nghiệp nhà nước.

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước khi không phát hiện ra dấu hiệu phạm tội của các doanh nghiệp nhà nước.

Sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền 
Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung nguyên tắc hoạt động kiểm toán để không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan tổ chức.

Ông Quyền cũng cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước. Thẩm quyền chuyển cơ quan điều tra là thẩm quyền rất lớn.

“Nếu không quy định chặt chẽ sẽ trở thành “con ngáo ộp”. Khi người kiểm toán chỉ “rung lên một cái thôi” thì đơn vị bị kiểm toán lại phải chạy đến và nảy sinh tiêu cực”, ông Quyền nói.

Bên cạnh đó, ông Quyền cũng nêu thực tế trong thời gian qua đã có trên 10 đoàn thanh tra và kiểm toán vào kiểm tra tại Vinalines và Vinashin nhưng không phát hiện ra sai phạm. Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc rồi phát hiện ra hàng loạt sai phạm.

“Trong trường hợp này, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước như thế nào phải làm cho rõ”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

Dương Chí Dũng tại phiên xét xử  
Thông qua hoạt động kiểm toán  sẽ phát hiện nhiều hành vi tham nhũng nên bộ luật thì quy định mối quan hệ kiểm toán và Ủy ban tư pháp để thuận lợi cho việc xử lý.

Bên cạnh đó, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng góp ý về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.

“Trong trường hợp có khiếu nại đối với quyết định của Tổng kiểm toán mà doanh nghiệp không đồng tình thì phải có cơ chế thực hiện điều này”, đại biểu Quyền nhấn mạnh.

Ông Quyền cho rằng, Hội đồng nhân dân không chỉ giám sát kiến nghị của kiểm toán mà cần bổ sung việc giám sát hoạt động của kiểm toán tại địa phương.

Nguyễn Bá Thuyền
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền 
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng cần phải quy đinh rõ trách nhiệm của đơn vị kiểm toán.

Ông Thuyền lấy dẫn chứng việc kiểm toán một đơn vị nhưng không phát hiện dấu hiệu sai phạm nhưng sau đó người đứng đầu cơ quan đó lại bị bắt thì cần phải làm rõ trách nhiệm của kiểm toán.

 

Nếu bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm hay không?
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền
 
“Công ty sổ số Lâm Đồng năm nào cũng kiểm toán. Công an vào thì bảo là làm sai. Nếu bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm hay không?”, ông Thuyền nói.


Vì vậy, trong luật cần phải quy định rõ trách nhiệm của kiểm toán.  Nếu quyền hạn của đơn vị kiểm toán lớn thì phải gắn với trách nhiệm.

“Nếu người ta làm sai, anh bảo đúng thì đến lúc người ta đi tù, anh phải là đồng phạm. Phải quy rõ trách nhiệm của kiểm toán”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Thuyền đồng tình với ý kiến cho rằng nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước là 5 năm. Còn Phó Tổng kiểm toán nhà nước là viên chức nhà nước, nên bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, không nhất thiết phải theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Clip: Dương Chí Dũng cam đoan bán mọi thứ để bồi thường

Vnexpress

Về tổ chức bộ máy, ông Thuyền đề nghị kiểm toán thì phải quy định rõ trong luật, như chia làm các khu vực Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Về thời hạn kiểm toán, vị đại biểu Lâm Đồng đồng tình với thời hạn 60 ngày, gia hạn không quá 30 ngày.

“Nếu kéo dài thì doanh nghiệp khổ lắm! Đơn vị này phải lo cho kiểm toán cũng mệt lắm nên phải có giới hạn nhất định”, đại biểu Thuyền nêu ý kiến.

Vị đại biểu của Lâm Đồng cũng đề nghị trong luật cần quy định rõ Kiểm toán Nhà nước chỉ vào các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước. Các doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước sẽ do kiểm toán độc lập đảm nhận.

“Cứ nói ở đâu có tài sản nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước đều vào thì không ổn. Như thế kiểm toán nhà nước không làm hết được và nên giao cho kiểm toán độc lập làm. Nếu phát hiện vấn đề thì giao cho Kiểm toán nhà nước kiểm tra lại”, đại biểu Thuyền đề xuất.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn