10 điều ‘sát sườn’ để ngăn ung thư phát triển: Cần phải làm ngay từ khi còn trẻ

Bệnh và thuốcThứ Sáu, 12/11/2021 10:06:00 +07:00
(VTC News) -

Các bệnh ung thư nguy hiểm đều phát triển âm thầm trong cơ thể dựa vào những thói quen mà con người "nuôi dưỡng" mỗi ngày thông qua các hành vi thiếu lành mạnh.

Bài viết này của Giáo sư Hồ Nghị, Giám đốc Khoa Ung bướu của Trung tâm Y tế số 5, Bệnh viện Đa khoa GPQ, Trung Quốc đã giới thiệu những kiến ​​thức liên quan về phòng chống sự phát triển của các khối u ung thư trong cơ thể.

Như chúng ta đều đã biết rằng, ung thư là một khối u phát triển lớn dần lên trong cơ thể và trở nên ác tính hóa ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời.

Vì đặc điểm phát triển ác tính nên căn bệnh này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tính mạng của mọi người.

Các khối u ác tính luôn đứng đầu về tỉ lệ tử vong do mắc bệnh kể cả ở thành thị và nông thôn.

Mặc dù việc điều trị khối u cũng như các căn bệnh ung thư liên quan trong thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị sớm vẫn là phương pháp chính để giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài cuộc sống cho người bệnh.

Trên thực tế, theo các nghiên cứu thống kê của các chuyên gia ung thư đã công bố cho thấy, có khoảng 30% -50% các trường hợp ung thư có thể phòng ngừa được. Do đó, theo giáo sư Hồ, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể phòng ngừa ung thư bằng những cách thiết thực nhất sau đây.

10 điều ‘sát sườn’ để ngăn ung thư phát triển: Cần phải làm ngay từ khi còn trẻ - 1

(Ảnh minh họa)

1, Hãy không hút thuốc hoặc sớm bỏ thuốc lá

Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ cao gây ra nhiều loại ung thư, đặc biệt nó làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Có thể bạn chưa hình dung được rằng, có tới hàng trăm chất độc hại trong thuốc lá, và 69 loại chất có thể gây ung thư đã được nhắc đến.

Những người có chỉ số hút thuốc (số điếu thuốc hút mỗi ngày nhân với số năm hút thuốc) vượt quá 400 là "nhóm nguy cơ cao" đối với ung thư phổi.

Cụ thể, nếu bạn hút 1 gói thuốc mỗi ngày và hút liên tục trên 20 năm thì chỉ số hút thuốc là 400. Ngay cả khi khối u ung thư đã phát triển và bạn đã được chẩn đoán xác nhận mắc bệnh, việc bỏ thuốc lá vẫn có thể cải thiện hiệu quả chống khối u, vì vậy mọi người nên bỏ thuốc lá.

2. Kiểm soát cân nặng

Thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc hơn 12 bệnh ung thư, bao gồm ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú...

Cứ thừa 5 kg cân nặng ở phụ nữ trưởng thành, nguy cơ ung thư vú sau khi mãn kinh tăng 11%; cứ thừa 5 kg cân nặng ở nam giới trưởng thành, nguy cơ ung thư ruột kết tăng 9%.

Chuyên gia khuyên rằng, BMI (Chỉ số khối cơ thể) là một chỉ số tốt để theo dõi cân nặng. BMI là cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét). Trong phạm vi BMI bình thường (18,5-23,9), bạn nên giữ chỉ số khối cơ thể càng thấp càng tốt.

3, Tập thể dục vừa phải, đều đặn, hợp lý

Tập thể dục không chỉ có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú, ung thư ruột kết và các khối u khác mà còn có thể giảm một loạt các bệnh mãn tính, giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân ung thư khoảng 20%.

Tập thể dục điều độ nên được kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh để đạt được sự cân bằng giữa lượng calo hấp thụ và lượng calo được tiêu thụ, giúp trọng lượng cơ thể ổn định và duy trì cân nặng hợp lý.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người lớn nên tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần (khuyến nghị 5 lần một tuần, mỗi lần 30 phút) hoặc ít nhất 70 phút tập thể dục cường độ cao.

4, Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Thói quen ăn uống lành mạnh có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư. Thức ăn chủ yếu là ngũ cốc, rau, trái cây và đậu, nên chiếm hơn 2/3 tổng số thức ăn. 1/3 còn lại chủ yếu là thức ăn động vật giàu đạm, bao gồm hải sản, thịt gia cầm và sữa, bạn có thể ăn một lượng nhỏ thịt đỏ.

10 điều ‘sát sườn’ để ngăn ung thư phát triển: Cần phải làm ngay từ khi còn trẻ - 2

(Ảnh minh họa)

5. Ăn ít "thức ăn nhanh"

Thực phẩm chế biến sẵn hầu hết là thực phẩm nhiều đường và nhiều calo. Kiểm soát thực phẩm chế biến giúp kiểm soát lượng calo nạp vào và duy trì cân nặng hợp lý.

Nên ăn ít thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, bánh quy, kẹo thanh và các món tráng miệng làm sẵn. Ngoài ra, bạn có thể thay thế đồ ăn nhanh bằng cách ăn trái cây và các loại hạt như đồ ăn nhẹ bổ sung hàng ngày.

6. Hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn

Thịt động vật có vú/gia súc như thịt lợn và thịt bò được định nghĩa là thịt đỏ. Thịt đã qua chế biến là các sản phẩm thịt đã được ướp muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc các phương pháp chế biến khác để tăng hương vị hoặc dễ bảo quản dài ngày hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê thịt đỏ là thực phẩm có nguy cơ gây ung thư loại IIA và thịt chế biến là chất gây ung thư loại I, thường xuyên ăn các loại thịt này có thể sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư ruột.

Khuyến cáo không nên tiêu thụ quá 500 gam thịt đỏ mỗi tuần và cố gắng không tiêu thụ các sản phẩm thịt đã qua chế biến, tẩm ướp bảo quản dài ngày.

7, Nên từ chối đồ uống có đường

Thường xuyên uống đồ uống có đường là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến bạn tăng cân. Nên dùng trà hoặc cà phê không đường để thay thế cho đồ uống có đường trong thói quen tiêu thụ đồ uống hàng ngày.

Qua những nghiên cứu cơ bản trong phòng thí nghiệm, polyphenol được tìm thấy trong trà và cà phê đã cho thấy tác dụng chống ung thư nhất định. Trà đen, trà ô long, trà xanh và trà trắng phổ biến trên thị trường có thể cung cấp các chất bảo vệ này.

8. Hạn chế uống rượu

Rượu có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú, ung thư ruột, ung thư gan, ung thư thực quản và các bệnh liên quan đến khối u khác. Bạn càng uống ít rượu thì tỷ lệ mắc các bệnh khối u càng thấp.

Nếu không thể thoát khỏi hoàn toàn việc uống rượu, thì nam giới nên uống không quá 25 gam rượu mỗi ngày và phụ nữ không quá 15 gam.

9, Không dựa vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng

Mặc dù tất cả các loại thực phẩm sức khỏe trong quảng cáo đều có tác dụng chống ung thư, nhưng chúng thiếu bằng chứng hiệu quả và có thể có tác dụng tiêu cực trong một số trường hợp.

Thực phẩm chức năng bổ sung Selen có thể làm tăng nguy cơ ung thư da không phải khối u ác tính, và thực phẩm chức năng chứa vitamin E có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Nên bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể thông qua chế độ ăn uống bình thường với thực phẩm tự nhiên.

10. Nên cho con bú sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ có lợi cho cả em bé và mẹ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú, và nó cũng có thể làm giảm nguy cơ thừa cân hoặc béo phì ở trẻ sơ sinh khi trưởng thành.

Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khuyến cáo các bà mẹ cố gắng cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời. Sau đó, bạn có thể thêm thức ăn phù hợp với lứa tuổi vào chế độ ăn của bé như một loại thực phẩm bổ sung.

Thảo Linh(Theo: People)
Bình luận